Rác tái chế dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á
Đối với các nước Đông Nam Á đây có thể là một món hời nhưng cũng kèm rủi ro trở thành "bãi rác của thế giới".
Những kiện hàng lớn các loại giấy và nhựa tái chế đang chất đống ở trên khắp nước Mỹ. Cách đây 6 tháng, hầu hết những kiện hàng này đều được xuất sang Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu rác tái chế lớn nhất thế giới. Nhưng Trung Quốc đang xóa sổ hàng thập niên nỗ lực xây dựng ngành tái chế rác thải khổng lồ - cách rẻ nhất để sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang tăng trưởng.
Cụ thể, đầu năm nay, Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế và thậm chí cấm nhập khẩu một số loại trong hàng trăm ngàn tấn rác thải tái chế này với mục đích “lọc” bầu không khí ô nhiễm do ngành công nghiệp nước này tạo nên. Những lệnh cấm của Trung Quốc đã đưa khoảng 2% nguồn cung nhựa polyethylene toàn cầu từ nhựa tái chế sang vật liệu nguyên chất, theo Vincent Andrews, chuyên gia phân tích tại Moragn Stanley. Nước này cũng đã giảm phân nửa khối lượng thu mua nhựa phế liệu polyethylene so với mức đỉnh của năm 2014, ông cho biết thêm.
Lệnh cấm cũng như các quy định ngặt nghèo hơn về nhập khẩu rác tái chế của Trung Quốc là một chính sách làm hài lòng người dân nước này, nhưng theo một số chuyên gia, những người thực sự hưởng lợi từ chính sách này lại là các nền kinh tế Đông Nam Á đầy triển vọng, vốn đang muốn chuyển vị thế là “công xưởng thế giới” của Trung Quốc về tay mình.
Trong 40 năm qua, nhiều yếu tố đã giúp Trung Quốc chuyển mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới, trong đó có nhân công giá rẻ, cơ sở hạ tầng khá tốt và chính sách có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, ngoài những lợi thế dễ nhận thấy này, một yếu tố quan trọng thường ít được để ý: tái chế.
Suốt thập niên 1980 và 1990s, các nhà sản xuất Trung Quốc hầu như không có sự lựa chọn về nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên chỉ cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất thuộc sở hữu nhà nước, chứ không đoái hoài đến các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, việc triển khai một dự án mỏ khoáng sản, giếng dầu hoặc một cơ sở khai thác gỗ lại cực kỳ đắt đỏ đối với một công ty tư nhân. Vì thế, vào giữa thập niên 1980, các doanh nghiệp bắt đầu nhập khẩu những loại rác tái chế không sử dụng nữa từ các nước phát triển và bán chúng với giá thấp.
Điều đó đã mang lại lợi ích to lớn cho các nhà sản xuất tại Trung Quốc và mở ra một lĩnh vực kinh doanh khổng lồ. Vào thời đỉnh điểm, nguyên vật liệu tái chế nhập khẩu đã trở thành “nguồn thức ăn” cho hơn 50% hoạt động sản xuất giấy của Trung Quốc, trong khi kim loại phế liệu nhập khẩu được ước tính chiếm tới 1/3 hoạt động sản xuất đồng của nước này. Ngành tái chế đã thu hút lượng lao động không nhỏ lên tới 1,5 triệu người và gián tiếp mang lại việc làm cho thêm 10 triệu người khác. Đến năm 2011, các doanh nghiệp tái chế đã tạo ra những sản phẩm có giá trị hơn 64 tỉ USD mỗi năm.
Diễn biến này không chỉ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc, mà còn làm lợi cho môi trường ở một khía cạnh nào đó. Trong giai đoạn 2002-2011, ngành nhôm tái chế của Trung Quốc đã tiết kiệm được 350 tỉ kWh điện và ngăn ngừa được sự thải ra của 522 triệu m3 khí CO2. Đối với một quốc gia đang đặt ưu tiên giảm ô nhiễm môi trường và khí thải nhà kính, đó là một lợi ích rất lớn. Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp tái chế gây ô nhiễm môi trường, nhưng so với những giải pháp thay thế khác, như khai thác mỏ, các nhà máy lọc hóa dầu, hay chặt cây đốn rừng gây tác động tiêu cực đến môi trường thì tái chế xem ra vẫn là một lựa chọn khả dĩ.
Nhưng nay ngành tái chế toàn cầu đang diễn ra những thay đổi đáng kể mà trong đó, đáng chú ý là nhân tố Trung Quốc. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang có những thay đổi rất lớn. Vào năm 2012, lực lượng lao động của nước này đã sụt giảm mạnh lần đầu tiên, do nhiều thập niên chứng kiến tỉ lệ sinh con giảm xuống. Chi phí tăng lên, đặc biệt đối với các ngành thâm dụng lao động và nhiều công xưởng sản xuất lớn ở nước này đang suy giảm. Cùng năm đó, khối lượng xuất khẩu rác tái chế Mỹ sang Trung Quốc đã giảm xuống lần đầu tiên kể từ năm 1996.
Trong khi đó, vào năm 2013, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy Đông Nam Á còn nhiều hơn cả chảy vào Trung Quốc, một phần nhờ các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn. Khi các nhà sản xuất di dời đại bản doanh thì các doanh nghiệp tái chế cũng nối gót theo. Mặc dù quá trình này đã bắt đầu từ rất lâu trước khi Trung Quốc ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn về rác tái chế nhưng kể từ đó nó cũng diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong 2 tháng đầu của năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,23 triệu tấn nhựa tái chế; trong cùng kỳ năm 2018, con số này chỉ là 10.000 tấn.
Khi Trung Quốc bắt đầu áp thêm nhiều quy định ngặt nghèo hơn đối với rác tái chế nhập khẩu thì giá cũng đã tăng lên đáng kể, tới hơn 10% đối với một số sản phẩm và cũng đẩy chi phí sản xuất tăng theo. Tuy nhiên, trên các thị trường ngoài Trung Quốc, giá cả đã giảm xuống khi các nhà xuất khẩu làm ngập lụt các thị trường này với những kiện rác thải tái chế mà đột nhiên không được chào đón ở đại lục.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng đối với các nước Đông Nam Á, đây là một món hời. Bởi lẽ, các nền kinh tế mới nổi ở khu vực này hiện có được nguyên vật liệu với chi phí thấp hơn rất nhiều để cung cấp cho các nhà sản xuất nước mình dù là các nhà sản xuất nội địa hay từ Trung Quốc sang. Trong năm vừa qua, nhập khẩu nhựa PET tái chế có xuất xứ từ Mỹ của Việt Nam (PET là loại nhựa thường được sử dụng để sản xuất chai đựng nước) đã tăng tới 137%, trong khi của Malaysia thì tăng 63%. Trong khi đó, Trung Quốc đang chuyển sang nhập khẩu nhựa nguyên chất để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Song song với nỗ lực làm sao để không trở thành “bãi rác” mới của thế giới, các nước Đông Nam Á cũng đang tận dụng xu hướng mới này và kỳ vọng vào một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn được xây dựng trên những rác tái chế của những nước phát triển.
KHÁNH ĐOAN
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|