Hạ viện Nhật Bản thông qua TPP, ông Abe giương cao ngọn cờ thương mại tự do
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiến thêm một bước trong quy trình thông qua tại Quốc hội sau khi nhận được sự đồng tình từ phía Hạ viện Nhật Bản trong ngày thứ Sáu (18/05), một thông tin thúc đẩy chủ nghĩa đa phương như là một đối trọng trước chính sách bảo hộ ngày càng tăng từ phía Mỹ và Trung Quốc.
Hạ viện Nhật Bản đã chấp thuận thông qua TPP. Một khi quy trình thông qua hoàn tất, Nhật Bản sẽ là nước thứ 2 trong số 11 thành viên TPP thông qua thỏa thuận này, chỉ sau Mexico.
TPP - vôn đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tháng 1/2018 - sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được thông qua bởi ít nhất là 6 nước thành viên, qua đó bắt đầu cắt giảm hàng rào thuế quan và làm hài hòa quy định trong một khu vực chiếm tới 15% hoạt động thương mại toàn cầu. Việc Nhật Bản nhanh chóng thông qua TPP sẽ làm bừng lên triển vọng thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, việc thông qua các dự luật cần thiết khác cho TPP có thể khó khăn đối với Nhật Bản. Một cuộc bỏ phiếu Hạ Viện đã bị đẩy lùi sang tuần tới sau khi các nhà làm luật phe đối lập đã bỏ phiếu không tín nhiệm đối với Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa, Toshimitsu Motegi – Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe
|
Tokyo hy vọng việc đẩy nhanh quá trình thông qua TPP như là một bức tường phòng thủ trước xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng trên toàn cầu. “Chúng tôi sẽ cho thế giới thấy rằng chúng tôi đang giương cao ngọn cờ thương mại tự do”, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, nói với các nhà làm luật hôm thứ Năm (17/05).
Ngoài ra, TPP còn giúp Nhật Bản làm chệch hướng áp lực từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc theo đuổi một thỏa thuận song phương khi cả hai bên bắt đầu đàm phán hướng về thương mại tự do, công bằng và có qua có lại vào cuối tháng tới. Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, qua đó buộc các thành viên còn lại phải điều chỉnh khuôn khổ thỏa thuận để phù hợp với tình hình hiện nay.
Một khi Nhật Bản thông qua TPP, họ có thể sử dụng thỏa thuận này để từ chối các yêu cầu từ phía Mỹ như cắt giảm bớt thuế quan của các hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời từ chối vượt xa hơn những sự nhượng bộ đã đề ra trong thỏa thuận TPP.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất né tránh cuộc đàm phán thương mại song phương với Washington vì sợ rằng họ sẽ bị buộc tham gia vào một thỏa thuận bất lợi. Điều này đã thúc đẩy sự quan tâm đối với TPP như là một giải pháp thay thế để cung cấp thương mại tự do và các quy tắc minh bạch để kinh doanh.
Tháng này, ông Motegi đã viếng thăm Thái Lan để giải thích về tầm quan trọng của TPP, và Phó Thủ tướng Thái Lan – Somkid Jatusripitak – đã nói rằng họ muốn tham gia vào TPP “càng sớm càng tốt”. Hàn Quốc, Đài Loan, Comlombia và Anh cũng bày tỏ ước muốn tham gia vào TPP. Được biết, Anh đang cố gắng có được các thỏa thuận thương mại trước khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Thỏa thuận đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và EU dự kiến được ký kết sớm nhất vào tháng 7/2018 và có hiệu lực sớm nhất là vào đầu năm 2019, và thỏa thuận này sẽ tạo thêm đà để đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương. Thỏa thuận giữa Nhật Bản và EU được cho là sẽ giúp GDP của xứ sở hoa anh đào tăng thêm 5.2 ngàn tỷ Yên (tương đương 47 tỷ USD), gần như lấp đầy khoảng trống từ việc Mỹ rời khỏi TPP. Phiên bản hiện tại của TPP được dự báo thúc đẩy GDP của Nhật Bản tăng thêm 7.8 ngàn tỷ Yên. Nói cách khác, cả hai thỏa thuận sẽ góp phần gia tăng thêm 13 ngàn tỷ Yên, không quá xa so với mức ước tính 14 ngàn tỷ Yên với thỏa thuận TPP gốc.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn tăng cường nỗ lực về Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một khuôn khổ thương mại 16 thành viên, có bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và 10 thành viên thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tokyo sẽ tổ chức một cuộc họp cấp nội các vào tháng 7/2018, cuộc họp đầu tiên được tổ chức bên ngoài ASEAN.
Thu hút Mỹ trở lại TPP là ưu tiên chính sách thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Nếu Washington bị bỏ rơi và buộc phải cạnh tranh trong một sân chơi không công bằng ở nhiều thị trường, thì vì những lợi ích công nghiệp và nông nghiệp, Mỹ cần phải trở lại với thỏa thuận.
Cùng với ý nghĩa về địa chính trị, Nhật Bản cho rằng TPP sẽ tạo lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của các nước thành viên.
Hạ thấp hàng rào thuế quan được cho là sẽ thúc đẩy xuất khẩu xe hơi. Canada sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan 6.1% lên các phương tiện chở khách 4 năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực.
Các công ty nhập khẩu thức ăn sẽ hưởng lợi từ việc giảm thuế đánh lên nông sản, lâm sản, thủy sản, và hàng hóa đã qua chế biến.
Itochu nắm giữ 49.9% cổ phần tại công ty sản xuất thịt heo Canada, Hylife Group Holdings – thông qua công ty này, Itochu chuyển thịt tới Nhật Bản và các thị trường châu Á khác. Sự phổ biến của các sản phẩm thịt heo đã thúc đẩy Itochu gia tăng công suất, và việc cắt giảm hàng rào thuế quan của TPP cũng sẽ tạo ra cú huých đối với công ty này.
Ngoài ra, thông qua TPP cũng là thông tin tích cực đối với các nhà bán rượu vang, trong đó Australia là nhà cung cấp rượu vang không sủi bọt lớn thứ 5 tới Nhật Bản. Asahi Breweries – đơn vị trực thuộc Asahi Group Holdings – cho biết họ hoan nghênh việc hạ bớt thuế suất.
Tuy nhiên, tác động của TPP trở nên không mấy rõ ràng ở những lĩnh vực khác. Chuỗi siêu thị Yaoko cho biết vẫn không rõ là TPP sẽ giúp làm giảm giá của các hàng hóa nhập khẩu bao nhiêu, trong lúc chi phí vận chuyển ngày càng tăng. Công ty này dẫn ra xu hướng tiền tệ và giá nhiên liệu là các nhân tố buộc phải tính tới.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
|