Thứ Sáu, 11/05/2018 10:02

6 năm, sai phạm hơn 300.000 tỉ đồng

Chỉ tính riêng 19 cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ 2011 - 2016, tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện số tiền sai phạm lên tới gần 346.000 tỉ đồng, hơn 48 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng), gần 304.000 euro (khoảng 8,1 tỉ đồng).

Ảnh: Ngọc Thắng

Đó là nội dung được thể hiện tại các báo cáo mới đây mà các cơ quan của Chính phủ gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Kiểm soát nội bộ bị vô hiệu hóa

Trong số này đã có 16 vụ với 17 đối tượng được thanh tra chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng, gần 32.000 USD; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý số tiền trên 344.800 tỉ đồng cùng 48,3 triệu USD và gần 304.000 euro.

Tính riêng giai đoạn 2013 - 2016, với 12 kết luận thanh tra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì số tiền thu về cho ngân sách đã lên tới 1.028 tỉ đồng/1.038 tỉ (đạt 99%) và 31.812 USD (100%); xử lý khác về kinh tế hơn 45.600 tỉ trong tổng số sai phạm 344.830 tỉ đồng (đạt 13%) và 27,3 triệu USD (56,5%). Đã có 24 đối tượng trong 7 vụ việc bị khởi tố. Ngoài ra, 145 cá nhân và 43 tổ chức cũng bị xử lý hành chính.

Cùng quãng thời gian 2011 - 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại 174 lượt tập đoàn, tổng công ty nhà nước với 1.434 lượt doanh nghiệp (DN); kiểm toán kết quả tư vấn, định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa của 17 đơn vị; kiểm toán 9 chuyên đề. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước xấp xỉ 17.300 tỉ đồng; kiến nghị điều chỉnh tăng giá trị thực tế phần vốn nhà nước trên 22.350 tỉ đồng; chuyển 9 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra.

Đánh giá về các sai phạm này, Chính phủ nhìn nhận có nguyên nhân từ việc hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, ban kiểm soát, kiểm soát viên của DNNN còn thấp, thậm chí có nơi bị vô hiệu. Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN còn hạn chế; các vi phạm, yếu kém và rủi ro không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Hệ thống thông tin quản lý, giám sát DNNN và tài sản, vốn của nhà nước tại DN còn bất cập, không đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Đi kèm với đó là việc thực hiện vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước còn hạn chế. Việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ, giám sát quyền hạn, trách nhiệm của người dại diện phần vốn nhà nước còn kém hiệu quả.

“Ông lớn” sai phạm lớn

Soi cận vào những kết luận thanh tra cụ thể trong giai đoạn kể trên, hầu như không có ông lớn nào không dính phải vi phạm về kinh tế như sai về thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định; sai thẩm quyền; sai đối tượng; hạch toán không đúng dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng bản chất.

Điển hình như qua thanh tra tại Tập đoàn cao su VN (VRG) và các đơn vị thành viên cho thấy, quyết định tăng vốn điều lệ để góp vốn vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính chưa đúng thẩm quyền với số tiền hơn 3.540 tỉ đồng; đầu tư vốn ra bên ngoài vượt so với vốn điều lệ theo quy định đến hơn 2.500 tỉ đồng…

Một ông lớn khác cũng bị chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm về quản lý, sử dụng vốn tài sản là Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex). Tại thông báo kết luận ban hành năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều khoản đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị lớn không đúng quy định như: tăng vốn đầu tư vào Ngân hàng Xăng dầu (PGBank) 400 tỉ đồng và 171 tỉ vào Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ; sử dụng vốn kinh doanh gần 232 tỉ đồng để đầu tư vào ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản không đúng với nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Tập đoàn xăng dầu VN
Ảnh: Ngọc Thắng

Chỉ tính thời kỳ thanh tra 2 năm 2012 - 2013, “ông lớn” trong ngành lương thực là Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) và các đơn vị thành viên đã quản lý, sử dụng vốn sai quy định lên đến 9.920 tỉ đồng và gần 63 triệu USD.

Tương tự, sau thanh tra tại Tổng công ty đường sắt VN (VNR) năm 2016, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính xử lý số tiền có sai phạm tại VNR và các đơn vị thành viên là trên 131 tỉ đồng. Cùng với đó, cơ quan thanh tra cũng đề nghị VNR và các công ty thành viên điều chỉnh để hạch toán đúng quy định gần 1.110 tỉ đồng. Ngoài ra, bộ chủ quản (GTVT) cũng được Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý số tiền hơn 75 tỉ khác cùng với khoản 304.000 euro.

Trả lời Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không mấy ngạc nhiên về những con số thua lỗ của DNNN trong thời gian qua. “Để giải quyết thực trạng này, theo tôi cách tốt nhất là phải giải tỏa bớt các DNNN, cổ phần hóa mạnh, thậm chí là bán hẳn ra ngoài để các nhà đầu tư khác giỏi giang hơn vào sử dụng số tài sản đó và có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế từ số tài sản mà DNNN đang sử dụng”, bà Lan nói, đồng thời bày tỏ rằng lấy làm tiếc bởi những biện pháp như vậy đã được đề ra lâu rồi mà chúng ta vẫn chưa làm được nhiều.

Bà Phạm Chi Lan nhận xét: “Chương trình cổ phần hóa thực hiện mấy năm vừa rồi về số lượng nghe có vẻ nhiều nhưng tỷ trọng về vốn được cổ phần hóa rất thấp, chỉ 8 - 9%. Mỗi DN chỉ bán đi tỷ lệ rất nhỏ thì chẳng có nhà đầu tư nào nên hồn vào để thay đổi cấu trúc của nó cả. Bên cạnh đó, chúng ta lại đang loay hoay với ý tưởng lập ra Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, tôi e rằng, một ủy ban không đủ sức giám sát cả một khối lượng lớn DN, hoạt động trên nhiều lĩnh vực với số tài sản khổng lồ như vậy”. TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường đại học Fulbright, cho rằng cách xử lý đối với tình trạng thiếu hiệu quả của DNNN hiện nay là phải giảm thiểu tối đa của các DNNN, chỉ nên duy trì ở một số lĩnh vực có những khuyết tật của thị trường mà nhà nước cần tham gia. Bên cạnh đó, nên xem xét mô hình quản trị hiện đại. Các DNNN sẽ hoạt động giống như công ty cổ phần, dựa trên hiệu quả của đồng vốn, lúc đó mới có thể kiểm soát nguồn lực công. Còn các DNNN mà làm nhiệm vụ công ích thì phải có nhiệm vụ cụ thể và đánh giá cụ thể để giảm thiểu việc lạm dụng nguồn lực công.

Ý kiến

Những “quả đấm thép” nhiều yếu kém

Những “quả đấm thép” mà chúng ta từng rất kỳ vọng trước đây đã bộc lộ quá nhiều yếu kém trong việc quản lý vốn, sử dụng tài sản, xây dựng chiến lược kinh doanh và cả sử dụng đầu tư, cơ sở vật chất... Sự đổ vỡ của Vinashin, Vinalines đã gióng lên hồi chuông phải xác định lại chức năng của các DNNN theo hướng nhà nước chỉ cần tập trung để xây dựng trụ cột mạnh cho nền kinh tế, còn cái nào xã hội làm được nên để cho xã hội làm, DNNN không ôm đồm nữa.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Nên co hẹp tầm ảnh hưởng của DNNN

Bên cạnh một số DNNN hoạt động tương đối hiệu quả, còn nhiều DN lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Nguyên nhân thua lỗ của các DNNN có lý do khách quan, nhưng lý do chủ quan nhiều hơn, như năng lực yếu kém của những người lãnh đạo, kể cả tình trạng quản lý không tốt dẫn đến thất thoát, tham nhũng như một số báo cáo kiểm toán, thanh tra đã chỉ ra. Nguyên nhân nữa cũng do chúng ta xác định chưa rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của DNNN, nhiều DNNN được sử dụng như một công cụ điều tiết nền kinh tế, đơn cử EVN. Cơ chế quản lý điều hành với DNNN cũng tương đối phức tạp, những người đại diện vốn không được thực hiện quyền hành như một người sở hữu đích thực, dẫn đến nhiều tầng nấc, không nhanh nhạy trước những diễn biến của thị trường. Để khắc phục tình trạng này, phải tái cơ cấu khu vực DNNN. Cần làm rõ vai trò của DNNN, xác định lĩnh vực nào nhà nước cần nắm, còn lại nên để cho thị trường. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ chế vận hành của DNNN, trên tinh thần mở rộng quyền tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu, nhưng phải thiết kế một cơ chế kiểm soát quyền lực của những người lãnh đạo.

Ông Bùi Đức Thụ (Phó trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội)

Chí Hiếu - Vũ Hân

Chí Hiếu

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Dự án thua lỗ: Nhiều 'sếp lớn' đã bị điều chuyển, buộc thôi việc (11/05/2018)

>   Grab thừa nhận chất lượng tài xế giảm sau mua Uber (10/05/2018)

>   VKS: Ông Đinh La Thăng không có tình tiết giảm nhẹ mới (10/05/2018)

>   Xuất khẩu mặt hàng dệt và may mặc tăng 15,7% trong 4 tháng đầu năm (10/05/2018)

>   Kiến nghị rà soát gỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp (10/05/2018)

>   Vì sao đầu tư hạ tầng hàng không “nở rộ”? (10/05/2018)

>   Ông Hồ Công Kỳ có vai trò gì trong vụ ông Đinh La Thăng? (09/05/2018)

>   Phiên tòa ông Đinh La Thăng nghỉ sớm chờ triệu tập 'người quan trọng' (09/05/2018)

>   Bị cáo Phùng Đình Thực xin miễn tội để hoàn thành công trình khoa học (09/05/2018)

>   Cháy lớn KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh (09/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật