Thu hút gần 36 tỉ đô la vốn ngoại năm 2017
Khép lại năm 2017 này, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam đạt 35,88 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 44,4% so với năm ngoái, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam năm 2017 tăng mạnh. Trong ảnh là sản xuất của một doanh nghiệp nước ngoài ở Đồng Nai -Ảnh minh họa: Hùng Lê
|
Cụ thể theo cơ quan này, tính từ đầu năm 2017 đến ngày 20-12, cả nước có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỉ đô la, tăng 42,3%; có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỉ đô la, tăng 49,2%; và 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỉ đô la, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ trước đến ngày 20-12 rồi, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 186,1 tỉ đô la, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực bất động sản với 53,1 tỉ đô la (chiếm 16,7%), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỉ đô la (chiếm 6,5%).
|
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 15,87 tỉ đô la, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỉ đô la, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,05 tỉ đô la, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy nhiên, theo giới quan sát kết quả trên có thể còn cao hơn, bởi quá trình cập nhật số liệu ở các địa phương chưa đầy đủ và chưa hết năm. Đơn cử như việc Công ty TNHH Vietnam Beverage, nhà đầu tư tổ chức trong nước nhưng có 49% vốn của tỉ phú Thái Lan mua thành công 343.642.587 cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào 18-12, với số tiền lên đến 109.966 tỉ đồng (khoảng 4,8 tỉ đô la). Như vậy, chỉ cần tính thêm vào việc mua cổ phần này của Sabeco thì tổng nguồn vốn nước ngoài cam kết trong năm nay đã vượt 40 tỉ đô la.
Lũy kế đến ngày 20-12 rồi, cả nước có 24.748 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 318,72 tỉ đô la. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 172,35 tỉ đô la, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Và có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 57,66 tỉ đô la (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 49,46 tỉ đô la (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông...
Hùng Lê
THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
|