Chủ Nhật, 15/04/2018 12:00

Môi trường “vàng” cho tăng trưởng

Cải cách thể chế mà cốt lõi là cải cách bộ máy nhà nước sẽ tạo ra môi trường kinh doanh “vàng”, quyết định sự tăng trưởng thực chất của kinh tế.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định với DĐDN khi trao đổi về mức tăng GDP quý 1/2018 tăng trưởng mạnh ở mức 7,38% - mức cao nhất 10 năm qua.

Theo Viện trưởng CIEM, mặc dù đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cải cách tư duy của hệ thống chính sách, cách quản lý điều hành nền kinh tế đang ở đâu đó dưới... 2.0, đó là điều cần thay đổi nhất. Cần tạo dựng được môi trường kinh doanh mà ở đó khoa học công nghệ thay cho quan hệ.

-Tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt mức kỷ lục trong 10 năm qua, nhưng các mức dự báo cho những quý cuối năm lại không đồng nhất, quan điểm của ông về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam?

Thực tế, giải thích về tốc độ tăng trưởng GDP quý I những năm gần đây chưa thực sự hợp lý. Bởi vẫn đang nhìn vào một số mặt hàng hay doanh nghiệp FDI như Samsung, Formosa... Bản thân các báo cáo cũng có cách tiếp cận và các chỉ tiêu lượng hoá khác nhau. Tuy nhiên, như vậy lại không thể hiện được sự thay đổi về chất và hiệu năng của nền kinh tế.

Nhìn tổng thể quý I năm nay tăng trưởng theo đà cải cách và tăng trưởng của năm 2017. Tôi cho rằng đây là xu hướng kinh tế phục hồi một cách rõ nét và tương đối vững chắc dựa trên cơ sở những cải cách mạnh mẽ của môi trường kinh doanh Việt Nam. Từ đó, nâng cao năng suất hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp thay đổi được cơ cấu kinh tế.

Cơ sở để GDP quý I/2018 tăng cao và để tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì xu hướng này trong thời gian tới là những cải thiện ở phần cung của nền kinh tế mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã đạt được trong thời gian qua.

Như vậy, sự tăng trưởng của nền kinh tế được quyết định bởi cải cách mạnh hay yếu. Sự thay đổi hệ tư duy mới về xây dựng chính sách, xây dựng bộ máy và Chính phủ điều hành sẽ xây dựng môi trường kinh doanh “vàng”, ở đó kinh tế tư nhân là chủ thể chính cho sự phát triển, tăng trưởng cuả nền kinh tế.

- Ông nói về môi trường kinh doanh “vàng”. Vậy “vàng” ở đây là gì, thưa ông?

Như Thủ tướng đã nói nhiều lần “thể chế, thể chế và thể chế”, sự thành công của một quốc gia phụ thuộc vào thể chế tốt hay không, mà có được thể chế tốt phụ thuộc vào cải cách.

Cải cách có rất nhiều loại, nhưng cải cách rất đơn giản gói gọn trong những từ khoá là kinh doanh “tự do” hơn, kinh doanh “an toàn” hơn, kinh doanh “bình đẳng” hơn và kinh doanh “chi phí thấp” hơn. Có thể nói, một môi trường kinh doanh “vàng” là môi trường thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.

Và như vậy, cải cách bộ máy nhà nước lại là yếu tố quyết định khi nói đến cải cách thể chế. Bởi vì nếu tự do kinh doanh không đi kèm với hiệu lực hiệu quả và tính minh bạch, tính trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước thì sẽ làm cho thị trường méo mó, cạnh tranh không lành mạnh, trở nên không an toàn.

Nếu chúng ta mở về tự do kinh doanh mà không cải cách bộ máy nhà nước thì không đủ để xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại với một thể chế tốt. Sâu hơn đó là sự thay đổi hệ tư duy mới về xây dựng chính sách, xây dựng bộ máy và Chính phủ điều hành.

- Tuy nhiên, như ông nói, các báo cáo gần đây đều cho thấy tăng trưởng lệ thuộc vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài, còn khu vực ông nói là chủ thể chính cho tăng trưởng - doanh nghiệp tư nhân lại bị chèn ép, thưa ông?

Cái này hoàn toàn đúng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam “sinh sau đẻ muộn”, thậm chí trước đây về mặt chính trị còn bị kỳ thị, do đó chính sách chưa thể quan tâm đúng đắn được, một quá trình kéo dài như thế không thể bỏ một sớm một chiều.

Rõ ràng có sự chèn lấn về đầu tư nước ngoài khi chúng ta có những ưu đãi và chấp nhận đầu tư nước ngoài tương đối dễ dãi trong một thời gian dài, không buộc họ phải có những liên kết, hỗ trợ chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước, họ có nhiều ưu đãi mở rộng được quy mô lớn hơn và chiếm những vị trí đẹp hơn. Về điều này họ đã thuận lợi hơn nhiều doanh nghiệp trong nước, họ còn được tiếp cận nguồn lực toàn cầu, còn doanh nghiệp chúng ta chỉ tiếp cận nội địa. Thậm chí ngay nội địa cũng bị DNNN tiếp cận ưu đãi hơn về các nguồn lực đất đai, tín dụng, và đặc biệt là chính sách.

Chính sách của các cơ quan chức năng chưa lấy việc phát triển kinh tế tư nhân làm động lực cải cách.

Rõ ràng điều này cần thay đổi, bởi Đảng và Nhà nước đã khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, những năm qua, khu vực tư nhân đã xuất hiện những doanh nghiệp lớn hẳn lên và được người tiêu dùng đón nhận như Vingroup, Vietjet.... Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đã thay đổi thì không có lý gì chính sách không thay đổi.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần thống nhất quan điểm coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất. Vì thế, điều kiện tiên quyết là tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

- Vậy theo ông câu chuyện cải cách năm 2018 sẽ có “kịch bản” ra sao?

Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đang được lấy ý kiến có thể coi là thông điệp tiếp theo của Chính phủ trong cam kết cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong 2 năm qua.

Theo đó, hàng loạt yêu cầu cắt giảm thủ tục liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục về lương, bảo hiểm xã hội, các thủ tục liên quan đến phí, lệ phí, tiền thuê đất được liệt kê chi tiết, với các quy định cần phải sửa đổi. Đặc biệt, có một đầu mục dành riêng cho yêu cầu giảm phí không chính thức. Đây là các phần việc phải làm ngay trong năm nay, để cùng với các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính... chi phí hoạt động của doanh nghiệp phải giảm được thực sự.

- Xin cảm ơn ông!

Dự báo tăng trưởng 2018

CIEM: Tăng trưởng năm 2018 đạt 6,67%, cán cân thương mại thâm hụt 680 triệu USD.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,67%. Lạm phát đạt 3,81%. Tăng trưởng xuất khẩu năm nay vẫn đạt mức 2 con số nhưng chỉ dừng ở mức 12,15%. Đặc biệt do chịu tác động bởi yếu tố tồn kho, năm nay Việt Nam có thể sẽ thâm hụt 680 triệu USD, trái với diễn biến trong năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD. CIEM nhận định “Tăng trưởng kinh tế quý 1 vượt kỳ vọng song có vẻ như cứ 2 năm quý 1 giảm lại có 1 năm tăng vọt. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện nhiều. Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng các quý gần đây đang giảm xuống”.

ADB: Tăng trưởng 2018 đạt 7,1% trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh nhất khu vực.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 dự báo đạt 7,1%, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng quý 1 càng cao, áp lực tăng trưởng ở các quý tiếp theo và giá cả càng lớn, vì vậy Việt Nam cần chú trọng tăng trưởng bền vững và san sẻ đồng đều qua các quý.

Tuy nhiên, lạm phát được dự báo tăng mạnh trong 2 năm tới. Vì vậy Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng tăng trưởng.

VEPR: Tăng trưởng năm 2018 sẽ đạt 6,83%, mô hình tăng trưởng các quý có thể ngược so với mọi năm.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ngược so với mọi năm, các quý sau sẽ tăng trưởng không mạnh như quý 1.

Cụ thể, VEPR dự đoán tăng trưởng kinh tế quý 2,3,4 lần lượt đạt 6,51%; 6,84% và 6,75%. Tính chung cả năm 2018, tăng trưởng đạt 6,83%- cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đặt ra. VEPR cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ngược so với mọi năm, các quý sau sẽ tăng trưởng không mạnh như quý 1. Cụ thể, VEPR dự đoán tăng trưởng kinh tế quý 2,3,4 lần lượt đạt 6,51%; 6,84% và 6,75%. Tính chung cả năm 2018, tăng trưởng đạt 6,83%.

HSBC: Tăng trưởng GDP năm 2018 chỉ đạt 6,5%.

HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 6,5%, tương tự con số ngân hàng này đưa ra hồi tháng 1. Trong báo cáo kinh tế châu Á vừa công bố, ngân hàng HSBC nhận định, những số liệu gần đây cho thấy đà tăng trưởng kinh tế từ năm 2017 vẫn tiếp tục diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi liệu mức tăng trưởng cao này có tiếp tục duy trì đến hết 2018 hay không.

GDP Việt Nam 2017 tăng trưởng 6,8% - cao hơn với mức kỳ vọng của Chính phủ là 6,7% và dự báo của HSBC là 6,6%. Dù vậy, HSBC cho rằng cụm từ "tăng trưởng ổn định, lạm phát cao hơn" sẽ là “từ khóa” trong năm nay.

Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Vì sao Bộ Tài chính đề xuất thu Thuế Tài sản? (14/04/2018)

>   Tăng thuế VAT, ranh giới giàu - nghèo sẽ “rộng” hơn (13/04/2018)

>   Nỗi lo tăng trưởng (12/04/2018)

>   Chỉ đích danh những cơ quan không nghiêm túc báo cáo về chống lãng phí (12/04/2018)

>   Cơ quan nào kiểm soát thu nhập người thuộc diện Bộ Chính trị quản lý? (11/04/2018)

>   Kho bạc thừa tiền, nền kinh tế thiếu vốn (11/04/2018)

>   GDP tăng trưởng cao, vì sao kinh tế tư nhân vẫn ‘èo uột’? (10/04/2018)

>   Bộ KH&ĐT nói gì về kịch bản tăng trưởng GDP đi ngược xu hướng truyền thống? (02/04/2018)

>   PMI tháng 3: Các chỉ tiêu lĩnh vực sản xuất tăng yếu hơn, đặc biệt là sản lượng (02/04/2018)

>   Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4 (01/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật