Vẫn là chuyện cơ chế giám sát DNNN
Đã có thêm nhiều cựu lãnh đạo của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước bị khởi tố và bắt tạm giam vì những sai phạm và thiệt hại rất lớn mà họ gây ra trong những năm còn nắm quyền quyết định về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Lạm dụng quyền lực để làm bậy thì phải trả giá, đó lã lẽ công bằng. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao những quyết định mà giờ đây được xác định rõ là sai trái đó lại không thể được ngăn chặn sớm, dù đã được công khai hầu hết trên các phương tiện truyền thông gần như ngay lập tức sau khi nó được công bố, bất chấp một thực tế là có không ít cơ quan đã được trao quyền quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Rõ ràng việc giám sát, kiểm tra và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước lâu nay không có hiệu quả. Đó có thể là do cơ chế không phù hợp với thực tế, hoặc những cơ quan được trao quyền không làm tròn chức trách. Nhưng cũng không loại trừ khả năng cơ chế đó hoặc những cơ quan được trao quyền quản lý đó đã bị vô hiệu hóa.
Trong kinh doanh, việc bị thua lỗ mất hết vốn liếng là chuyện có thể xảy ra với bất kỳ doanh nghiệp nào. Ở khu vực tư nhân, thiệt hại thường đến do rủi ro hoặc sai lầm trong kinh doanh, bởi mọi quyết định quan trọng đưa ra đều đã được cân nhắc bởi những người chủ thực sự của doanh nghiệp cùng với cơ chế giám sát nội bộ thực chất và hiệu quả. Nhưng với doanh nghiệp nhà nước, thiệt hại trong kinh doanh không phải lúc nào cũng do rủi ro và sai lầm. Khi mọi quyền định đoạt nằm hết trong tay của một hay một số người đứng đầu - những người làm thuê cho Nhà nước, còn hoạt động giám sát nội bộ phần nhiều chỉ mang tính hình thức, ai dám chắc các quyết định được đưa ra không bị chi phối bởi lợi ích của cá nhân hay một nhóm nào đó.
Nắm quyền định đoạt đến 50% giá trị tài sản của doanh nghiệp, nhưng quyền chủ động đó lại không đi kèm với cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả, nên mức độ thiệt hại từ những quyết định sai trái của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là vô cùng lớn. |
Có thể nói, cái giá mà tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Cao su và nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước khác đã và đang phải trả hiện nay là kết cục mà nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo từ nhiều năm trước.
Cách nay hơn 10 năm, khi cơn sốt đầu tư, kinh doanh đa ngành bắt đầu hình thành ở nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, không ít chuyên gia cả ở trong và ngoài nước đã lên tiếng can ngăn và cảnh báo về nguy cơ sẽ sa lầy. Nhiều cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức để mổ xẻ xu hướng nguy hiểm này, nhưng nỗ lực của các chuyên gia kinh tế không đủ để ngăn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lao vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... như con thiêu thân.
Điều đáng nói là các quyết định kinh doanh, đầu tư nặng tính liều lĩnh của nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước dường như được tiếp sức thêm bởi những thay đổi về cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước nhằm cởi trói và tăng sự chủ động và năng động cho doanh nghiệp.
Trong những thập niên đầu sau đổi mới, hầu như mọi quyết định đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đều phải trải qua quy trình xét duyệt phức tạp. Đó là cơ chế trói chân trói tay doanh nghiệp. Nhưng cơ chế quản lý tài chính được Chính phủ ban hành vào năm 2001 trao cho hội đồng quản trị quyền chuyển nhượng, bán tài sản, quyết định đầu tư dự án có quy mô bằng tới 50% giá trị tài sản của doanh nghiệp và giám đốc có quyền tương tự lên đến 30% giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp nắm trong tay giá trị tài sản khổng lồ của Nhà nước như các tập đoàn, tổng công ty, quyền định đoạt đến 50% giá trị tài sản của doanh nghiệp là vô cùng lớn. Nhưng quyền chủ động đó lại không đi kèm với cơ chế giám sát, kiểm soát một cách có hiệu quả, nên thiệt hại từ những quyết định sai trái của những lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra cho đất nước cũng vô cùng lớn.
Tấn Đức
THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
|