Hang Seng vọt hơn 400 điểm, Nikkei 225 tăng gần 300 điểm
Thị trường chứng khoán châu Á tăng mạnh vào đầu phiên ngày thứ Hai (04/06), theo sau đà tăng của Phố Wall trong tuần trước sau Mỹ công bố báo cáo việc làm lạc quan hơn dự báo và gạt bỏ những nỗi lo về thương mại.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 có đà tăng thuyết phục với 293.46 điểm (tương ứng 1.32%) khi phần lớn lĩnh vực đều khởi sắc. Các công ty sản xuất xe hơi và vận chuyển là những lĩnh vực tăng mạnh nhất vào buổi sáng. Bên cạnh đó, chỉ số Topix tiến 1.53%.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông nhảy vọt 401.94 điểm (tương ứng 1.32%) khi nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính dẫn đầu đà tăng.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tiến 16.46 điểm (tương ứng 0.54%) và chỉ số Shenzhen Composite cộng 0.41%.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 12.95 điểm (tương ứng 0.53%) và chỉ số ASX 200 của Australia cộng 40.9 điểm (tương ứng 0.68%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 9h30
Nguồn: CNBC
|
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tiến 1.03% vào phiên giao dịch buổi sáng ngày thứ Hai.
Thị trường New Zealand tạm ngưng hoạt động trong ngày thứ Hai (04/06).
Trong ngày thứ Sáu (01/06), chứng khoán Mỹ khởi sắc, sau khi căng thẳng địa chính trị dịu bớt và báo cáo việc làm định kỳ hàng tháng mới nhất cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho biết trong tháng 5 nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 223,000 việc làm và tiền lương bình quân mỗi giờ tăng 0.3%, cả 2 đều cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống đáy 18 năm là 3.8%. Dữ liệu về chi tiêu xây dựng và sản xuất công nghiệp cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Bất ổn thương mại
Bất chấp tâm lý tích cực, những nỗi lo ngại thương mại tiếp tục đu bám sau khi cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có bước đột phá nào. Tất cả lời cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ cho đến nay sẽ bị rút lại nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai lời đe dọa áp hàng rào thuế quan, Trung Quốc cho biết trong ngày Chủ nhật (03/06).
“Nếu Mỹ triển khai các biện pháp thương mại bao gồm cả hàng rào thuế quan thì tất cả thỏa thuận đã tiến tới trong các cuộc đàm phán trước đây sẽ không có hiệu lực”, thông tấn xã Trung Quốc, Xinhua News Agency, đưa tin trong ngày Chủ nhật, trích lại tuyên bố từ nhóm đàm phán Trung Quốc. Được biết, một phái đoàn đàm phán Mỹ, do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn dắt, đang trong quá trình thương lượng với bên Trung Quốc.
Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh G-7 – bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh, 6 quốc gia khác đã cô lập Mỹ vì lệnh áp thuế nhập khẩu thép và nhôm của chính quyền Donald Trump.
Trong một động thái hiếm hoi, các bộ trưởng tài chính từ 6 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đồng loạt thể hiện sự thất vọng về quyết định đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm lên các đồng minh.
Sự thay đổi quan điểm 180 độ của chính quyền Donald Trump có thể đem lại cho Mỹ một lợi thế trong cuộc đàm phán thương mại trong ngắn hạn, nhưng cũng buộc Trung Quốc phải đưa ra biện pháp cứng rắn hơn trong trung hạn, Tommy Xie, Trưởng Bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC, cho biết trong một báo cáo.
“Thị trường sẽ tiếp tục cảnh giác về cách Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng tính khó lường của mình – vốn sẽ là một điều bình thường mới cho mối quan hệ ngoại giao toàn cầu”, ông Xie nói thêm.
Trên thị trường năng lượng, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 94.046 vào lúc 9h46 (giờ HK/SIN – ngày 04/06).
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 0.14% lên 65.9 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 0.12% lên 76.7 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|