Vì sao đầu tư hạ tầng hàng không “nở rộ”?
Hoạt động đầu tư vào hạ tầng hàng không với sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân đang “nở rộ”.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có ít nhất 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai. Một là, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Hai là, Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Ba là, Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh;Bốn là, Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết; Năm là, Nhà để xe, Ga quốc nội, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tham vọng của “ông lớn”
Cách đây không lâu, đầu tháng 4/2018, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã đề xuất đầu tư hạ tầng một số cảng hàng không. Một trong số đó phải kể đến đề xuất được tham gia thực hiện Dự án xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh và Nhà ga hành khách quốc tế T2, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Cụ thể, IPP đề xuất xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh thứ hai tại Phú Quốc có chiều dài 3.000 m, rộng 45 m, có thể đón được máy bay thế hệ mới như Boeing787, Airbus 350, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh mới - yếu tố then chốt giúp nâng công suất Sân bay Phú Quốc lên 25 triệu hành khách/năm, IPP muốn UBND tỉnh Kiên Giang tham gia góp một phần. IPP và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ góp số vốn còn lại (tỷ lệ góp vốn do Bộ Giao thông - Vận tải ấn định).
Ngoài công trình đường cất hạ cánh số 2, IPP còn muốn cùng ACV xây dựng Nhà ga hành khách T2 có công suất 10 triệu lượt hành khách/năm, chi phí đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà đầu tư này cũng tiếp tục xin cùng ACV đầu tư nhà ga hành khách mới công suất 8 triệu lượt hành khách năm tại Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên). IPP sẵn sàng nhường ACV vị trí người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc tại doanh nghiệp dự án.
Bên cạnh nhà đầu tư IPP này phải kể đến đề xuất xin đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Binh của Tập đoàn FLC theo hình thức PPP.
Tập đoàn FLC đề xuất đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới, Quảng Bình.
|
Theo đó, trong đề xuất gửi tới Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Bình vào thời điểm đầu tháng 4/2018, Tập đoàn FLC muốn đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế hiện đại. Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng cam kết kéo khách du lịch đến địa phương này bằng những đường bay kết nối các điểm du lịch trong và ngoài nước.
Chia sẻ một trong những nguyên nhân đầu tư vào cảng này, đại diện FLC cho biết, với vị trí chuyến lược tại phía Bắc Miền Trung, Cảng hàng không Đồng Hới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Quảng Bình tham gia kết nối các di sản thế giới ở miền Trung. Ngoài ra, cảng này cũng được coi là một trong những điểm trung chuyển thuận tiện cho nhiều trục bay khắp cả nước và quốc tế tới Việt Nam.
Thời điểm thuận lợi
Một trong nguyên nhân lý giải hoạt động đầu tư “nở rộ” của nhà đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông trong thời gian gần được chỉ ra đó chính là sức hấp dẫn từ lợi nhuận mà ngành này mang lại. Cụ thể phải kể đến kết quả kinh doanh tích cực của ACV hay Công ty cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT).
Ngoài ra, cũng phải kể đến khung pháp lý của Bộ GTVT đã “thông thoáng” hơn khi Bộ này tuyên bố đã cắt bỏ 58/78 điều kiện kinh doanh.
Đặc biệt nữa, phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030. Các chuyên gia cho rằng đây chính là những điều kiện thuận lợi để các cơ hội gọi vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không được rõ nét trong thời gian gần đây.
Như vậy, môi trường đầu tư thông thoáng, hoạt động sinh lời và định hướng chính sách đủ rộng để các nhà đầu tư tư nhân “giang rộng” hoạt động đầu tư.
Ngọc Hà
DĐDN
|