TTCK Trung Quốc khởi sắc khi giá dầu vượt ngưỡng 70 USD
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong ngày thứ Hai (07/05), khi nhà đầu tư “thẩm thấu” cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần trước và số liệu về việc làm của Mỹ. Bên cạnh đó, giá dầu WTI đã vượt mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014 trong phiên giao dịch buổi sáng.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 43.33 điểm (tương ứng 1.4%), còn Shenzhen composite cộng 1.52%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 lùi nhẹ 5.62 điểm (tương ứng 0.03%) và chỉ số Topix hạ 0.05% khi đà tăng của nhóm cổ phiếu khai khoáng và dầu bù đắp cho đà sụt giảm của nhóm công nghệ và tài chính.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 58.75 điểm (tương ứng 0.2%) khi lĩnh vực tài chính, bất động sản và công nghệ (3 nhóm có tỷ trọng cao nhất trong chỉ số này) đều xóa sạch đà giảm và quay đầu tăng nhẹ. Dẫn đầu đà tăng là nhóm cổ phiếu năng lượng nhờ giá dầu tăng mạnh.
Tại Australia, chỉ số ASX 200 tiến 21.6 điểm (tương ứng 0.36%) khi đà leo dốc diễn ra trên diện rộng, trong đó các cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu đồng loạt tăng. Lĩnh vực tài chính cộng 0.33%.
Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiến 0.37%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 14h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tạm ngừng giao dịch trong ngày thứ Hai (07/05).
Giá dầu WTI vượt ngưỡng 70 USD/thùng
Giá dầu WTI vượt ngưỡng 70 USD/thùng trong ngày thứ Hai (07/05), khi cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng của Venezuela đe dọa tới nguồn cung dầu vốn đã trượt dốc liên miên của nước này. Đây cũng là lần đầu tiên giá dầu WTI vượt cột mốc 70 USD/thùng kể từ tháng 11/2014.
Ngoài ra, thị trường cũng đang lo ngại về khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran.
Các chuyên gia phân tích đã lên tiếng cảnh báo việc Venezuela chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ đe dọa tới sản lượng và hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Shannon Rivkin, Giám đốc đầu tư tại Rivkin Securities ở Australia, cho biết giá dầu đã tăng mạnh trước lo ngại của nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela và ngành dầu của nước này, cùng với khả năng áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran từ chính quyền Donald Trump.
Sản lượng dầu của Venezuela đã giảm một nửa kể từ đầu những năm 2000 xuống chỉ còn 1.5 triệu thùng/ngày, khi quốc gia này không đầu tư đủ để duy trì ngành dầu khí của nước mình.
Bên cạnh bất ổn tại Venezuela, ông Greg McKenna – Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại công ty môi giới hợp đồng tương lai AxiTrader – cho hay câu chuyên quan trọng trong tuần này sẽ là về dầu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Phần lớn thành phần tham gia thị trường dự báo ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, ông McKenna cho hay.
Thể hiện những hoài nghi về sự chân thành của Iran, ông Trump đã dọa rút khỏi thỏa thuận Iran năm 2015 bằng cách không gia hạn miễn trừ lệnh trừng phạt khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 12/05/2018. Điều này có thể làm lượng dầu xuất khẩu của Iran suy giảm.
Tuy nhiên, một số chuyên viên giao dịch (trader) dần trở nên thận trọng hơn về giá dầu ngày càng cao.
Các quỹ đầu cơ đã giảm vị thế mua ròng hợp đồng dầu WTI tương lai và vị thế quyền chọn trong tuần kết thúc ngày 01/05, giảm 11,825 hợp đồng xuống còn 444,060 hợp đồng, dựa trên số liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC).
Mối lo ngại bao trùm lên cả thị trường là về đà tăng của sản lượng dầu tại Mỹ. Được biết, lượng dầu tại Mỹ đã leo dốc hơn 25% trong 2 năm vừa qua lên mức 10.62 triệu thùng/ngày.
Sản lượng Mỹ còn có khả năng tăng thêm trong năm nay, hướng về hoặc có thể vượt qua ngưỡng 11 triệu thùng/ngày của Nga, khi các công ty năng lượng tiếp tục khoan thêm dầu.
Trong tuần kết thúc ngày 04/05/2018, các công ty năng lượng Mỹ vừa thêm 9 giàn khoan dầu nhằm đẩy mạnh hoạt động khoan dầu, qua đó nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ lên 834 giàn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2015, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết trong ngày thứ Sáu tuần trước.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|