Thứ Ba, 20/03/2018 14:44

Năm 2018, rất khó giảm lãi suất, tỷ giá sẽ không có biến động

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018: “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” sáng ngày 20/03, khi nhận định về nền kinh tế Việt Nam năm 2018, nhiều chuyên gia cũng như nhà làm chính sách cho rằng đây là năm của niềm tin, động lực, hy vọng chuyển hướng, cơ hội và bứt phá. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức, không chỉ trong năm 2018 mà cả trung hạn.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những cơ hội để tăng trưởng kinh tế thì vẫn còn nhiều thách thức, không chỉ trong năm 2018 mà cả trung hạn.

Năm 2018, cơ hội và thách thức đan xen

Nói về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 và nhận định về năm 2018, ông Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - cho rằng "hy vọng chuyển hướng" là cụm từ ông muốn nhấn mạnh, vì khi nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam từ năm 2001 - 2015 thì 5 năm sau tăng trưởng kém hơn 5 năm trước, từ 2017 mới có hy vọng đi lên dần.

TS. Vũ Viết Ngoạn - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng đưa ra từ khóa "Chính phủ đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư". Ông thấy cơ hội và thách thức đan xen trong năm 2018. Về cơ hội, năm 2018, kinh tế thế giới chuyển động tích cực hơn năm 2017 bởi tín hiệu tích cực từ nhiều phía. Đó là Nhật Bản sau 2 thập kỷ trì trệ đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong 2 năm qua. Còn Trung Quốc, trước kia nhiều nhà kinh tế lo ngại về "quả bóng nợ" của nước này, giờ không còn mối lo này khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 của Trung Quốc tăng trên 6.5%.

Ở trong nước, lòng tin của nhà đầu tư trong năm 2017 rất tích cực và sẽ tiếp tục được củng cố trong năm 2018. Vì thế, dự báo tăng trưởng năm 2018 tích cực.

Lạm phát năm 2018 có thể tăng hơn năm 2017 nhưng vẫn ở trong phạm vi kiểm soát tốt, vì giá cả thế giới sẽ tăng cao hơn năm 2017 nhưng theo đánh giá vẫn trong phạm vi tăng thấp. Nguyên nhân là giá dầu lửa sẽ quanh mức 60 USD/thùng, thấp hơn mức trước đó là 65 USD/thùng. Tiếp đến là yếu tố công nghệ sẽ giúp giảm chi phí giá thành sản xuất… Còn giá hàng hóa thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa Việt Nam. Trong đó, thị trường tài chính thế giới cũng tác động tới thị trường tài chính Việt Nam. Lĩnh vực bất động sản đã khởi sắc, phần nào giúp cho sản xuất nguyên vật liệu xây dựng tăng trưởng. Tuy nhiên, sự phấn khích quá mức có thể dẫn đến đột biến trong ngắn hạn.

Và điều ông lo lắng nhất vẫn là trung hạn, nhất là năm 2019, nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ xuống đáy theo chu kỳ 10 năm và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Vì thế, Việt Nam phải chuẩn bị chung cho trung hạn.

Rất khó giảm lãi suất, tỷ giá sẽ không có biến động

Với câu hỏi chung về Nghị quyết tháng 2 của Chính phủ có mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất, liệu khả năng này có khả thi không trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất và trong bối cảnh đó, dự báo biến động tỷ giá thế nào? Các chuyên gia cũng đã có những phân tích và nhận định khá sâu.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết theo những dự báo đến thời điểm này, tăng trưởng kinh tế quý 1/2018 trên 7.1%, và mục tiêu năm 2018 hy vọng chuyển hướng, mặc dù xảy ra những biến động tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế nhưng phụ thuộc vào trong nước vẫn là lớn nhất. “Tôi tin nền kinh tế đang chuyển hướng” – ông nói.

Về chính sách, ông cho rằng Chính phủ cần tập trung môi trường pháp lý an toàn, minh bạch và tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Về giảm lãi suất, doanh nghiệp luôn muốn giảm lãi suất, nhưng thực tế nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên vay nợ (Nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, doanh nghiệp phải vay ngân hàng...). Muốn giảm lãi suất, ngân hàng phát triển thì phải tăng tái chiết khấu, tăng cho vay, nhưng ngân hàng còn nhiệm vụ quan trọng là không để xảy ra lạm phát. Vì thế, nếu năm 2018 không giảm được lãi suất thì giữ được như cuối năm 2017 là tương đối tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên cơ cấu lại tài chính để giảm tỷ lệ nợ vay.

Về tỷ giá, với chính sách điều hành hiện nay và cung cầu thị trường thì sẽ không có biến động tỷ giá trong năm 2018. Điều cần thiết là Chính phủ tạo được môi trường pháp lý yên ổn (không ra luật, sửa luật).TS. Vũ Viết Ngoạn thì cho rằng lãi suất và tỷ giá là hai biến số khó nhất trong năm 2018.

Về lãi suất, ông Ngoạn nhấn mạnh đến sức ép lạm phát, dự báo lạm phát năm 2018 có sức ép nhiều hơn năm 2017 nhưng vẫn trong vòng kiểm soát tốt. Năm nay, điều kiện giảm lãi suất so với năm 2017 khó khăn hơn. Ngoài yếu tố sức ép lạm phát, còn vấn đề lãi suất USD có xu hướng tăng hơn. Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm đồng Việt Nam. Nếu giảm được lãi suất thì chỉ có cách hạ lãi suất huy động, nhưng có hạ được không còn phụ thuộc vào việc này có làm thay đổi nguồn huy động của ngân hàng hay không, dân có chuyển kênh đầu tư sang chứng khoán, bất động sản hay không?

Một điểm nữa là hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn nên phải giữ đầu vào, đầu ra hợp lý để ngân hàng có mức lợi nhuận hợp lý, có dự phòng trang trải nợ xấu. Chênh lệch lãi suất 2% giữa các ngân hàng là quá cao trên thị trường, như vậy liệu cả hệ thống có làm được cho những ngân hàng này cải thiện tình hình để giảm lãi suất? Đây là những bài toán khó đối với NHNN. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp vẫn có thể giảm được một chút lãi suất, nhưng khó hơn nhiều so với năm 2017.

Về tỷ giá, cân đối ngoại tệ tương đối tốt, tình hình xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khả quan nên có khả năng thuận lợi về tỷ giá. Tuy nhiên, yếu tố đáng chú ý là thị trường chứng khoán biến động theo thế giới, trong thời gian ngắn thì đó là vấn đề đáng quan ngại. Bởi từ đây sẽ gây sức ép cho thị trường ngoại hối, nên vẫn còn có bất trắc, nhất là khi dự trữ ngoại hối chưa phải quá dồi dào, quá an toàn. Tăng dự trữ ngoại hối vẫn là yêu cầu đặt ra để tăng khả năng chống đỡ.

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với ý kiến của ông Ngoạn và ông lịch rằng nếu không có biến động bất ngờ gì thì tỷ giá sẽ neo ổn định. Còn về lãi suất, kỳ vọng lãi suất lên là có nhưng tăng mạnh thì không thể, còn kỳ vọng lãi suất giảm sẽ rất khó khăn.

Hoàng Nguyên

Fili

Các tin tức khác

>   Chuyện về chàng sinh viên Luật – Kiện tướng Lê Tuấn Minh (20/03/2018)

>   Techcombank bán cổ phiếu quỹ, đã có 6 nhân viên đăng ký gom 346,000 cp (20/03/2018)

>   Ngân hàng SCB đặt mục tiêu lãi trước thuế 2018 đạt 224 tỷ đồng, cổ tức sẽ vẫn phải chờ chỉ đạo của NHNN (20/03/2018)

>   Nan giải cuộc chiến thanh toán “tiền bẩn” (20/03/2018)

>   Vì sao MBB "mạnh tay" đặt kế hoạch lãi trước thuế 2018 tăng 47% lên 6,800 tỷ đồng? (20/03/2018)

>   Viện Kiểm sát nhắc ông Đinh La Thăng ‘trả lời đúng trọng tâm’ (20/03/2018)

>   Agribank đấu giá tài sản của STL khởi điểm hơn 59.8 tỷ đồng (20/03/2018)

>   Nguyên tổng giám đốc Navibank lãnh 13 năm tù (20/03/2018)

>   Giá USD bật tăng trở lại (20/03/2018)

>   Bãi bỏ 6 Nghị định trong lĩnh vực ngân hàng (20/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật