Không có DN giày Việt nào trong chuỗi Nike, Adidas…
Việt Nam xuất khẩu giày dép đứng thứ 2 thế giới nhưng vẫn đứng ngoài chuỗi sản xuất của những doanh nghiệp hàng đầu như Nike, Adidas…
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 14,6 tỉ USD, đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, chỉ sau Trung Quốc. Hơn 80% trong số này thuộc về các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), nhìn nhận các DN trong ngành và nhà nước đều biết thực trạng này nhưng không dễ thay đổi.
- Phóng viên: Ông nhận xét thế nào về việc DN khối FDI chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu ngành da giày?
- Ông Diệp Thành Kiệt: DN FDI chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam là một thực tế: chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 90% kim ngạch xuất khẩu ngành điện thoại, điện tử. Với ngành dệt may, khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối FDI. Lĩnh vực dệt thì gần như DN FDI làm chủ hoàn toàn do vốn đầu tư lớn, DN Việt chủ yếu nắm khâu may ít vốn, công nghệ đơn giản. Ngành da giày cũng tương tự vậy. DN Việt ít vốn nên hoạt động trong các lĩnh vực gia công còn những lĩnh vực đầu tư dạng chuỗi tự sản xuất nguyên phụ liệu, có công nghệ phụ trợ… thuộc về những DN lớn hoặc FDI.
Thực trạng này không chỉ ở ngành mà Chính phủ cũng thấy nhưng không dễ xử lý. Bản thân DN cũng phải tự vươn lên vì trong hội nhập không thể có quá nhiều ưu đãi cho DN trong nước. Chưa kể một số DN trong nước vẫn còn tư tưởng "ăn xổi", chưa đầu tư mạnh cho hoạt động sản xuất…
- Hội nhập mang lại cho DN nhiều cơ hội hơn, nhất là cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn, ông nghĩ sao?
- Đúng là cơ hội nhiều hơn nhưng còn tùy thuộc vào chính sách của từng tập đoàn. Chẳng hạn, với hai thương hiệu giày nổi tiếng thế giới là Nike, Adidas, DN muốn vào chuỗi của họ phải có vốn đầu tư từ 30-50 triệu USD; khi có thay đổi trong chính sách đầu tư, các DN trong chuỗi cũng phải sẵn sàng dịch chuyển theo sự chỉ định của Nike, Adidas. Chẳng hạn, trước đây họ đầu tư vào Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng sau đó dịch chuyển nhà máy sang Thái Lan, Việt Nam, Indonesia… thì các công ty trong chuỗi cũng phải dịch chuyển theo. Tiếp đó, khi họ đóng cửa ở Indonesia, giảm bớt tại Thái Lan và tập trung sang Việt Nam thì các DN trong chuỗi cũng phải tiếp tục "đi" theo. DN Việt nếu làm cho Nike, Adidas cũng phải có cam kết tương tự.
Bên cạnh đó, muốn trở thành nhà cung ứng phụ trợ cho Nike, Adidas, các DN Việt phải có quá trình làm ăn với họ. Theo chủ trương của các thương hiệu lớn, hiện nay số lượng nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào, phụ trợ đang thu hẹp lại. Như với hãng Nike, trước đây có khoảng 1.500 nhà cung cấp dệt may, da giày trên khắp thế giới nhưng nay giảm xuống chỉ còn khoảng 600 DN nên khả năng kết nạp thêm DN mới, nhất là DN Việt vốn chưa có quá trình làm ăn với họ, lại càng khó.
Công nhân một công ty gia công giày ở quận Tân Bình - TP HCM. Ảnh: VĨNH TÙNG
|
- Vậy nghĩa là khó có cửa cho DN Việt gia nhập vào các chuỗi sản xuất toàn cầu?
- Khó nhưng không phải là quá khó. Vấn đề là khi vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi phải có sự kiên trì, chấp nhận rủi ro và cả vốn liếng đầu tư, nhất là có đội ngũ về quản lý, công nghệ, nhà máy sản xuất đủ lớn. Đã có nhiều công ty trong nước làm được, bằng cách đầu tư vốn và thuê quản lý nước ngoài. Theo tôi biết không chỉ ngành giày, một số ngành khác cũng đang cố gắng để vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Giày Thái Bình (TBS Group) đã vào được chuỗi của hãng túi xách Coach, giày Skechers… Riêng với 2 chuỗi lớn của Nike, Adidas thì đến giờ chỉ có DN may Việt Nam vào được, DN da giày thì chưa.
- Còn cơ hội gia tăng xuất khẩu thì sao, thưa ông?
- Cơ hội xuất khẩu thì rất nhiều. Chúng ta ở cạnh ông khổng lồ Trung Quốc về sản xuất và xuất khẩu giày dép với hơn 70% thị phần trên thế giới. Khi chi phí nhân công của Trung Quốc cao, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang các nước lân cận để tiết kiệm chi phí mà vẫn thuận lợi trong việc tìm kiếm nguyên liệu. Việt Nam là điểm đến thay thế trong bài toán này. Hiện mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu trên 9 tỉ đôi giày, Việt Nam xuất khẩu 1 tỉ đôi; Trung Quốc chỉ cần giảm 10% lượng hàng xuất khẩu mặt hàng này đã tương đương 900 triệu đôi giày.
Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang được ký kết với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, EU, CPTPP… cũng đang mở ra cơ hội cho xuất khẩu da giày Việt Nam. Dù chi phí nhân công của Việt Nam tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ nên cơ hội để các thương hiệu lớn quan tâm tới thị trường Việt và DN Việt là rất lớn.
- Xin cảm ơn ông!
Nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm
Kim ngạch xuất khẩu giày dép ngày càng lớn nhưng GTGT đem lại cho nền kinh tế chưa nhiều. Theo ông Diệp Thành Kiệt, có 5 nhóm vấn đề liên quan nhằm nâng GTGT cho sản phẩm gồm nâng tỉ lệ nội địa hóa, phát triển dần những sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng nhân công cao. Chẳng hạn một đôi giày giá thành 10 USD, lương nhân công chỉ 1 USD thì giá trị rất ít; cũng đôi giày đó mà tiền công 2-3 USD thì sẽ đem thêm giá trị. Vì vậy, các DN Việt cần cố gắng nhận đơn hàng trực tiếp, thay vì nhận qua trung gian từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông như hiện nay. Bên cạnh đó, cần làm chủ chuỗi cung ứng và thoát dần ra khỏi gia công; phát triển sản phẩm, tham gia vào các khâu làm mẫu, thiết kế…
|
THÁI PHƯƠNG
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|