Chủ Nhật, 24/12/2017 10:04

Bức tranh thị trường phân phối xăng dầu sẽ được vẽ lại

Hai doanh nghiệp rất lớn của ngành dầu khí là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong khoảng thời gian rất gần nhau và có những liên quan rất chặt chẽ với nhau trên thị trường sản xuất và phân phối các sản phẩm xăng dầu. Điều kiện mua cổ phần của doanh nghiệp này ràng buộc với doanh nghiệp kia. Nó cho thấy, thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam sẽ sang một bước ngoặt mới sau các cuộc IPO này.

Thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam hiện chủ yếu do Petrolimex và PV Oil nắm giữ. Ảnh: Thành Hoa

Sự gắn bó mật thiết giữa PV Oil và BSR

Theo kế hoạch, ngày 17-1-2018, BSR sẽ IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, bán ra 8% cổ phần theo hình thức đấu giá công khai. Sau đó, BSR sẽ bán tiếp 49% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, bất kể nhà đầu tư nội hay ngoại. Nhà nước sẽ chỉ giữ lại tỷ lệ không chi phối là 43% vốn điều lệ tại BSR.

Tương tự, PV Oil cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị IPO. Thời điểm bán ra 20% tổng số cổ phần theo hình thức đấu giá công khai dự kiến cũng gần ngày bán ra của BSR, dù chưa công bố ngày cụ thể. PV Oil cũng chào bán 44,72% vốn điều lệ cho các cổ đông chiến lược và cho phép nhà đầu tư ngoại mua hết “room” theo quy định là 49%.

Việc hai doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn (BSR là 31.000 tỉ đồng và PV Oil là 10.342 tỉ đồng) IPO sát ngày với nhau, cùng thoái mạnh vốn nhà nước với tỷ lệ khá giống nhau, bước đầu cho thấy Nhà nước không còn muốn giữ vai trò chi phối tại các công ty sản xuất và kinh doanh xăng dầu, dù ngành này theo các quy định hiện hành và cam kết WTO là không mở cửa cho các nhà đầu tư thực hiện quyền xuất, nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên, khi bán, điều kiện được Chính phủ phê duyệt để nhà đầu tư có thể thành cổ đông chiến lược của PV Oil (công ty giữ độc quyền xuất bán dầu thô tại Việt Nam) cho thấy tính liên quan mật thiết đến BSR (doanh nghiệp chế biến dầu thô lớn nhất).

Các thông tin trong bản cáo bạch của BSR còn cho thấy sự phát triển “không thể tách rời” giữa hai doanh nghiệp. Nói khác đi, nhà đầu tư lớn muốn tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam như PV Oil thì buộc phải mua cổ phần của BSR do các quy định ràng buộc cấp Chính phủ từ nhiều năm trước.

Tại sao lại như vậy?

Các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam thì cách đầu tiên phải tính đến là mua cổ phần của BSR hoặc PV Oil.

Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa PV Oil do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký hôm 8-12-2017 đặt ra tiêu chí cụ thể dành cho cổ đông chiến lược: “Có cam kết để Công ty cổ phần PV Oil tiếp tục tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn trong ít nhất 10 năm sau cổ phần hóa theo giá thị trường với sản lượng tối thiểu hàng năm theo công thức tính”. Công thức đó bằng tổng sản lượng kinh doanh của PV Oil  nhân với công suất sản phẩm xăng và dầu DO của hai nhà máy chia cho tổng nhu cầu xăng và dầu DO của Việt Nam. Tiêu chí này xuất phát từ cam kết Chính phủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án Nghi Sơn (sẽ phân tích ở phần sau).

Về phía BSR, bản cáo bạch cho thấy PV Oil đang là đơn vị duy nhất cung cấp dầu thô cho BSR, bao gồm cả nhận ủy thác nhập khẩu dầu thô nước ngoài cho BSR. Nghĩa là PV Oil lo 100% đầu vào cho BSR và giữ 25% thị phần phân phối đầu ra, sau Petrolimex. Vì là đầu mối lớn nên PV Oil được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi đối với khách hàng chiến lược. Nó cho thấy, dù trong quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa BSR (ký cùng ngày với quyết định của PV Oil) không nêu ra các yêu cầu cụ thể với cổ đông chiến lược song sự gắn bó thực tế giữa hai doanh nghiệp sản xuất và phân phối cùng “họ” dầu khí sau này cũng khó tách rời.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG rằng việc Chính phủ yêu cầu Công ty cổ phần PV Oil tiêu thụ sản phẩm của BSR và Nghi Sơn sẽ tác động có lợi hay không đến giá cổ phiếu của BSR, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR, nói: “Chúng tôi không cần PV Oil bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi tự tin cạnh tranh bằng năng lực của mình”. Tuy nhiên, nói gì đi nữa thì sự ràng buộc như đã nói ở trên đã được “chốt” thành điều kiện bắt buộc, cũng như thực tế kinh doanh của hai công ty.

Cửa thị trường phân phối xăng dầu mở cho nhà đầu tư nước ngoài

Theo Thông tư 34/2013 của Bộ Công Thương về việc công bố lộ trình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì dầu mỏ và xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa mà các bên nước ngoài không được quyền xuất, nhập khẩu và phân phối. Các nhà đầu tư chỉ có thể gia nhập thị trường phân phối tại Việt Nam theo cách đầu tư vào các dự án lọc dầu hoặc mua cổ phần tại đó. Phần phụ lục của Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GCU) đối với dự án ký kết giữa Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài và Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Nghi Sơn (ngày 15-1-2013) nêu rõ: “Trong 10 năm sau ngày vận hành thương mại, đối với các công ty nước ngoài, chỉ những công ty nước ngoài đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại Việt Nam mới có quyền phân phối (bán buôn, bán lẻ) các sản phẩm dầu khí (ngoại trừ LPG) tại Việt Nam”.

Hiện nay, mới chỉ có Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Kuwait Petrolium (hai đối tác trong liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn) lập ra Công ty Idemitsu Q8 trực tiếp phân phối, bán lẻ xăng dầu Nghi Sơn tại Việt Nam. Ngoài ra, JX Nippon Oil, đối tác Nhật mua gần 8% cổ phần của Petrolimex, cũng gián tiếp tham gia vào thị trường phân phối nội địa.

Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam (hiện chủ yếu do Petrolimex và PV Oil nắm giữ) thì cách đầu tiên phải tính đến là  mua cổ phần của BSR hoặc PV Oil.

Song quyền phân phối hay xuất, nhập khẩu xăng dầu giành được theo cách nêu trên mới chỉ là giấy thông hành bước đầu. Để chia sẻ thị phần với Petrolimex hay PV Oil, còn một chặng đường rất dài sau đó mà các nhà đầu tư nước ngoài phải trải qua. Chẳng hạn, đầu tư mở rộng mạng lưới, “bước qua” quy hoạch về cửa hàng xăng dầu (phù hợp về kinh tế - phát triển của từng địa phương) do UBND các địa phương quyết định mà hầu hết các quy định về cấp phép lại không rõ ràng...

Nhưng dù sao, với các quyết định thoái mạnh vốn nhà nước tại PV Oil và BSR, thị trường phân phối xăng dầu tại Việt Nam chính thức bước sang một giai đoạn mới, với khả năng tham gia của các nhà đầu tư ngoại.

Ngọc Lan

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Vẫn là chuyện cơ chế giám sát DNNN (24/12/2017)

>   Nhà máy nợ chồng nợ, sếp xây biệt phủ sai phép (25/12/2017)

>   VNPT có khả năng mất vốn vài trăm tỉ đồng (23/12/2017)

>   Các hãng hàng không Việt mua sắm máy bay ra sao năm 2017? (23/12/2017)

>   Phát lệnh truy nã Vũ 'nhôm' vì tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước (22/12/2017)

>   Nhà máy soda 2.300 tỉ nguy cơ thành sắt vụn (22/12/2017)

>   Ô tô ngoại nhập về Việt Nam bất ngờ tăng đột biến (22/12/2017)

>   Xuất khẩu cá tra: khi thế chân kiềng bị “lung lay” (22/12/2017)

>   Bất thường thương vụ mua bán xác tàu đắm tại Việt Nam (22/12/2017)

>   Người nước ngoài 'được' đóng BHXH là tự nguyện hay bắt buộc? (21/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật