Qatar cấm bán sản phẩm của Ả Rập Xê Út
Qatar mới đây ra lệnh cho các nhà bán lẻ trong nước ngừng bán sản phẩm từ Ả Rập Xê Út và các quốc gia đã cắt đứt quan hệ với họ gần một năm trước.
Một cửa hàng thực phẩm ở Qatar. Ảnh: CNN
|
Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Bahrain đã phát động một cuộc tẩy chay chính trị và thương mại đối với Qatar hồi tháng 6.2017, cáo buộc quốc gia vùng Vịnh hỗ trợ khủng bố.
Qatar sau đó nhanh chóng quay sang các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm thay thế và những mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác đột nhiên bị cắt đứt. Tuy nhiên, các bên thứ ba vẫn đang gửi một số sản phẩm từ các nước Ả Rập nêu trên đến Qatar “thông qua những kênh bất hợp pháp”, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề nói với CNN hôm 27.5.
Chính phủ Qatar trong một tuyên bố cuối tuần qua đã chỉ thị cho các nhà bán lẻ trong nước ngừng bán sản phẩm vốn được chỉ định để bảo vệ người tiêu dùng và chống buôn lậu, bao gồm thực phẩm, sữa và thịt. Thực tế, lệnh cấm bán hàng hóa từ các nước tẩy chay Qatar đã được thực thi từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, nhưng tình trạng buôn lậu vẫn gia tăng.
Cho đến nay, dù đã gần một năm nhưng mâu thuẫn giữa Qatar với các nước láng giềng Ả Rập vẫn không có dấu hiệu kết thúc. Qatar kiên quyết bác bỏ cáo buộc hỗ trợ khủng bố. Sau khi vượt qua cú sốc ban đầu, chính phủ Doha cho biết họ đã thích nghi với hoàn cảnh mới.
Trước đây Qatar tập trung vào hội nhập kinh tế trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), một khối thương mại gồm sáu thành viên với một thị trường chung. Tuy nhiên, kể từ khi bị khối này cô lập, Qatar đã nhanh chóng đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại. Nguồn cung năng lượng dồi dào của Qatar cũng đã giúp nước này vượt qua sự gián đoạn kinh tế. Qatar là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% nhu cầu toàn cầu. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn nhất của Qatar.
Phương Anh
Thanh niên
|