Ngân hàng SCB đặt mục tiêu lãi trước thuế 2018 đạt 224 tỷ đồng, cổ tức sẽ vẫn phải chờ chỉ đạo của NHNN
“Kế hoạch kinh doanh 2018 bám sát theo kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019 của SCB”, Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 dự kiến được tổ chức vào sáng ngày 28/03/2018 tới đây.
Tại đại hội, HĐQT sẽ trình các cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 đạt khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 37% so với thực hiện năm 2017. Trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng SCB đạt khoảng 180 tỷ đồng.
Tổng tài sản kế hoạch tính đến cuối năm 2018 ước đạt hơn 487 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 9.7%. Cho vay khách hàng và huy động thị trường 1 lần lượt đạt 311 ngàn tỷ và 418 ngàn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 18% so với đầu năm.
Ban lãnh đạo SCB cho biết, kế hoạch kinh doanh 2018 được bám sát theo kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019 của SCB. Đối với chính sách chi trả cổ tức, SCB sẽ thực hiện theo chỉ đạo của NHNN trong từng thời kỳ.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2017
|
Năm 2018, SCB đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi, ước tính thu nhập thuần từ dịch vụ đạt 650 tỷ đồng (tính riêng SCB). Bên cạnh đó, dự kiến năm 2018, thu nợ quá hạn, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC đạt 4,300 tỷ đồng. Nợ xấu dưới 3%.
Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ, SCB cho rằng năm 2018 sẽ là bước đệm để Ngân hàng phát triển mạng lưới khách hàng với kế hoạch tăng trưởng 300,000 khách hàng trong năm, mục tiêu đến năm 2020 đạt 2 triệu khách hàng cá nhân.
Đối tượng khách hàng mà SCB hướng đến bao gồm nhiều phân khúc khác nhau từ trẻ tuổi, trung niên, người già,… SCB dự kiến sẽ gia tăng việc khai thác và bán chéo sản phẩm cho khách hàng nhằm hướng đến việc nâng số lượng sản phẩm dịch vụ mà mỗi khách hàng cá nhân sử dụng lên 3 sản phẩm. Ước tính thu nhập dịch vụ cơ bản hàng năm mỗi khách hàng mang lại cho SCB đạt 400,000 đồng/khách hàng.
Ngân hàng cũng sẽ nhắm đến khu vực nông thôn vì nhận định rằng có nhiều tiềm năng và dư địa lớn, thông qua việc mở thêm các Chi nhánh và Phòng giao dịch.
Tăng vốn lên 16,600 tỷ đồng trong năm 2018, mục tiêu năm 2019 tăng lên 18,000 tỷ đồng
SCB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ theo phương án đã trình NHNN về kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 1,705 tỷ đồng trong năm 2018. Đồng thời, Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại khoảng 600 tỷ đồng thông qua phát hành thêm khoảng 60 triệu cp cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, tổng mức vốn điều lệ SCB dự kiến tăng thêm trong năm 2018 là 2,305 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ cuối năm 2018 lên gần 16,600 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết sẽ xây dựng phương án và thực hiện các thủ tục trình ĐHĐCĐ và NHNN thông qua trước khi tăng vốn chính thức.
Riêng việc tăng vốn thêm 1,705 tỷ đồng nhằm nâng vốn điều lệ lên mức 16,000 tỷ đồng dự kiến sẽ được thực hiện trong quý 2/2018, sau khi được các Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Đến cuối năm 2019, Ngân hàng xác định sẽ hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 18,000 tỷ đồng.
Thoái thu lãi do xử lý nợ xấu ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh năm 2017
Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 164 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch đặt ra đầu năm. Theo Ban lãnh đạo Ngân hàng, mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu là do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo đúng quy định. Được biết, tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm 2017 của Ngân hàng là 890 tỷ đồng, trong đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu là 123 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo SCB, các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, Ngân hàng sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận.
“Đến cuối năm 2017, tổng mệnh giá trái phiếu VAMC mà SCB đang nắm giữ là 23,849 tỷ đồng và trong năm 2017, SCB cũng đã thực hiện thoái thu để hỗ trợ công tác xử lý nợ là 1,082 tỷ đồng. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh của SCB còn khiêm tốn trong năm 2017", Ban lãnh đạo SCB đề cập thêm.
Mạng lưới: Cuối năm 2017, SCB có 231 đơn vị giao dịch, gồm Hội sở chính, 50 Chi nhánh và 180 Phòng giao dịch. Ngân hàng cũng đã hoàn tất cải tạo sửa chữa 69 trụ sở đơn vị và 24 trụ sở đang trong giai đoạn triển khai thực hiện.
Ngoài ra, NHNN đã chấp thuận cho SCB thành lập thêm 2 Chi nhánh tại Thanh Hóa và Thái Bình, cùng 9 Phòng giao dịch tại một số tỉnh thành trên toàn quốc. Trong đó, SCB đã khai trương Phòng giao dịch Thuận An tại Bình Dương hồi cuối năm 2017. Đến cuối tháng 2/2018, SCB tiếp tục khai trương hoạt động thêm 2 chi nhánh (Chi nhánh Thanh Hóa và Chi nhánh Thái Bình) và 2 Phòng giao dịch (tại Nghệ An và Gia Lai).
Thành lập công ty con: Trong năm 2017, SCB đầu tư thêm 88 tỷ đồng vào Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 80.57% lên 81.1%. Hiện SCB đang sở hữu 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Sài Gòn (AMC) và Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long với tổng giá trị góp vốn là 1,086 tỷ đồng.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2017
|
Nhân lực: Tính đến 31/12/2017, số lượng cán bộ nhân viên của SCB là 6,428 người, tăng 874 người so với đầu năm. Trong năm 2017, Ngân hàng đã tuyển dụng gần 1,500 nhân sự mới, nâng tỷ lệ nhân sự kinh doanh lên 41% vào cuối năm 2017. Dự kiến, SCB sẽ tuyển dụng thêm tối thiểu 1,700 nhân sự trong năm 2018.
Thu Phong
FILI
|