Thứ Ba, 17/04/2018 05:59

Chi phí logistics trì kéo kinh doanh

Chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 20,9% GDP, gấp đôi Nhật Bản và các nước EU.

Sáng 16-4, phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung ứng hàng hóa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là một trong 15 hội nghị chuyên đề dự kiến được tổ chức trong năm nay nhằm tìm các giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh... từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Rào cản lớn với doanh nghiệp

"Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ. Một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn" - Thủ tướng dẫn câu nói nổi tiếng của nhà lập quốc Mỹ Benjamin Franklin, đồng thời nêu vấn đề: Chi phí logistics chiếm tỉ trọng lớn liệu có nhấn chìm con tàu kinh doanh của Việt Nam?

Thủ tướng cho rằng gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp (DN). Trong đó, chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc đầu tư, kết nối kém các phương thức vận tải cũng làm tăng chi phí. Đây là thách thức của nhiều địa phương, nhất là các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự rời rạc đó làm chi phí logistics chiếm tới 20,9% GDP.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết 2 năm qua, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị với nhiều giải pháp để tạo thuận lợi trong kinh doanh. Tuy nhiên, dường như các hội nghị chưa nói đến "nguyên nhân" và "trách nhiệm" do ai gây nên những tồn tại, bất cập của logistics hiện nay. Nếu không chỉ ra được trách nhiệm thuộc về ai thì có thể những bất cập sẽ tiếp tục tồn tại. "Ví dụ, tại sao lại đầu tư hơn 90% nguồn lực cho đường bộ, trong khi phương thức vận tải này có chi phí logistics cao nhất. Phải chăng chúng ta phân bổ nguồn lực nhiều nhất vào chỗ kém hiệu quả nhất?" - ông Cung nêu và thẳng thắn cho rằng dù có rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng "còn quá chung chung". Ông đề nghị sau hội nghị lần này, cần có một chỉ thị hay một quyết định của Thủ tướng với những chỉ đạo cụ thể để trong một thời gian nhất định nào đó phải có kết quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kéo giảm chi phí logistics để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế

Chấn chỉnh sự vô lý,vô trách nhiệm

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - lưu ý rằng sở dĩ các DN logistics gặp khó vì vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, can thiệp sâu vào quyền tự chủ của DN gây khó khăn cho hoạt động logistics.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định có thể chỉ ra "hàng trăm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh vô lý". Nhưng theo ông, việc bãi bỏ là "không hề đơn giản". Ông Cung cho rằng cung cách làm việc của cơ quan quản lý cần theo hướng chia sẻ, hợp tác với DN để giải quyết vấn đề chứ không phải theo kiểu "tôi thực thi luật pháp và anh phải tuân thủ". "DN kiến nghị rất nhiều nhưng có vẻ cơ quan nhà nước nghe chỗ này lại ra chỗ kia. Làm việc theo kiểu vô lý, vô cảm, vô trách nhiệm" - ông Cung thẳng thắn.

Ngay sau phát biểu của Viện trưởng CIEM, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải(GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết ngay trong tháng 5 tới, bộ cắt giảm 372 thủ tục hành chính, chiếm 61,15% thủ tục hành chính trong lĩnh vực GTVT hiện có.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là hội nghị rất thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề, mà như phát biểu của TS Nguyễn Đình Cung là giải quyết tình trạng "vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm" trong tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khẳng định chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Thủ tướng yêu cầu giảm chi phí logistics xuống nữa. "Mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP" - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết những kiến nghị của các hiệp hội, DN vận tải, logistics; cắt giảm ngay các thủ tục hành chính không cần thiết. Thủ tướng giao Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến tại hội nghị, đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Gấp đôi các nước giàu

Theo đánh giá của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).

Còn theo thống kê của VCCI, hiện vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội chỉ khoảng 100 km nhưng chi phí đắt gấp 3 lần so với vận chuyển một container từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Người lao động

Các tin tức khác

>   "Miếng bánh" 20 tỷ USD và cách để du khách nâng chi tiêu lên 1.080 USD/người (16/04/2018)

>   Thủ tướng chính thức kết luận phương án mở rộng Tân Sơn Nhất (16/04/2018)

>   Bộ Lao động lấy ý kiến về 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019 (16/04/2018)

>   Tiếp bước VTVcab, SCTV cũng sẽ cắt loạt kênh truyền hình nước ngoài? (16/04/2018)

>   Chủ tịch Quốc hội: Phải bàn để ra được luật đặc khu (16/04/2018)

>   Không có DN giày Việt nào trong chuỗi Nike, Adidas… (16/04/2018)

>   Thị trường xúc xích: Tìm "ngách" để... "lách" (16/04/2018)

>   Nghịch lý cá tra tăng giá (16/04/2018)

>   Vì đâu M&A đang ngày càng "nở rộ" ở Việt Nam? (16/04/2018)

>   Tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam (15/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật