Tổng bí thư: Lò nóng rực rồi, còn nhiều việc phải làm!
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định với cử tri Hà Nội công tác phòng, chống tham nhũng vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh, ở địa phương nhiều nơi "lò" đang "nóng" lắm rồi.
Tổng bí thư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lắng nghe ý kiến cử tri trong một cuộc tiếp xúc - Ảnh: VIỆT DŨNG
|
Ngày 13-5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm ngay sau Hội nghị Trung ương 7 và trước kỳ họp sắp khai mạc của Quốc hội.
Quan không tu dưỡng vẫn lớn tiếng nói đạo đức
Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc) ghi nhận: "Tổng bí thư đã cùng với Đảng chỉ cho dân biết những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ, chưa bị lộ, những ông quan đang vướng lợi ích nhóm, đang ức hiếp dân lành, vơ vét đục khoét ngân sách, tiền thuế của dân, làm giàu bất chính, dùng cường quyền cướp đất đai, khai thác tài nguyên, tàn phá môi trường ở tất cả các địa phương".
Cử tri nguyên là giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch này cũng cho biết dân nức lòng khi nghe Tổng bí thư nói "ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm".
"Lời nói đó đi liền với quyết tâm của Tổng bí thư nên mới đưa ra, xử lý hàng loạt vụ án lớn, những vụ kỷ luật, xử lý quan tham. Dân chúng gọi Tổng bí thư là quân vương, trên vâng lời Bác Hồ dạy, dưới thuận theo lòng dân", ông Trần Viết Hoàn chia sẻ.
Nhân cơ hội nói thẳng với Tổng bí thư và các đại biểu Quốc hội, ông Trần Viết Hoàn nêu băn khoăn: "Những sai phạm, vi phạm chậm được phát hiện, xử lý, như của bà Phan Thị Mỹ Thanh, vụ đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến vài vị tướng công an đã bị khởi tố…, phải chăng do kiểm tra, thanh tra buông lỏng và liệu có người chống lưng cho họ không?".
Cử tri này bình luận: "Những vụ bị xử lý, kỷ luật thời gian gần đây hầu hết là cán bộ cấp cao, chứng tỏ tham nhũng đã leo thang đến bậc cửa quyền. Quan không chịu rèn mình, không chịu học hỏi nhưng vẫn lớn tiếng rao giảng đạo lý. Họ ra sức vơ vét tiền của dân của nước, làm giàu cho mình và gia đình, tàn phá ghê gớm đất nước".
Cử tri lão thành nhắc lại lời Bác Hồ: "Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do tiền đóng thuế của dân, vì vậy phải đền bù xứng đáng cho dân", và kiến nghị Tổng bí thư "chống tham nhũng cho tốt, trả lại cho dân, đừng bắt dân phải đóng cả thuế nhà ở như ngành thuế đề xuất".
Cử tri Trần Viết Hoàn búc xúc trước tình trạng tham nhũng vơ vét, tàn phá đất nước ghê gớm - Ảnh: CTV
|
Trung ương "lò cháy đùng đùng", địa phương im ắng
"Chống tham nhũng Trung ương làm rất mạnh, lò cháy đùng đùng nhưng các địa phương thì im ắng quá, có một số vụ việc báo chí phát hiện thì làm cho qua chuyện", cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) bình luận.
Cử tri nêu ví dụ tình trạng đất nông nghiệp bị biến thành đất thổ cư để làm trang trại, biệt phủ nguy nga, lộng lẫy đang khá phổ biến ở một số địa phương.
"Khi Trung ương đang chuẩn bị họp, người ta đã dùng tiểu xảo chuyển nhượng hơn 30 nghìn mét vuông đất ở TP.HCM với giá rẻ mạt không qua đấu giá. Rất may vụ việc được phát hiện và ngăn chặn kịp thời", cử tri Thịnh dẫn chứng.
Cử tri này bày tỏ hi vọng vào biện pháp "bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương" và công khai nguồn gốc tài sản cán bộ.
Đồng tình quan điểm này, cử tri Nguyễn Công Hoàn (phường Tràng Tiền) kiến nghị Luật phòng chống tham nhũng khẳng định tinh thần không có vùng cấm, coi trọng thu hồi tài sản tham nhũng không để tẩu tán.
"Cần cho phép cơ quan chức năng điều tra nguồn tài sản của đương sự và những người trong gia đình, tránh tư tưởng hi sinh đời bố củng cố đời con", ông Hoàn phát biểu.
Không bỏ dở giữa chừng
"Cử tri nào cũng đề cập đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Lần nào tiếp xúc cử tri vấn đề này cũng rất được quan tâm, càng chứng tỏ đây vấn đề hết sức quan trọng", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi lại với cử tri.
"Nếu không có sự ủng hộ của các cử tri, của toàn thể nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công được".
Tổng bí thư nhắc lại lưu ý: "Chúng ta không chỉ chống, mà cơ bản và lâu dài và cái chính là xây. Chống rất quan trọng, rất cấp bách, phải làm và làm quyết liệt nhưng không phải cứ nhăm nhăm đi chống, nếu xảy ra thì ta chống nhưng ta phải xây để ngăn ngừa, răn đe, nếu ai tay đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì hãy gột rửa".
Theo Tổng bí thư, chống tham nhũng không cứ phải xử thật nặng, tù chung thân hay tử hình thì mới đạt kết quả, mà cái chính là để người vi phạm nhận ra sai lầm, đặc biệt là phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát và phải được lòng dân.
"Bất đắc dĩ lắm mới dùng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình. Ta phải nhân văn, nhân ái, mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập người ta, đánh một đòn chết tươi", Tổng bí thư tâm sự.
LÊ KIÊN
TUỔI TRẺ
|