Thứ Hai, 16/04/2018 14:47

Chủ tịch Quốc hội: Phải bàn để ra được luật đặc khu

"Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật"...

Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật cho ba đặc khu.

Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Được Quốc hội thảo luận từ kỳ họp cuối năm 2017 với khá nhiều vấn đề còn ngổn ngang, quá trình hoàn thiện dự thảo luật cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau từ tổ chức chính quyền địa phương đến cơ chế chính sách đặc biệt.

Bỏ phương thức kiểm soát quyền lực mới

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được tranh luận nhiều nhất trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật về đặc khu.

Tại dự thảo luật được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập.

Quy định này được giải thích là nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu.

Thiết chế này, tại dự thảo luật mới nhất đã được bỏ. Và thiết chế trưởng đặc khu, vốn được rất nhiều ý kiến ủng hộ cũng đã không còn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu đã được chỉnh lý bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của hội nghị Trung ương 11 và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có hội đồng nhân dân (không quá 15 người) và uỷ ban nhân dân (gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch) với  những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Mô hình này, theo Chủ tịch Quốc hội là rất gọn nhẹ. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh là dù tổ chức mô hình nào thì điều quan trọng nhất là thẩm quyền do luật định cho chính quyền địa phương ở đặc khu này như thế nào, mà tại dự thảo thì đã được phân cấp mạnh.

Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền mạnh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đơn cử đầu tư nhóm A theo quy định hiện nay là do Thủ tướng nhưng bây giờ giao cho hội đồng nhân dân đặc khu quyết định chủ trương. Quy định của dự thảo, theo Chủ tịch là đã phân định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực, kiểm soát quyền lực.

Uỷ  ban nhân dân đặc khu không tổ chức như cấp huyện mà chỉ có 7 cơ quan chuyên môn, số lượng rất ít, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói thêm.

"Phải trả lời câu hỏi của anh Hiển"

Mở đầu phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải trả lời câu hỏi ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, Nhà nước sẽ phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì?

Phát biểu về ngân sách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải "trả lời câu hỏi của anh Hiển". Chúng ta thành lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, cơ chế thông thoáng để tạo ra 3 vùng động lực, lôi kéo đầu tàu kinh tế của 3 khu vực này lên, chứ không phải đầu tư cái này nhà nước bỏ ra 1 triệu tỷ trong khi  5 năm kế hoạch đầu tư công chỉ có 2 triệu tỷ. Phải xác định rõ ngân sách là bao nhiêu để có tính khả thi, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Khẳng định tất nhiên Nhà nước vẫn phải bỏ tiền đầu tư, song Chủ tịch cũng nêu thực tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh) thì toàn bộ sân bay, nhà ga là do doanh nghiệp đầu tư chứ không phải nhà nước bỏ tiền, nên điều quan trọng là nhà nước phải tạo ra cơ chế.

"Tôi cho rằng vấn đề là thu hút đầu tư vào đây chứ không phải Nhà nước đổ tiền vào đây rồi miễn giảm thuế. Mục đích làm đặc khu là phải được cái gì đó, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng. chứ không phải để 10 - 20 năm tới đánh giá lại thì không được gì.

Vấn đề khác được Chủ tịch lưu ý là cần phải rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước để tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đầu tư.

Một số quy định khác, như quy định liên quan đến cơ quan tài chính, ngân hàng, theo Chủ tịch thì cũng cần phải rà soát, chỉnh lý lại để đảm khả thi.

Nêu rõ đây là luật khó, nhiều chính sách thử nghiệm, song Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự cần thiết ban hành luật và sẽ làm từng bước vững chắc.

Bàn đề ra được luật chứ không thể không ra luật, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Nguyễn Lê

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Không có DN giày Việt nào trong chuỗi Nike, Adidas… (16/04/2018)

>   Thị trường xúc xích: Tìm "ngách" để... "lách" (16/04/2018)

>   Nghịch lý cá tra tăng giá (16/04/2018)

>   Vì đâu M&A đang ngày càng "nở rộ" ở Việt Nam? (16/04/2018)

>   Tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam (15/04/2018)

>   Môi trường “vàng” cho tăng trưởng (15/04/2018)

>   Cửa hàng tiện lợi - Kẻ đóng người mở (15/04/2018)

>   Nền kinh tế không có gương mặt người (15/04/2018)

>   Người thu nhập thấp cũng phải đóng thuế tài sản?! (15/04/2018)

>   Ôtô con nhập châu Âu bắt đầu đổ vào Việt Nam (15/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật