Thứ Năm, 12/04/2018 10:35

Chỉ đích danh những cơ quan không nghiêm túc báo cáo về chống lãng phí

Nhiều cơ quan, tỉnh thành chưa gửi báo cáo, thậm chí có nơi gửi nhầm báo cáo của năm 2016...

"Lười" hơn cả là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi có đến 13/23 đơn vị chưa gửi báo cáo đến Bộ Tài chính. Trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bên cạnh nhiều nơi chưa báo cáo hoặc báo cáo mà không có số liệu gì cụ thể thì có địa phương còn gửi nhầm báo cáo của năm 2016, Chính phủ cho biết kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Báo cáo này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sáng 12/4.

Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng còn nhiều hạn chế chậm được khắc phục đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân.

Đáng chú ý là một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định của Luật Thực  hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Như, không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định; không đánh giá, phân tích, không có số liệu về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí và những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình hoặc né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện...

Những nơi mà tính đến ngày 11/4/2018 Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo gồm: Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Văn phòng Quốc hội, Toà án nhân dân Tối cao.

Các địa phương gồm: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Dương, Điện Biên, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Long, Yên Bái. Riêng Tp.HCM thì gửi nhầm báo cáo của năm 2016.

"Lười" hơn cả là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi có đến 13/23 đơn vị chưa gửi báo cáo đến Bộ Tài chính. Trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Viễn thông quân đội...

Có báo cáo nhưng không có số liệu tiết kiệm, lãng phí là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Trong phụ lục, Chính phủ thống kê cụ thể số tiền tiết kiệm kinh phí, tiền vốn nhà nước năm 2017 của nhiều bộ, địa phương, doanh nghiệp.

Theo đó, Hà Nội tiết kiệm được 6.890.642 triệu đồng, Bộ Quốc phòng 1.429.971 triệu, Bộ Công Thương 538.990 triệu...

Trong một số kết quả khác về tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 báo cáo nêu khá nhiều thông tin liên quan đến tinh giản biên chế, kết quả thanh tra, kiểm tra.

Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tinh giản 21 biên chế. Qua thanh tra kiến nghị xử lý về tài chính 270 tỷ đồng, ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 300 triệu đồng.

Bộ Lao động - thương bình và xã hội giảm 15 biên chế khối sự nghiệp công. Thanh tra 6.765 cuộc, phát hiện 91 cán bộ vi phạm, ban hành 1.131 quyết định, xử phạt số tiền 27 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đã sửa đổi, bổ sung 1.924 định mức kinh tế - kỹ thuật, ban hành suất vốn đầu tư năm 2016, công bố 28 tiêu chuẩn và thẩm định 60 tiêu chuẩn xây dựng. Giảm 03 đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản 44 biên chế.

Ngân hàng Nhà nước thì không đưa vào kế hoạch mua sắm đối với 18 xe ô tô do các đơn vị đề xuất theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, giảm 166 tài sản, giá trị là 88 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội phát hiện 10.745 trường hợp chưa tham gia, tham gia thiếu, sai mức quy định với số tiền 36 tỷ đồng, 488 trường hợp chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội, 13.896 sổ bảo hiểm xã hội ghi chưa đúng nội dung. Cơ quan này cũng thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 4,4 tỷ đồng do chi trả không đúng quy định và thu hồi về quỹ bảo hiểm y tế 207 tỷ đồng do chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định. Kết quả tiếp theo là tinh giản 319 biên chế, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giảm được 96 giờ so với năm 2016.

Khối địa phương, tỉnh Bình Phước phát hiện và thu hồi 67.718 m2 đất sử dụng không đúng mục đích, thu về ngân sách 95 triệu đồng.

Bình Thuận tinh giản 167 biên chế. Thu hồi đất sai mục đích: 265.946 m2. Thực hiện 4.246 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý vi phạm 18,9 tỷ đồng.

Đắk Nông cho biết từ năm 2016 đến nay, đã tinh giản 145 biên chế. Thu hồi 42.290 m2 đất của 26 tổ chức; 55.144 m2 đất của 10 công ty nông, lâm nghiệp. Thực hiện 173 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách 5,7 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ việc...

 

 HÀ VŨ

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Cơ quan nào kiểm soát thu nhập người thuộc diện Bộ Chính trị quản lý? (11/04/2018)

>   Kho bạc thừa tiền, nền kinh tế thiếu vốn (11/04/2018)

>   GDP tăng trưởng cao, vì sao kinh tế tư nhân vẫn ‘èo uột’? (10/04/2018)

>   Bộ KH&ĐT nói gì về kịch bản tăng trưởng GDP đi ngược xu hướng truyền thống? (02/04/2018)

>   PMI tháng 3: Các chỉ tiêu lĩnh vực sản xuất tăng yếu hơn, đặc biệt là sản lượng (02/04/2018)

>   Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4 (01/04/2018)

>   Yêu cầu giữ lạm phát cơ bản ở mức 1,6 - 1,8% (31/03/2018)

>   Vì sao GDP quý I tăng kỷ lục 10 năm qua? (30/03/2018)

>   Quý 1/2018, trụ cột chính ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là sản xuất điện tử và kim loại (29/03/2018)

>   Dễ gì vay thêm nợ khi nới GDP (29/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật