Ngân hàng phải đền tiền nếu để lộ thông tin thẻ ATM?
Hội Thẻ ngân hàng VN (VBCA) vừa đề xuất có chính sách buộc các nhà băng chậm chuyển đổi thẻ chip phải chịu toàn bộ rủi ro nếu để khách mất tiền vì lộ thông tin thẻ ATM.
Dùng công nghệ cũ có thể khiến thẻ ATM dễ bị mất thông tin
Ảnh: Ngọc Dương
|
Vùng trũng tội phạm thẻ
Số lượng và tần suất tội phạm sử dụng thiết bị cài đặt trên các máy ATM lấy cắp dữ liệu khách hàng nhằm ăn cắp tiền trên tài khoản (skimming), theo Hội Thẻ ngân hàng VN (VBCA) trong năm 2017 là 75 vụ, tăng 25% so với năm 2016. Phạm vi hoạt động của tội phạm cũng mở rộng thêm ở các địa bàn ngoài Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang… như Bến Tre, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đắk Lắk…
Thủ đoạn thì ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng theo dõi thời gian tiếp quỹ của Ngân hàng (NH) để thực hiện tháo thiết bị cài đặt trên bàn phím, lắp thiết bị đánh cắp dữ liệu và lắp lại thiết bị bảo vệ bàn phím trước lần tiếp quỹ tiếp theo; cũng như chia theo từng nhóm lắp đặt thiết bị, đi rút tiền…
Liên tục từ đầu năm đến nay, các vụ skimming ngày càng gia tăng. Vào đầu tháng 5, Công an Quảng Ninh phát hiện một người nước ngoài rút tiền bằng thẻ giả. Sau khi bắt giữ, cơ quan chức năng thu được 44 thẻ ATM giả, 700.000 đồng và các thiết bị dùng để sao chép thông tin… Trước đó vào tháng 3, Công an Quảng Ninh cũng đã phát hiện 4 người nước ngoài sử dụng thiết bị sao chép dữ liệu làm thẻ giả để rút tiền. Tại hiện trường, cơ quan công an đã thu 29 thẻ ATM giả, 1 điện thoại, hơn 57 triệu đồng… Cũng trong tháng 3, Công an Cần Thơ bắt 1 nhóm tội phạm lắp đặt và trộm thông tin thẻ ở ATM chiếm đoạt 1,5 tỉ đồng của 76 người qua hình thức thẻ giả.
Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) cũng thừa nhận: “VN trở thành vùng trũng của tội phạm thẻ với các vụ giả mạo thẻ skimming đang ngày càng gia tăng”. Điểm “hút” tội phạm trong lĩnh vực thẻ giả là toàn bộ thẻ nội địa VN theo công nghệ từ, loại thẻ mà các thông tin của thẻ và chủ thẻ được mã hóa và lưu trữ trong dải băng từ ở mặt sau của thẻ.
Chậm chuyển đổi, ngân hàng phải bồi thường
Malaysia trước đây được xem là “thủ phủ của tội phạm thẻ”, thì đầu năm 2018 đã hoàn thành chuyển đổi thẻ chip toàn bộ thị trường. Với 1,2 tỉ người sử dụng thẻ chip, Trung Quốc gần như đã “chip hóa” thẻ từ. Thái Lan chuyển đổi thẻ chip vào năm 2016 và dự kiến “chip hóa” toàn bộ thị trường vào tháng 1.2019.
Từ đầu năm 2016, NH Nhà nước đã yêu cầu chậm nhất đến ngày 31.12.2020, toàn bộ thẻ tại VN phải chuyển đổi xong sang thẻ chip (thẻ gắn vi mạch điện tử). Nhưng đến thời điểm này sau gần 3 năm thực hiện, 90% trong số tổng số gần 80 loại thẻ ở VN vẫn là thẻ từ. Đi chậm hơn, VN trở thành vùng trũng cho tội phạm thẻ là điều dễ hiểu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật Basico, cho rằng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip được đưa ra từ nhiều năm, nhưng lộ trình đến 2020 mới hoàn tất là quá chậm, trong khi tội phạm lĩnh vực này ngày càng gia tăng. Việc khách hàng mất tiền trong tài khoản tùy theo từng trường hợp mà NH trả tiền hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp các NH cứ dùng thẻ công nghệ từ khiến tội phạm xâm nhập vào hệ thống, bẻ khóa để lấy cắp dữ liệu của khách hàng và thực hiện rút tiền trên tài khoản thì NH phải chịu trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng.
VBCA kiến nghị NH Nhà nước sớm ban hành bộ tiêu chuẩn VCCS và chỉ đạo kế hoạch chuyển đổi chi tiết theo lộ trình phù hợp; chính sách về chuyển đổi trách nhiệm giữa các NH - tương tự như chính sách của các tổ chức thẻ quốc tế. Chính sách này quy định tại mốc thời gian áp dụng, nếu NH phát hành hoặc NH thanh toán chưa thực hiện được việc phát hành hoặc chấp nhận thanh toán thẻ chip thì NH đó sẽ chịu toàn bộ rủi ro xảy ra do thẻ giả mạo.
NAPAS đang thực hiện thí điểm bộ tiêu chuẩn VCCS với 6 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, ABBank, BIDV và TPBank, 3 đơn vị cung cấp thẻ chip và 6 đơn vị cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Bên cạnh đó, NAPAS cũng đang xúc tiến việc hợp tác với các tổ chức trong mạng Thanh toán Châu Á - APN và các tổ chức thẻ quốc tế để triển khai thẻ đồng thương hiệu (Co-badged card), cho phép thẻ chip nội địa của VN ngoài việc sử dụng trong nước còn được chấp nhận rộng rãi tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
|
Thanh Xuân
THANH NIÊN
|