Hang Seng rớt gần 600 điểm trước thềm đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều vào phiên giao dịch buổi sáng ngày thứ Năm (03/05), khi nhà đầu tư bắt đầu xem xét lời thừa nhận từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng lạm phát đang dần tăng về mức mục tiêu của họ và cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong ngày thứ Năm (03/05) và thứ Sáu (04/05).
Tính tới lúc 10h10 ngày thứ Năm (03/05 – giờ Việt Nam), chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm nhẹ 0.29%, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ đều suy yếu. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ và xe hơi đều tăng nhẹ.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 tiến 0.88% khi đà tăng diễn ra ở tất cả các lĩnh vực.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite lùi 0.75% và chỉ còn cách ngưỡng 3,000 điểm khoảng 58 điểm. Còn Shenzhen Composite giảm 0.8%.
Dẫn đầu đà giảm trên thị trường là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông với mức lao dốc 583.97 điểm (tương ứng 1.9%). Trong ngày thứ Năm (03/05), lĩnh vực tài chính giảm 1.49% và lĩnh vực công nghệ sụt 1.99%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 10h10 giờ Việt Nam
|
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0.43% trong phiên giao dịch buổi sáng.
Được biết, thị trường chứng khoán Nhật Bản tạm ngừng giao dịch trong ngày thứ Năm.
Fed, thương mại và Xiaomi
Vào sáng ngày thứ Năm (03/05 – giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn, nhưng thừa nhận rằng lạm phát đang dần gia tăng. Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã giữ lãi suất chuẩn ở phạm vi 1.5%-1.75%.
Đáng chú ý nhất tại cuộc họp này, FOMC lưu ý rằng lạm phát chung và chỉ số lạm phát – loại trừ giá năng lượng và thực phẩm – đã di chuyển gần về mức 2%. Đây là một sự thay đổi lớn so với cuộc họp tháng 3/2018 – lúc đó FOMC cho biết các chỉ số lạm phát tiếp tục dao động dưới mốc 2%.
Thị trường hiện đang theo dõi sát sao Fed để lấy thông tin về lộ trình nâng lãi suất trong năm nay.
Ngoài ra, FOMC còn thực hiện thay đổi đối với dự báo lạm phát.
“Lạm phát trên cơ sở 12 tháng được kỳ vọng dao động gần mức mục tiêu 2% của Ủy ban trong trung hạn”, trích dẫn từ tuyên bố sau cuộc họp. Hồi tháng 3/2018, FOMC dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong vài tháng tới, còn ngôn ngữ trong tuyên bố lần này lại cho thấy những bước tiến triển hướng về mục tiêu lạm phát.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – tăng lên 1.9% trong tháng 3/2018, mức cao nhất kể từ tháng 2/2017. Bao gồm cả giá thực phẩm và năng lượng vào công thức tính, thì chỉ số PCE đã tăng 2%.
“Tuyên bố của FOMC củng cố thêm cho kỳ vọng rằng sẽ có 1 đợt nâng lãi suất vào tháng 6/2018”, ông Tai Hui, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại J.P. Morgan Asset Management, cho biết trong một báo cáo.
Ngoài ra, thương mại cũng sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường khi phái đoàn của Mỹ bắt đầu đàm phán với Trung Quốc trong ngày thứ Năm (03/05) và thứ Sáu (04/05) ở Bắc Kinh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross và Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, là ba trong số những quan chức tham gia vào cuộc đàm phán về thương mại.
Một thông tin cũng đáng chú ý trong ngày thứ Năm (03/05) là việc nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc, Xiaomi, nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) ở Hồng Kông. Trong hồ sơ, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 68% lên 114.6 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 18 tỷ USD) trong năm 2017 và lỗ ròng 43.9 tỷ Nhân dân tệ (6.9 tỷ USD) trong giai đoạn đó.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác – giảm ngay sau tuyên bố của Fed, nhưng sau đó đã xóa bớt đà giảm. Hiện chỉ số này dao động ở mức 92.549.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ trong ngày thứ Năm sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh hơn dự báo. Hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 0.13% xuống 67.84 USD/thùng và hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 0.2% xuống 73.21 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|