Thứ Ba, 10/04/2018 08:41

GDP tăng trưởng cao, vì sao kinh tế tư nhân vẫn ‘èo uột’?

So với thời điểm cuối năm 2017, sự “hoài nghi” về những con số tăng trưởng trong giới phân tích đã có phần lắng xuống. Từ công bố ấn tượng của Tổng cục Thống kê  về đà tăng trưởng GDP quý 1 đạt 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại, có thể thấy, Chính phủ đã “ghi điểm” với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Với niềm tin đó, giới đầu tư cũng nhanh nhạy, “chớp” lấy cơ hội bằng hành động, thông qua các hoạt động rót vốn vào nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân đáng lẽ phải trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng, lại có phần bối rối và “chậm chân” hơn.

Thời cơ đến... phải ra quyết định

Trong đầu tư, thời cơ là yếu tố quyết định. Do đó, ngay trong quý 1,vốn  đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước thực hiện lên tới 138.800 tỷ đồng (chiếm 41,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Cùng lúc, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giải ngân với con số ước đạt 87.800 tỷ đồng (chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư) và tăng 8,1% so cùng kỳ. Động thái quyết liệt hơn đến từ khu vực tài chính, khi dòng vốn góp và mua cổ phần của khối ngoại tăng đến 121,6% so cùng kỳ, đạt 43.000 tỷ đồng.

Dòng tiền lớn tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số VN-Index đã chính thức cán mốc lịch sử 1.170 điểm (phiên ngày 22/3) và tiếp tục xu hướng đi lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới gặp nhiều “sóng gió,” trước mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khách quan nhận định, “Việt Nam là điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu và năm 2018 là năm đầy cơ hội. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều cải cách và thay đổi lớn trong 10 năm qua.”

Thực tế, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam do tổ chức truyền thông Nikkei (Nhật Bản) thực hiện cho thấy sự cải thiện rõ rệt. PMI đã tăng từ 52,5 điểm của tháng 12/2017 lên 53,4 điểm trong tháng Một và 53,5 điểm trong tháng Hai, song đà hồi phục hồi có sụt giảm trong tháng Ba đứng ở mức 51,6, nguyên nhân được biết là điều chỉnh theo mùa (theo Nikkei, chỉ số đạt trên 50 điểm cho thấy sự mở rộng kinh tế và dưới 50 điểm là chỉ hướng co lại).

Doanh nghiệp nội “nhỏ dần”

Song, tín hiệu lạc quan chưa lan rộng ra khắp nền kinh tế, khi mà sự năng động không đến đồng đều từ tất cả các thành phần kinh doanh. Trong quý 1, cả nước còn đến 20.337 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và 3.321 doanh nghiệp hoàn tất giải thể (trong số đó doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm trên 90%).

“Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang nhỏ đi,” để minh chứng cho điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam– VCCI chỉ ra, mức đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP là rất khiêm tốn, con số cao nhất từng đạt là 10,5% và 10,2% (các năm 2008 và năm 2009) và từ đó cho tới nay, chưa có năm nào chạm lại đỉnh trên.

Trong khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp mới thành lập đóng vai trò chính trong các tính toán tỷ trọng vốn đầu tư. Tuy nhiên từ số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô các doanh nghiệp đang liên tục giảm (mức trung bình chỉ đạt 460 triệu đồng theo giá trị năm 1994, tương đương 1,2 tỷ đồng - năm 2017) và hiện nay đang dừng ở mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Chưa hết, quy mô lao động hiện tại các doanh nghiệp cũng đạt mức thấp nhất trong lịch sử với 17 việc làm/công ty. Tình hình còn tệ hơn khi ông Tuấn chỉ ra, “con số trên vẫn là quá cao và chưa phản ánh đúng tình hình. Theo kết quả điều tra PCI 2017, trên 50% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động và 25% doanh nghiệp có hơn 50 lao động.”

Khối tư nhân chưa thể lớn mạnh, vì sao?

Về mục tiêu sản xuất, nghiên cứu của VCCI chỉ ra những điểm đáng lưu ý, khu vực kinh tế tư nhân sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, trong đó chỉ có 11% doanh xuất khẩu và 14% doanh nghiệp bán hàng cho khu vực FDI.

Mặc dù hướng vào thị trường nội địa, song lại có đến 60,4% doanh nghiệp lại phàn nàn “khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ,” theo Báo cáo Điều tra về xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - quý 1/2018 của Tổng cục thống kê.

Hơn thế nữa, 46,3% số doanh nghiệp còn cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp, trong khi mức chi tiêu thực tế của người Việt trong quý 1 lên đến 1 triệu tỷ đồng.

Năm 2018 là thời điểm thực hiện nhiều cam kết hội nhập kinh tế quốc, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp tư nhân chưa đánh giá hết áp lực cạnh tranh đến từ bên ngoài, chỉ có 21,9% số doanh nghiệp nhận thức tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.

Trong khi đó, 1/3 số doanh nghiệp cho biết thực trạng còn đang miệt mài giải quyết các vấn đề đầu vào, như khó khăn về tài chính hay không tuyển được lao động theo yêu cầu.

Tiềm thức “nặng nề”

Về phía các nhà làm chính sách, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ trong năm 2017, Việt Nam tăng 14 hạng lên vị trí 68/190 nền kinh tế trong Báo cáo Doing Business do Ngân hàng Thế giới thực hiện. Niềm tin của doanh nghiệp tăng lên đồng thời các báo cáo kết quả kinh doanh họ cũng đang tốt lên.

Song, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phản ánh, mặc dù đã cải thiện rõ rệt nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn chưa đạt được chuẩn trung bình của khu vực ASEAN. Việc thực hiện tại một số bộ, ngành “chạy” theo mục tiêu “hoàn thành” có nghĩa là phần lớn chỉ sửa đổi các điều kiện kinh doanh thay vì bãi bỏ.

“Tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ vẫn còn. Tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đều ‘nóng’ là yếu tốt quyết định đạt được kết quả đồng đều, toàn diện, đúng mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đề ra,” ông Cung thẳng thắn chỉ ra.

“Chi trả chi phí không chính thức được coi như luật bất thành văn” đã ăn mòn trong tiềm thức và trở thành “nét văn hóa kinh doanh” của khối doanh nghiệp. Báo cáo PCI 2017 của VCCI chỉ ra một phát hiện thú vị, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp sẵn sàng với việc chi trả các khoản chi phí không chính thức hay tặng quà. Đối với họ điều này phổ biến đến mức thậm chí hai bên không cần phải trao đổi với nhau.

“Đây được coi là ‘luật bất thành văn’ trong nhiều tình huống, bao gồm cả các đợt thanh, kiểm tra. Nhiều doanh nghiệp cho biết chính họ là người chủ động đưa quà, không cần phải ai phải khởi xướng vì hai bên đều ngầm hiểu với nhau. Bằng chứng cho thấy, chi trả chi phí không chính thức hay tặng quà đã ăn sâu vào hành vi hàng ngày và dường như đã trở thành một quy tắc ứng xử,” ông Tuấn lo lắng nói.

Chuyển hướng chính sách từ trong doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế, Lê Đăng Doanh lật lại vấn đề, “môi trường kinh doanh đã thực chất tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân? Khi khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP thấp (khoảng 9%) và phần lớn trong số họ là những hộ gia đình với khả năng cạnh tranh thấp.”

Ủng hộ các nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, song ông Doanh khuyến nghị các nhà làm chính sách, “yếu tố cốt yếu để cải cách thành công là phải minh bạch. Các quy chế mới nên tận dụng công nghệ thông tin để công khai trước công chúng cũng như trách nhiệm giải trình của nhà quản lý.”

Theo ông Doanh, năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) đồng thời là năm hội nhập với các cam kết hội nhập quốc tế sẽ được thực hiện rất nghiêm túc, theo đó thuế suất của hầu hết các dòng thuế nhập khẩu về 0%.

“Đã đến lúc phải chuyển hướng chính sách, các doanh nghiệp thay vì biếu xén, lợi ích nhóm, ăn chênh lệch giá... thì dùng các chi phí để đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy sự năng động và sáng tạo của thế hệ trẻ,” ông Doanh nói.

Thời gian qua, các nhà phân tích liên tục nêu nên vấn đề, “Việt Nam đang thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa, thiếu hụt của các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.”

Nhận định về xu hướng kinh tế trong năm, chuyên gia kinh Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, “tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nói chung là tốt, đứng đầu khu vực ASEAN, thuộc vào nhóm cao của thế giới, điều này khẳng định nỗ lực của Chính phủ với những giải pháp quyết liệt, giải quyết các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, cần nhìn sâu hơn, tăng trưởng chưa bảo đảm sự phát triển bền vững, khi động lực tăng trưởng chính vẫn là đầu tư nước ngoài với công nghệ thấp."

"Sản xuất nội địa chưa dịch chuyển cơ cấu nội ngành rõ ràng và phần lớn vẫn hướng tập trung vào thị trường tài sản. Trong nước, các nhà quản lý nói rất nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi các nước láng giềng không nói nhiều về điều này, nhưng từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... các chương trình hành động của họ là rất mạnh,” chuyên gia kinh tế này chỉ rõ./.

vietnam+

Các tin tức khác

>   Bộ KH&ĐT nói gì về kịch bản tăng trưởng GDP đi ngược xu hướng truyền thống? (02/04/2018)

>   PMI tháng 3: Các chỉ tiêu lĩnh vực sản xuất tăng yếu hơn, đặc biệt là sản lượng (02/04/2018)

>   Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4 (01/04/2018)

>   Yêu cầu giữ lạm phát cơ bản ở mức 1,6 - 1,8% (31/03/2018)

>   Vì sao GDP quý I tăng kỷ lục 10 năm qua? (30/03/2018)

>   Quý 1/2018, trụ cột chính ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là sản xuất điện tử và kim loại (29/03/2018)

>   Dễ gì vay thêm nợ khi nới GDP (29/03/2018)

>   Việt Nam xuất siêu 1.3 tỷ USD trong quý 1/2018 (29/03/2018)

>   Tỷ lệ thất nghiệp đến quý 1/2018 là 2.2% (29/03/2018)

>   GDP quý 1/2018 tăng 7.38%, khu vực nào đóng góp nhiều nhất? (29/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật