Goldman Sachs: Triển vọng tài chính của Mỹ không hề khả quan
Theo quan điểm của Goldman Sachs, triển vọng tài chính của Mỹ đang không tốt và có thể tạo ra mối đe dọa tới tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong đợt suy thoái kế tiếp.
Theo dự báo của Chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, thâm hụt liên bảng sẽ tăng từ 825 tỷ USD (tương ứng 4.15% GDP Mỹ) lên 1.25 ngàn tỷ USD (tương ứng 5.5% GDP) vào năm 2021. Và vào năm 2028, Goldman Sachs dự báo con số này có thể vọt lên 2.05 ngàn tỷ USD (tương ứng 7% GDP Mỹ).
“Sự gia tăng của khoản thâm hụt ngân sách và mức nợ có khả năng gây áp lực lên lãi suất, qua đó làm thâm hụt ngày càng nghiêm trọng hơn”, Jan Hatzius, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, cho biết trong ngày Chủ nhật (20/05)/ “Mặc dù chúng tôi không cho rằng Mỹ đang đối mặt với rủi ro về khả năng vay hoặc trả nợ, nhưng mức nợ ngày càng tăng hiện nay có thể gây ra 3 hậu quả trước khi tính bền vững của nợ trở thành một trở ngại lớn”.
Các nhà lập pháp đã thông qua các đợt cắt giảm thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp trong tháng 12/2017, một kế hoạch ngân sách 2 năm và đợt chi tiêu mạnh trong tháng 3/2018. Những kế hoạch này có thể gia tăng chi tiêu của Chính phủ Mỹ.
Với việc chi tiêu mạnh tay và cắt giảm thuế, Văn phòng Ngân sách Quốc hội mỹ (CBO) đã dự báo trong tháng 4/2018 rằng mức nợ có thể bằng với GDP của Mỹ trong vòng 1 thập kỷ tới, nếu Quốc hội mở rộng các đợt cắt giảm thuế.
CBO cho hay tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể vượt ngưỡng 3% trong năm 2018 nhờ có các biện pháp kích thích, nhưng đà tăng có khả năng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và mức nợ công sẽ vọt lên 28.7 ngàn tỷ USD vào cuối năm tài khóa 2028.
Điều này sẽ tạo ra tình huống bấp bênh dành cho Quốc hội Mỹ nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái trong ngắn hạn, qua đó cản trở khả năng cung cấp thêm các biện pháp kích thích tài khóa của các nhà lập pháp, ông Hatzius cho hay.
“Các nhà làm luật có thể do dự khi thông qua các biện pháp kích thích trong đợt suy thoái kế tiếp vì thâm hụt ngân sách đã ở mức quá cao”, Chuyên gia kinh tế này nhận định. “Chúng ta sẽ kỳ vọng có sự nới lỏng về chính sách tài khóa trong suốt đợt suy thoái kế tiếp, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, nhiều khả năng, việc nới lỏng chính sách tài khóa sẽ không còn quyết liệt như những đợt suy thoái trước đó”.
Cuối cùng, vị Chuyên gia kinh tế này lý giải rằng cho dù quá trình tăng trưởng hiện tại kéo dài bao lâu đi chăng nữa, khoản thâm hụt ngày càng tăng và nợ thường gây áp lực lên lãi suất, qua đó càng làm thâm hụt trở nên trầm trọng hơn.
Theo các ước tính của Goldman Sachs, tăng một điểm phần trăm trong thâm hụt ngân sách sẽ làm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm 20 điểm có bản khi nền kinh tế ở mức toàn dụng nhân công hoặc vượt hơn như hiện nay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|