Thứ Bảy, 12/05/2018 10:05

TP.HCM thu phí đậu ôtô 20.000 - 30.000đ/giờ

Từ ngày 1-6, TP.HCM sẽ thu phí đậu ôtô lũy tiến theo giờ tại 35 tuyến đường. Mức thu 20.000-30.000 đồng/xe cho giờ đầu tiên. Với những xe đậu tới 5 giờ, mức phí có thể lên tới 170.000 đồng/xe.

Bãi giữ xe ôtô có thu phí với giá 5.000 đồng/chiếc trên đường Lê Lai - công viên 23-9 (Q.1). Từ ngày 1-6, giá giữ ôtô ở TP.HCM sẽ tính theo giờ - Ảnh: TỰ TRUNG

Hiện nay, dọc nhiều đường trung tâm TP.HCM như đường Lê Duẩn, Lê Lai, Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1), Trần Cao Vân (Q.3)... ôtô đậu tràn lan trên đường.

Thậm chí, xe đậu luôn ở những đường có bảng cấm đậu xe. Các đường Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế (Q.1)... chỉ cho ôtô đỗ theo ngày chẵn, ngày lẻ nhưng hầu như lúc nào cũng có hai hàng xe đậu, xe cộ đi lại rất khó khăn. Mức phí bình quân là 5.000 đồng/chiếc.

Tình hình cũng tương tự ở các đường Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Anh, Lý Tự Trọng, Trần Cao Vân, Trương Định...

Tăng phí: người ủng hộ, kẻ kêu trời

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều tài xế ủng hộ thu phí dừng, đậu xe trên đường nhưng cũng có người chưa đồng tình.

Một số chủ xe, tài xế ôtô phản đối vì cho rằng mức phí quá cao. Anh Phan Văn Bảo - một tài xế Grab car - nói: "Để có được một ôtô, người dân đã phải đóng nhiều loại thuế, phí, giờ tăng phí đậu xe nữa có thêm gánh nặng hay không?

Mức phí tăng cao như vậy thì khi xảy ra tình trạng hư hỏng, mất cắp lúc đậu xe ai là người bồi thường? Đối với những tài xế chạy dịch vụ cũng nên có chính sách thu phí khác mới hợp lý".

Tuy nhiên phần lớn đồng ý việc tăng phí. Anh Nguyễn Văn Tú - một chủ ôtô - nói: "Hiện nay, do thiếu chỗ đậu xe, người dân buộc phải đậu xe tràn ra đường rất bất tiện. Tôi thường xuyên bị xử phạt vì dừng, đậu xe không đúng nơi quy định.

Nhiều trường hợp cứ phải chạy xe lòng vòng vì không tìm được chỗ đậu xe. Tăng phí đậu xe thì lắp thêm camera giám sát khu vực đậu xe nhằm hỗ trợ việc truy tìm kẻ gian lấy cắp gương, gạt nước mưa, phá hoại... sẽ phù hợp hơn" - anh Tú nói.

Chị Trần Thị An - chủ một xe ôtô ở Q.1 - cho rằng TP.HCM phải tăng phí đậu xe để xử lý dứt điểm việc lấn chiếm lòng lề đường, lòng hẻm để buôn bán, đậu xe. Việc tăng phí phải đi đôi với cải thiện dịch vụ.

Theo chị, chỉ có như vậy TP.HCM mới hạn chế được lượng ôtô đi vào khu vực trung tâm. Mức phí cao, chủ ôtô sẽ cân nhắc chỉ đi vào trung tâm khi thật sự cần thiết. Điều này góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, kẹt xe phổ biến ở TP.HCM.

Đồ họa: TẤN ĐẠT
Bãi đậu xe có thu phí trên đường Lê Lai, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại sao tăng?

Theo Sở GTVT TP.HCM, mức phí đậu ôtô dưới lòng đường sẽ tăng cao hơn 20-25% mức giá giữ xe của các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng ở TP.HCM (và gần bằng giá ở Hà Nội, Đà Nẵng).

Giải thích về việc tăng mức phí đậu xe như vậy, ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT - cho biết hiện nay mức phí đậu xe tại các đường ở TP.HCM chỉ 5.000 đồng/lượt là khá thấp.

Do đó việc tăng mức thu phí đậu ôtô sẽ góp phần tăng cường quản lý sử dụng công năng vỉa hè, lòng đường hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông.

Đồng thời, hạn chế người dân sử dụng ôtô cá nhân đi lại, góp phần giảm bớt nạn ùn tắc và kẹt xe. Các dự án đầu tư bãi đậu xe (ngầm, nổi) theo hình thức xã hội hóa cũng có điều kiện phát triển hơn.

Ông Lâm cũng cho biết thêm việc thu phí đậu xe có ứng dụng công nghệ thông minh và TP.HCM giao quyền thu hộ phí cho các nhà mạng.

Sở GTVT phối hợp các cơ quan khác tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ.

Số phí thu nộp ngân sách được xác định trên nguyên tắc tổng số thu sau khi trừ chi phí các bộ phận có liên quan (các chi phí cho nhà mạng, chi phí cho đơn vị cung cấp phần mềm và chi phí tiến hành thu của các quận). Phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước.

Mới đây, tại ngày làm việc thứ hai (kỳ họp bất thường) HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã nhất trí thông qua nghị quyết về tăng mức thu phí đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè.

Nói thêm về việc thu phí đậu xe, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: TP.HCM không khuyến khích đậu xe ở lòng đường, hè đường nhưng tình hình thực tế là người dân có nhu cầu.

Do đó, TP.HCM tăng phí để quản lý tốt hơn. Việc triển khai đề án tăng mức phí đậu ôtô dưới lòng đường sẽ được đấu thầu công khai để chọn công nghệ tốt nhất, minh bạch nhất.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Thu phí xe vào trung tâm TP.HCM có khả thi?

Mới đây, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong đã đề xuất UBND TP.HCM và Sở GTVT về dự án thu phí ôtô đi vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông, thúc đẩy người dân sử dụng xe công cộng.

Dự án đề xuất thời gian thu phí từ 6h đến 19h mỗi ngày. Mức thu phí 40.000 đồng đối với ôtô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi (có đăng ký tại TP.HCM) và 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt, kể cả xe công.

Không thu phí với chiều xe ra từ trung tâm. Tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỉ đồng theo hình thức PPP (hợp tác công tư), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong 15 năm, dự kiến bắt đầu thu vào năm 2019. Các xe không nộp phí sẽ bị xử phạt.

Sở GTVT đề nghị đơn vị đề xuất dự án cần phân tích kỹ về cơ sở pháp lý, thẩm quyền, đối tượng thu và phân tích cụ thể để tránh hiểu rằng việc thu phí sẽ tạo nên "phí chồng phí" để TP.HCM sớm quyết định có áp dụng theo phương thức này không và áp dụng như thế nào...

Hà Nội: cao nhất 60.000đ/2 giờ

Từ ngày 1-1-2018, TP Hà Nội áp dụng bảng giá dịch vụ giữ xe đạp, xe máy, ôtô mới.

Giá giữ ôtô dưới 9 chỗ tại 12 phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm là 60.000 đồng/lượt 2 giờ (trước đây là 30.000 đồng/lượt 2 giờ).

Một số tuyến phố còn lại thuộc quận Hoàn Kiếm và các quận trong Vành đai 1, trên Vành đai 1 là 25.000 đồng/lượt; tại các phố thuộc các quận trong và trên Vành đai 2 là 20.000 đồng/lượt; tại các quận trong và trên Vành đai 3, đường, phố ngoài Vành đai 2 thuộc quận Long Biên là 15.000 đồng/lượt...

Đối với điểm trông giữ xe tự động ứng dụng công nghệ thông minh, giá ôtô đến 9 chỗ và xe tải dưới 2 tấn giờ thứ nhất, thứ hai là 25.000 đồng/lượt; giờ thứ ba, thứ tư là 35.000 đồng/lượt; từ giờ thứ năm là 45.000 đồng/lượt; giá trông giữ qua đêm là 150.000 đồng/đêm. Giá áp dụng cho ôtô trên 9 chỗ và xe tải trên 2 tấn cao hơn 5.000-10.000 đồng/lượt.

Tại các khu vực trung tâm, mức giá trông giữ ôtô cũng tăng cao lên 4-5 triệu đồng/tháng.

LÂM HOÀI

Đà Nẵng: thu phí ở 2 đường trung tâm

Nhân viên đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu (Đà Nẵng) hướng dẫn tài xế sử dụng ứng dụng đậu xe qua di động - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Từ tháng 3-2018, hai đường trung tâm ở Đà Nẵng là Bạch Đằng và Trần Phú được thí điểm triển khai mô hình trả phí đỗ xe qua điện thoại trên nền ứng dụng Smart Parking.

Mức thu áp dụng cho 14 khu đậu cho ôtô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn là 15.000 đồng/lượt; ôtô 16-30 chỗ, xe tải 2,5-3,5 tấn là 20.000 đồng/lượt; ôtô trên 30 chỗ, xe tải trên 3,5 tấn là 30.000 đồng/lượt.

Mức phí này áp dụng cho 2 giờ đầu tiên và tăng dần theo từng giờ trong thời gian thu phí từ 6h đến 22h.

Ông Huỳnh Văn Rân, đội trưởng đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu, cho biết trung bình mỗi ngày đội thu được 2 triệu đồng qua ứng dụng, trong đó 80% từ việc phát hành thẻ cào.

TRƯỜNG TRUNG

THU DUNG - NGỌC ẨN

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Phó Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước rà soát lại vụ Sabeco và Habeco nộp bổ sung thuế (10/05/2018)

>   Cơ quan thuế được quyền khởi tố, điều tra? (10/05/2018)

>   Thuế phí Việt Nam chiếm tới 32%/GDP (10/05/2018)

>   Bộ Tài chính vẫn “vô địch” về biên chế (08/05/2018)

>   Kiểm toán Nhà nước đề nghị Habeco tăng nộp ngân sách 1.847 tỷ (05/05/2018)

>   Những điểm mới trong đề án cải cách chính sách tiền lương (03/05/2018)

>   Nhìn lại các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính gần một năm qua (03/05/2018)

>   Ngân sách thặng dư hơn 11 nghìn tỷ đồng 4 tháng đầu năm (02/05/2018)

>   Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 15 – 17% (28/04/2018)

>   Hoa hậu doanh nhân - nghi phạm cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn hàng ngàn tỉ (27/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật