Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ khủng hoảng kinh tế
Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng trong tuyệt vọng để ngăn đà lao dốc tỷ giá nội tệ, một tình trạng có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ngay vào thời điểm nước này chuẩn bị bầu cử.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. CNN
|
Theo CNN, lira, nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ, đã giảm khoảng 20% so với USD kể từ đầu năm nay, nguyên nhân phần lớn là do các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường mới nổi và chuyển vào Mỹ.
Đầu tháng này, cuộc khủng hoảng tiền tệ bắt đầu leo thang nhanh chóng sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông muốn kiểm soát việc thiết lập lãi suất.
Khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi đồng lira, tỷ giá nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ đã thấp đến mức kỷ lục, khoảng 20 cent đổi được 1 lira. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23.5 công bố tăng lãi suất khẩn cấp lên từ 13,5% lên 16,5%. Tuy nhiên, sau một đợt tăng khiêm tốn, giá trị lira lại giảm. Các chuyên gia cho biết sắp tới sẽ còn có nhiều tổn thương hơn.
“Chúng tôi nghĩ rằng tăng lãi suất khẩn cấp chỉ là biện pháp tối thiểu”, Oxford Economics nhận xét trong một lưu ý hôm 24.5. Hãng tư vấn kinh tế toàn cầu dự báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng lãi suất lên khoảng 19,5% vào đầu tháng tới.
Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức khoảng 11% nhưng sự sụt giảm giá trị tiền tệ đang đẩy giá hàng hóa cao hơn nữa. Người dân nước này nói với CNN rằng họ đã cảm nhận được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ và đang phải thắt chặt chi tiêu.
“Nói chung tôi có thể thấy giá đang tăng lên. Điều đó tác động tiêu cực đến chúng tôi”, Yasemen Atan, một sinh viên đại học, nói.
Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hàng trăm tỉ USD giá trị hàng hóa mỗi năm, bao gồm cả xe hơi, quần áo và tủ lạnh. Những mặt hàng này đang ngày càng đắt đỏ hơn. Sau khi tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn đạt được một “cải tiến đáng kể” về tình hình lạm phát. Ông Erdogan, người đang tìm kiếm cơ hội tái đắc cử vào ngày 24.6, dường như đang quay lưng lại với lời đe dọa can thiệp vào chính sách tiền tệ mà ông đã tuyên bố trước đó.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia tuân thủ tất cả các quy tắc và định chế thị trường tự do”, ông Erdogan nói hôm 23.5.
Theo các chuyên giá, chính quyền ông Erdogan đã hành động quá ít và quá muộn. Thiệt hại đã được nhìn thấy.
“Những nhận định trước đây của ông Erdogan vẫn còn mới mẻ trong tâm trí các nhà đầu tư, và các nhà lãnh đạo chính trị sẽ cần phải giảm bớt lo ngại về việc chính sách tiền tệ sẽ được kiểm soát bởi các chính trị gia”, Per Hammarlund, giám đốc chiến lược thị trường mới nổi tại ngân hàng SEB của Thụy Điển, nói.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn hơn?
Các chuyên gia lo ngại rằng lạm phát tăng cao có thể khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại. Họ cũng quan ngại rằng tiền và đầu tư sẽ nhanh chóng chảy ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này có thâm hụt tài khoản vãng lai cao, trên 5% GDP. Điều đó có nghĩa là quốc gia Âu - Á nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và cần tài chính nước ngoài để bù đắp cho những thiếu hụt. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên nợ ngắn hạn để giữ cho nền kinh tế hoạt động, nhưng điều này đi kèm với nguy cơ nguồn cung tiền có thể cạn nhanh chóng nếu các nhà đầu tư muốn thoát ra.
“Thổ Nhĩ Kỳ trở nên rất dễ bị tổn thương vì phần lớn kinh phí được thực hiện trên nền tảng dưới một năm. Các nhà đầu tư mong đợi sẽ có các biện pháp bổ sung được thực hiện để giảm bớt các lỗ hổng trong nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Hammarlund cho hay.
Ông Erdogan hôm 23.5 nói rằng nếu tái đắc cử, chính phủ của ông sẽ “thực hiện các bước cần thiết để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và giảm lạm phát”, đồng thời cam kết việc ổn định tài chính sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu.
Rắc rối cho ông Erdogan?
Ông Erdogan tháng trước thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào tháng 6.2018, sớm hơn một năm so với dự kiến. Quyết định này được đưa ra sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái quyết định tổng thống mới sẽ có quyền lực rất lớn, trong khi đó quyền hạn của quốc hội giảm xuống.
Ông Erdogan hiện là ứng viên được yêu thích nhất. Nhưng một số nhà phân tích bắt đầu nghĩ rằng việc tái tranh cử của ông không được đảm bảo.
“Điều này có thể làm tổn thương ông Erdogan trong các cuộc thăm dò. Người Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan tâm đến tỷ giá hối đoái. Đồng lira mất giá có thể khiến cử tri nghi ngờ về khả năng điều hành kinh tế của ông”, Timothy Ash, chiến lược gia cao cấp tại BlueBay Asset Management, nói.
Ông Erdogan từng là thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 cho đến khi ông được bầu làm tổng thống vào năm 2014. Ông luôn tự hào về những thành tựu kinh tế của mình. Hôm 23.5 ông Erdogan đã cố gắng đổ lỗi cho các yếu tố toàn cầu là nguyên nhân khiến đồng lira mất giá, theo hãng tin nhà nước Anadolu.
Phương Anh
thanh niên
|