NCIF nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 lên mức 6,83%
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) vừa đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự đạt 6,83%, cao hơn 12 điểm phần trăm so với mức 6,71% ở kịch bản cơ sở mà NCIF đưa ra hồi tháng 12/2017.
Theo đó, NCIF cho rằng, tăng trưởng sẽ tiếp tục cải thiện ở cả ba động lực kinh tế, mạnh mẽ nhất là khu vực dịch vụ do kế thừa đà tăng trưởng của năm 2017.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 2 tháng đầu năm trên 17% là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng chung của quý 1.
|
Ba yếu tố tạo động lực
Cụ thể, theo NCIF, tiếp tục xu hướng tích cực của năm 2017, các chỉ số kinh tế quý 1/2018 có bước tiến bộ vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Đây là điểm nổi bật so với nhiều năm trở lại đây.
“Cùng với sự phục hồi của lĩnh vực nông nghiệp, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 2 tháng đầu năm trên 17% vẫn là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng chung của quý 1. Riêng Samsung, với việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu hơn 5 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo, NCIF nhận định.
Theo TS Đặng Đức Anh, một yếu tố nữa giúp GDP quý 1 năm nay đạt mức tăng trưởng khả quan là do Formosa đã đưa vào vận hành lò cao số 1 nâng sản lượng lên 400.000 tấn thép thô. Dự kiến, sản lượng của Formosa sẽ tăng lên 1 triệu tấn khi đưa vào vận hành lò cao số 2 trong giai đoạn tới, tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng chung của ngành.
Trên cơ sở tăng trưởng GDP quý 1/2018 dự kiến đạt 6,23%, tăng mạnh so với mức 5,15% của cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 được NCIF điều chỉnh dự báo lên 6,83%, tức là cao hơn tới 12 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi cuối năm 2017 (6,71%).
Đáng chú ý, kịch bản tăng trưởng cơ sở các quý được NCIF nhận định là sẽ tăng dần đều, chứ không có sự chênh lệch nhiều như trong năm 2017. Theo đó, dự báo mức tăng trưởng GDP trong quý 2 sẽ là 6,61%, quý 3 là 6,98% và quý 4 chốt hạ ở mức 7,21%.
Cũng theo NCIF, ba yếu tố lớn được dự báo sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong các quý tới là việc Chính phủ rất quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh và kiên định ổn định chính sách vĩ mô sẽ tăng chỉ số niềm tin của các khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó tăng đầu tư sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường. Đồng thời, thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp vào dòng chảy của nền kinh tế nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tiếp tục triển khai hiệu quả cùng với hiệu ứng tích cực của việc ký kết Hiệp định CPTPP sẽ mang lại những tác động lan tỏa tích cực tới đầu tư thương mại.
Còn đó những rủi ro…
Tuy nhiên, theo chuyên gia nhận định, vẫn ẩn chứa những yếu tố rủi ro tăng trưởng. Như lạm phát hiện chịu áp lực rất lớn từ xu hướng điều chỉnh giá dịch vụ công, diễn biến giá trên thị trường quốc tế và điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đang và sẽ là yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Ngoài ra, những tác động từ việc tăng thuế môi trường, tăng thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính tuy vẫn chưa có số liệu nghiên cứu chính thức, song theo tính toán của NCIF rất có thể sẽ làm giảm từ 0,9 - 1 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng.
Trao đổi với DĐDN, TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho rằng, rủi ro về sự mất bình tĩnh, “ngây ngất” mà “ngủ quên” trên chiến thắng có thể là thách thức với tăng trưởng kinh tế năm 2018.
“Hình như đang diễn lại một xu thế FDI đầu tư nhiều, thị trường chứng khoán tốt lên, kỳ tích 10 năm, thị trường bất động sản “ấm lên”. Có hiệu ứng chập 3 dễ nảy sinh thành bất ổn kinh tế”, ông Thiên nói đồng thời cho biết nguy cơ thứ hai về cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi động thái thương mại của Việt Nam là nhập từ Trung Quốc-xuất sang Mỹ, do đó cần lưu ý tránh lệ thuộc vào hai thị trường này.
Đặc biệt, vị chuyên gia khẳng định cần tư duy lại về sự phát triển của doanh nghiệp Việt. Theo đó, xác định rõ trụ cột của nền kinh tế, bởi những nước đi sau muốn đi lên nhanh đều cần tạo ra những trụ cột tư nhân. “Phải khẳng định, cần xác định phát triển doanh nghiệp lấy nền tảng phải là khu vực tư nhân và trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân, tạo sức bật cho nền kinh tế”, ông Thiên nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI lưu ý, mức tăng trưởng chậm của nửa đầu 2017 đã tạo ra nền thấp để dễ có tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2018. Điều này sẽ khó lặp lại vào nửa cuối năm.
Tín hiệu chững lại của dòng vốn FDI cần phải được quan tâm đặc biệt để có những chính sách mới nhằm vực dậy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Sự phục hồi của khối doanh nghiệp nội địa là một tín hiệu lạc quan và cần tiếp tục có những chính sách thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ “Đàn Sếu Lớn” để tạo thành những mũi nhọn tăng trưởng cũng là một nội dung quan trọng bên cạnh tìm kiếm và phát triển các động lực tăng trưởng mới như đặc khu kinh tế, nông nghiệp công nghệ cao hay phát triển du lịch”, ông Linh nhấn mạnh.
Thy Hằng
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|