Làm sao tăng tính hiệu quả của các dự án đầu tư ra nước ngoài?
Vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong mấy năm gần đây ngày một gia tăng song việc kiểm soát dòng tiền thu về, đảm bảo hiệu quả của dự án là bài toán không hề đơn giản.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam có 34 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn gần 129 triệu USD.
Tài chính ngân hàng dẫn đầu
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 153,6 triệu USD.
Cũng trong 4 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư.
Đứng ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp sau là bán buôn bán lẻ và các lĩnh vực khác.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 80,12 triệu USD, chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba với tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài lần lượt là 25,9 triệu USD và 19,9 triệu USD.
Làm sao để tăng hiệu quả?
Vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt trong mấy năm gần đây ngày một gia tăng. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiệu quả thu được từ dòng vốn này rất khó khăn và danh sách các dự án thua lỗ, nguy cơ mất vốn đang ngày một dài thêm.
TKV đầu tư ra nước ngoài thua lỗ hàng trăm tỷ đồng
|
Trong một báo cáo mới đây về việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cho hay đã có hơn 7 tỷ USD, được rót vào khoảng 110 dự án, chủ yếu trong các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, viễn thông, trồng cây cao su.
Dẫn đầu về vốn đăng ký đầu tư ra ngoài biên giới là Tập đoàn dầu khí VN (PVN) với tỷ trọng 53%. Cụ thể, công ty mẹ lẫn các công ty con thuộc PVN đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,68 tỉ USD. Đứng thứ hai trong danh sách này là Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) với 2,13 tỉ USD vốn đăng ký.
Tiếp đó là Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) với 1,412 tỉ USD. Ngoài ra, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (TKV) cũng được biết đến là ông lớn có nhiều dự án khai mỏ ở ngoài nước.
Điều đáng nói, theo báo cáo của Chính phủ còn hơn 5,5 tỉ USD trong số hơn 7 tỉ USD vốn thực hiện đầu tư ra nước ngoài chưa được thu hồi. Số liệu đến 31/12/2016 cho thấy, có đến 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu - lợi nhuận.
Số dự án lỗ lũy kế tính đến hết năm 2016 chiếm 29%, còn riêng năm 2016 có 25,5% dự án báo lỗ. Cũng tính riêng trong năm 2016, lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam là 145 triệu USD, tức chỉ bằng 2% tổng số tiền đã đầu tư ra ngoài nước.
Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại như tranh chấp đất đai, bị rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đó là chưa kể các rủi ro về thị trường như giá đầu ra giảm mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh chính phủ, dẫn tới việc phải dừng dự án.
Tiêu biểu nhất là thương vụ đầu tư ra nước ngoài của các “ông lớn” nhà nước không thể không kể đến dự án khai thác dầu tại Venezuela của PVN. Dự án này chính thức ra mắt giữa năm 2010, song đến tháng tháng 4/2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này để "cứu" khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD, cho dù chưa thu được giọt dầu nào.
Một đơn vị khác có nhiều dự án ở nước ngoài thua lỗ, mất vốn là Tập đoàn TKV. Cuối năm 2017, Thanh tra Chính phủ khi kết thúc thanh tra tập đoàn và nhiều công ty con (thời kỳ thanh tra từ 2010 - 6.2015) đã chỉ ra hàng loạt thương vụ đầu tư ra nước ngoài mất vốn, thua lỗ. Đó là khoản 111 tỉ đồng đầu tư vào Công ty liên doanh khai khoáng Stung Treng ở Campuchia nguy cơ mất toàn bộ vốn.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam mở cửa đón luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì Việt Nam cũng phải mở cửa cho việc đầu tư ra nước ngoài đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc như hiện nay. Đây là xu hướng tất yếu và phù hợp với quốc tế, doanh nghiệp có quyền xây dựng những kế hoạch mang tính toàn cầu, phù hợp với mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với dòng vốn đầu tư ra nước ngoài bởi bên cạnh những nguồn vốn đầu tư hiệu qua thì cũng không tránh được những khoản đầu tư sai luật, hoặc lợi dụng để chuyển tiền bất hợp pháp.
Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài để ngăn chặn những hoạt động bất hợp pháp, trong đó không trừ ngoại lệ trường hợp chuyển “tiền bẩn” ra nước ngoài để tẩy rửa.
Theo PGS.TSTrần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để có nhiều doanh nghiệp Việt kiếm được tiền ở nước ngoài, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ. Những chính sách này có thể học hỏi từ các nước, như Hàn Quốc đã có lúc cam kết sẽ thưởng cho doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều và các doanh nghiệp của họ đã hưởng ứng bằng cách hướng mạnh ra thị trường nước ngoài.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng các doanh nghiệp vẫn cần chủ động đi trước, chính sách có thể theo sau. “Doanh nghiệp cần đi đầu để góp phần hình thành thực tiễn, giúp những người làm chính sách hình dung, cảm nhận được hướng đi đúng thì họ sẽ cho ra đời những chính sách thiết thực hơn”, ông nói.
Tiến Minh
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|