Vượt ngưỡng 74 USD, dầu WTI bứt phá hơn 20% trong nửa đầu năm 2018
- Trong quý 2, giá dầu WTI leo dốc 14%, giá dầu Brent vọt 13%
- Trong tháng 6, giá dầu WTI tăng 11%, giá dầu Brent cộng 2.4%
- Tuần qua, giá dầu WTI tiến hơn 8%, giá dầu Brent tăng 5.2%
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày thứ Sáu (29/06), ghi nhận đà tăng trong tuần qua, trong tháng 6, trong quý 2 và trong cả nửa đầu năm 2018, khi những nỗ lực dài hạn của OPEC, dự báo nhu cầu gia tăng cùng với sự gián đoạn nguồn cung kết hợp đã đẩy giá dầu nhảy vọt, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex tiến 70 xu (tương đương gần 1%) lên 74.15 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11/2014. Hợp đồng này đã vọt hơn 8% trong tuần qua, tăng gần 11% trong tháng 6, leo dốc hơn 14% trong quý 2, dữ liệu từ WSJ Market Group cho thấy. Từ đầu năm đến nay, hợp đồng này cũng đã bứt phá gần 23%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn cộng 1.59 USD (tương đương 2%) lên 79.44 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2018. Hợp đồng này đã tăng gần 5.2% trong tuần qua, tiến 2.4% trong tháng 6, vọt 13% trong quý 2 và leo dốc 18.8% từ đầu năm đến nay. Hợp đồng này cũng đã hết hạn khi khép phiên ngày thứ Sáu.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 tăng 1.62 USD (tương đương 2.1%) lên 79.23 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhờ vấn đề tranh chấp quyền tiếp thị dầu ở Libya, vốn đang cản trở khả năng xuất khẩu dầu của quốc gia Bắc Phi này. Tại Libya, nguồn cung dầu lên đến 780,000 thùng/ngày đang vấp phải nguy cơ gián đoạn, các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết.
Ngoài ra, thị trường năng lượng đang phản ứng với lời đe dọa từ Chính quyền ông Trump trong tuần này, cụ thể, rằng Nhà Trắng sẽ xem xét trừng phạt các nước không cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran về mức 0 vào ngày 04/11/2018. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Iran vào khoảng 2.4 triệu thùng/ngày.
Giá dầu WTI đã xóa bớt đà tăng trong ngày thứ Năm (28/06), sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ những nhận định trên trong đó một quan chức cho biết Chính quyền ông Trump “sẵn sàng thảo luận với các nước đang cắt giảm kim ngạch nhập khẩu theo từng trường hợp”, cho thấy khả năng kim ngạch nhập khẩu dầu từ Iran có thể không phải về 0.
Nhìn chung, dữ liệu cho thấy dự trữ dầu sụt giảm và nhu cầu dầu gia tăng.
Hôm thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 9.9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/06/2018, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 4 giàn xuống 858 giàn trong tuần này. Đây cũng là tuần sụt giảm thứ 2 liên tiếp của số giàn khoàn dầu tại Mỹ.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 7 tiến 2.2% lên 2.179 USD/gallon và leo dốc hơn 21% từ đầu năm đến nay. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 cộng 1.4% lên 2.209 USD/gallon. Hợp đồng này đã vọt 6.5% trong nửa đầu năm 2018. Cả 2 hợp đồng này đều đã hết hạn vào cuối phiên.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 8 mất 0.5% còn 2.924 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|