Cần có kế hoạch rõ ràng phát triển giao thông đô thị
Các chuyên gia Thụy Điển lưu ý Việt Nam cần có tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng và nghiên cứu các trường hợp thành công từ các nước đi đầu trong lĩnh vực giao thông đô thị.
Thông tin này được đưa ra tại thảo luận bàn tròn "Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả: Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Thụy Điển tại các nước đang phát triển" do Đại sứ quán Thụy Điển và Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 7-5.
Chuyên gia trao đổi thông tin tại hội thảo
|
Theo thông tin được đưa ra tại cuộc thảo luận, giống như nhiều nước châu Á, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Dẫn thông tin từ Bộ Xây dựng, ông Brian Hull, Tổng Giám đốc Công ty ABB Việt Nam, cho biết tỉ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã tăng từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên 37,5% với 813 khu đô thị trong năm 2017. Các khu đô thị đang chiếm 70% tổng GDP ở Việt Nam, góp phần lớn vào sản xuất công nghiệp, tỉ trọng xuất nhập khẩu và tiến bộ khoa học công nghệ cũng như phát triển xã hội trong nước.
Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa của Việt Nam tạo ra nhiều khó khăn và thách thức, như tốc độ phát triển đô thị vượt quá khả năng của chính quyền địa phương về đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về dịch vụ, hạn chế về nguồn vốn và thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội…
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội ngày càng khó kiểm soát. Ảnh: Zing
|
Theo thống kê, tính đến năm 2017, khoảng 40% trong tổng số 90 triệu người dân Việt Nam sống ở các đô thị. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 50% đến năm 2025. Với định hướng hướng tới đô thị hoá bền vững của Chính phủ, giao thông công cộng đã trở thành nhân tố chính trong hành trình phát triển đô thị. Trong chiến lược phát triển giao thông công cộng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu biến giao thông công cộng thành lựa chọn ưu tiên bên cạnh kiểm soát tăng trưởng xe cá nhân và nâng cao chất lượng giao thông đô thị. Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt được 20% số xe buýt và taxi sử dụng LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), CNG (khí nén thiên nhiên, là nhiên liệu thay thế) hoặc năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam cần có tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng và nghiên cứu các trường hợp thành công từ các nước đi đầu trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại thảo luận, Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg cho biết thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển đang tăng trưởng đều đặn, nhưng vẫn còn tiềm năng để phát triển hơn nữa. "Khi mức độ đô thị hóa ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, các thành phố ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ trong lĩnh vực vận tải. Sự sáng tạo và kinh nghiệm chuyên môn của Thụy Điển có thể mang lại giá trị lớn giúp Việt Nam tìm kiếm các giải pháp bền vững"- ông Högberg nói.
Nhiều giải pháp được đưa ra ứng dụng công nghệ 4.0 là trung tâm cơ sở hạ tầng quan trọng của những thành phố thông minh với các biện pháp: giảm phát thải thông qua cơ sở hạ tầng giao thông bằng điện hiệu quả và sạch đẹp; quản lý hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà; giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch trong mạng lưới cung cấp nước; và cung cấp nền tảng thông tin không dây đảm bảo an ninh...
D.Ngọc
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|