Thứ Năm, 29/03/2018 15:11

Dễ gì vay thêm nợ khi nới GDP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được giao tính toán, bổ sung thêm khu vực phi chính thức vào GDP. Động thái được hy vọng là khi GDP lớn hơn, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm xuống, từ đó có thể tăng vay nợ công để tăng chi cho đầu tư phát triển. Tuần trước, khi được hỏi về đề án, một lãnh đạo của Bộ chỉ cười cười và nói khó quá, chưa biết làm thế nào để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong ảnh: Một dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA. Ảnh: Hải Nguyễn.

Chưa biết ai tư vấn để làm việc này, nhưng có vẻ như kết quả tăng trưởng của năm 2017 thúc đẩy việc này. Tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính, tăng trưởng kinh tế cao 6,81% năm ngoái đã làm tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống còn 61,3%, giảm được hai điểm phần trăm so với tỷ lệ của năm 2016 (63,71%, theo Kiểm toán Nhà nước).

Song, vấn đề là, giả sử GDP có lớn hơn do tính toán thì cũng chẳng thu được thêm thuế từ khu vực phi chính thức như lâu nay. Là người giữ tay hòm chìa khóa quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có vẻ lo ngại thực tế này. Chốt lại phần trình bày rất dài trong cuộc gặp gỡ báo chí sau Tết âm lịch vừa rồi, ông thẳng thắn: “Tăng trưởng kinh tế nói 6,7%, 6,8% hay 6,9% cũng được, nhưng nó ở đâu? Trong khi đó, ngân sách thì tiền tươi thóc thật, thiếu một đồng là mất cân đối ngay”.

Quốc hội đã nhiều lần đánh giá tình trạng tài khóa lỏng lẻo làm bội chi và nợ công tăng nhanh trong suốt cả thập kỷ vừa qua. Ngay đầu nhiệm kỳ này, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã lưu ý kinh nghiệm của năm năm trước, theo đó, tốc độ tăng bình quân của nợ công lên tới 18,4%/năm, cao gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015, vượt giới hạn trần cho phép (50%).

Hồi đầu năm nay, Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu Jonanthan Taylor đến Hà Nội với một gói tín dụng 143 triệu euro cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 tại Thủ đô. Cho dù gói vay thương mại này có lãi suất rất thấp không khác so với vốn ODA, nhưng vấn đề đặt ra là dự án này đã phải lùi lại nhiều năm so với kế hoạch. Một báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, phải đến năm 2022, dự án này mới được đưa vào hoạt động. Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách, dự án này đã tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro.

Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án vay ODA khác cũng đội vốn rất cao. Cụ thể, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức đầu tư từ 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng; dự án Cải thiện môi trường Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc tăng từ 1.751 tỉ đồng lên 4.024 tỉ đồng; dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ 1.464 tỉ đồng lên 22.259 tỉ đồng và kiến nghị tăng thêm 26.051 tỉ đồng; dự án nhiệt điện Ô Môn 1 điều chỉnh tăng từ 8.267 tỉ đồng lên 11.538 tỉ đồng, tăng lần 3 lên 16.988 tỉ đồng.

Trên đây chỉ là những dự án vốn ODA đội vốn đã được báo cáo, xác định chứ chưa phải tất cả các dự án công đội vốn. Đã có rất nhiều những dự án như vậy thuộc diện quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính được nêu tên trong các bản báo cáo của Kiểm toán Nhà nước hàng năm. Điều này cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn là rất đáng lo ngại.

Trong một bản báo cáo chung của sáu ngân hàng, những chủ nợ lớn của Việt Nam như WB, ADB, đã cảnh báo tình trạng chậm tiến độ làm tăng chi phí, không tận dụng được ích lợi của dự án. Cụ thể, dự án chậm thực hiện làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm (6,5% do lạm phát giá các hạng mục chính, chưa kể tăng chi phí tái định cư và 11,1% chi phí do ích lợi của dự án bị mất). Tính trung bình, nếu chậm trễ 2-3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính. Đó là cảnh báo rất đáng lưu ý.

Trong khi đó, một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gần đây về chuyên đề nợ công cho biết, năm 2016, Bộ Tài chính đã vay của Bảo hiểm Xã hội 55.000 tỉ đồng và chuyển toàn bộ 364.000 tỉ đồng là các khoản nợ bảo hiểm xã hội theo hình thức hợp đồng vay thành trái phiếu Chính phủ. Đây là những khoản vay nợ rất lớn ở lĩnh vực rất nhạy cảm.

Theo báo cáo trên của Kiểm toán Nhà nước, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bằng 14% tổng thu ngân sách, và tính cả đảo nợ thì tới 20,6% tổng thu Ngân sách. Dù vẫn nằm trong ngưỡng 25% so với tổng thu ngân sách mà Quốc hội cho phép, nhưng tỷ lệ này được cơ quan kiểm toán nhận định là khá cao, đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực lên nguồn vốn trả nợ của ngân sách nhà nước.

Theo tính toán của chuyên gia Phạm Thế Anh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, giả sử nếu khu vực phi chính thức có giá trị bằng khoảng 20% GDP, với trần nợ công 65% GDP thì Chính phủ cũng chỉ chi tiêu thêm được 65%x20%=13% GDP, tức là chỉ tương đương thâm hụt ngân sách (chưa bao gồm chi trả nợ gốc) trong vòng 3-4 năm. Chuyên gia này đặt câu hỏi, việc vay nợ thêm để đầu tư thì Chính phủ có tính đến khả năng trả nợ, an toàn tài chính, khả năng chống chọi với các cú sốc với bên ngoài hay không; hay đơn giản là sẽ làm lãi suất trong nước tiếp tục ở mức cao cản trở đầu tư của khu vực tư nhân.

Tư Giang

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Việt Nam xuất siêu 1.3 tỷ USD trong quý 1/2018 (29/03/2018)

>   Tỷ lệ thất nghiệp đến quý 1/2018 là 2.2% (29/03/2018)

>   GDP quý 1/2018 tăng 7.38%, khu vực nào đóng góp nhiều nhất? (29/03/2018)

>   Giá bán xe ô tô và xăng dầu kéo CPI tháng 3 giảm 0.27% so với tháng trước (29/03/2018)

>   GDP quý 1/2018 dự kiến tăng hơn 7% - cao nhất trong 10 năm (27/03/2018)

>   Xuất khẩu thủy sản gặp khó khắp nơi (27/03/2018)

>   Chính phủ sẽ kiểm soát được lạm phát của năm 2018 (27/03/2018)

>   Nhiều dự báo lạc quan về kinh tế (26/03/2018)

>   HSBC: Tỷ giá ổn định, lạm phát chịu áp lực (24/03/2018)

>   NCIF nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 lên mức 6,83% (21/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật