Tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam
Trong khi nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế đang ngày càng khó khăn thì nguồn vốn từ tư nhân đang tỏ ra hiệu quả hơn khi Việt Nam đang “khát” vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cụm cầu Nhật Tân - Đại lộ Võ Nguyên Giáp (Ảnh minh hoạ, nguồn: Zing).
|
Thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng thời gian gần đây phải kể đến sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư Pháp. Điều này không chỉ mở ra kỳ vọng sẽ có thêm nhiều dòng vốn tư nhân trong và ngoài nước đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn khiến cho việc đầu tư này trở thành cuộc “cạnh tranh” mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Đa dạng nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng
Mới đây, Tập đoàn T&T và nhà đầu tư đến từ Pháp là Tập đoàn Bouygues đã ký thỏa thuận trị giá 250 triệu euro, tương đương khoảng 305 triệu USD để xây dựng lại Sân vận động Hàng Đẫy nhằm đón đầu cơ hội Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA GAME 31) do Việt Nam đăng cai vào năm 2021. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào quý IV năm nay với sức chứa 20 nghìn người.
Cùng với dự án này, nhà đầu tư đến từ Pháp này cũng khởi động một dự án song song khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, quận 2 với trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Được biết, phần lớn giá trị của dự án này được huy động từ nguồn vốn tư nhân.
Được biết, ngoài Bouygues, còn có 4 công ty trong và ngoài nước cũng muốn đổ vốn vào dự án Rạch Chiếc, như Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood; Công ty Thái Sơn Nam, J-Code (Nhật Bản), Công ty Vietnam Sport Platform (VSP) có vốn của Hàn Quốc. Đây đều là những nhà đầu tư có thế mạnh về đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp trong nước, không chỉ giúp Việt Nam đa dạng được nguồn vốn mà còn khắc phục được những “yếu điểm” từ các nhà đầu tư Trung Quốc như chậm tiến độ, tăng vốn hoặc có vấn đề về chất lượng.
Không có giải pháp nào đơn lẻ
Theo báo cáo về tình hình phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây, tỷ lệ nợ công Việt Nam năm 2017 đã giảm xuống mức 61,3% GDP so với mức 63,6% năm 2016. Mặc dù vậy, song nguồn vốn vay ưu đãi từ ADB dành cho Việt Nam sẽ kết thúc vào 1/1/2019. Trước đó, tháng 7/2017, Việt Nam cũng đã không còn nhận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, nguồn vốn vay của Việt Nam sẽ chuyển sang cơ chế thị trường.
Mặc dù được Bloomberg đánh giá là quốc gia có đầu tư cho cơ sở hạ tầng cao nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á chỉ sau Trung Quốc với khoảng 5,7% GDP, song nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
Kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan,... cho thấy, ngân sách nhà nước không phải là nguồn cung cấp vốn chính cho phát triển kết cấu hạ tầng. Các nước này đã chủ động kêu gọi sự tham gia của thành phần tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Trong hầu hết các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, vai trò của chính quyền hầu như chỉ là duy trì một môi trường đầu tư ổn định với hệ thống luật pháp thống nhất và mức thuế thấp. Các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích khai thác tối đa các cơ hội kinh doanh.
Từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần từ 16-17 tỷ USD cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng đáp ứng từ ngân sách chỉ khoảng 50-60%.
Trước bối cảnh nguồn vốn ngân sách cho đầu tư eo hẹp, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra gợi ý: “Không có một giải pháp nào tồn tại đơn lẻ, Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như cải cách khu vực ngân hàng, phát triển thị trường vốn trong nước, thu hút đầu tư theo mô hình PPP và nguồn tài chính từ đất đai, quỹ tài chính hạ tầng đô thị, để góp phần phát triển cơ sở hạ tầng.
Ngọc Hà
Diễn đàn doanh nghiệp
|