Vì đâu M&A đang ngày càng "nở rộ" ở Việt Nam?
Nếu như tổng vốn đầu tư đăng ký quý I/2018 của Việt Nam là 5,8 tỷ USD, thì hoạt động góp vốn mua cổ phần đã chiếm 1,9 tỷ USD, tương đương với 32,7%. Đây là con số không hề nhỏ, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Hoạt động M&A được coi như một trong những hình thức đầu tư “tiền tươi thóc thật” cho doanh nghiệp, khác với hình thức đầu tư trực tiếp vì còn khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện. Tuy nhiên, điều này đặt ra một câu hỏi, doanh nghiệp Việt “bán mình” cho nhà đầu tư ngoại nhiều vậy nhằm mục đích gì?
Sau khi thâu tóm doanh nghiệp thực phẩm Cầu Tre Việt Nam, vị thế của CJ (Hàn Quốc) đã được củng cố trong thị trường thực phẩm Việt Nam.
|
Làn sóng tiếp cận thị trường
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong quý I/2018 hoạt động góp vốn, mua cổ phần trong ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo mặc dù xếp thứ 2 về số lượt góp vốn (360 lượt), song lại có giá trị cao nhất đạt hơn 491 triệu USD. Theo sau đó là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy là 468 lượt với giá trị đạt 309 triệu USD. Ngoài ra, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng ghi nhận 60 lượt góp vốn, mua cổ phần với trị giá hơn 111 triệu USD.
Nhóm nghiên cứu MAF cho rằng, yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam chính là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những nhà đầu tư chủ đạo trên thị trường Việt Nam.
Nếu như các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm thì nhà đầu tư Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại. Nhà đầu tư Thái Lan lại hướng mục tiêu đến mảng bán lẻ và vật liệu – hoá chất, trong khi nhà đầu tư Hàn Quốc thâu tóm các thương vụ trong mảng thực phẩm và tài chính ngân hàng.
Nguyên nhân dẫn đến M&A
Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương: “Có nhiều lý do để thực hiện M&A, trong đó những doanh nghiệp không thể chống đỡ nổi trong môi trường cạnh tranh khốc liệt sẽ bị thâu tóm. Thông qua đó, các doanh nghiệp đi thâu tóm có thể mở rộng thị trường và tận dụng những gì có sẵn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khi khởi sự đã đặt mục tiêu là làm doanh nghiệp để bán khi có mạng lưới kinh doanh nhất định, tạo giá trị gia tăng cao hơn so với ban đầu. Đây gọi là hình thức kinh doanh M&A.
Đồng tình với quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, bà Susie Huang, người đứng đầu bộ phận M&A khu vực châu Mỹ của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng: “Các công ty cần phải liên tục suy xét xem liệu họ có thể duy trì khả năng cạnh tranh hay không. Nếu không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thì giải pháp tốt nhất là M&A. Bởi không một ngành nào “miễn nhiễm” với áp lực cạnh tranh xuất phát từ những đột phá công nghệ và số hóa.
Ngọc Hà
DĐDN
|