Thứ Sáu, 22/12/2017 16:31

Xuất khẩu cá tra: khi thế chân kiềng bị “lung lay”

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là hai thị trường lớn, giúp duy trì ổn định ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong một thời gian dài. Sau đó, có thêm thị trường Trung Quốc - Hồng Kông. Thế nhưng, trước sự lớn mạnh không ngừng của thị trường Trung Quốc - Hồng Kông và dấu hiệu “đuối sức” của thị trường EU, Mỹ, có khả năng thế chân kiềng đó không còn bền vững, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ cho cả ngành cá tra.

Sẽ ra sao nếu mất thị trường EU và Mỹ?

Khi đi sâu vào từng thị trường xuất khẩu cá tra lớn, sẽ thấy cơ cấu tỷ trọng đang có sự thay đổi, nguy cơ rạn nứt của ngành cũng từ đó mà lộ diện. Ảnh: TRUNG CHÁNH

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), dự báo cả năm 2017 xuất khẩu cá tra Việt Nam có khả năng đạt 1,75-1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 50-100 triệu đô la Mỹ so với năm trước. Còn thực tế, lũy kế đến hết tháng 10-2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 1,45 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào từng thị trường, sẽ thấy cơ cấu tỷ trọng đang có sự thay đổi, nguy cơ rạn nứt của ngành cũng từ đó mà lộ diện.

Cụ thể, vào thời điểm năm 2011, thị trường EU và Mỹ lần lượt chiếm 29,14% và 18,37% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và lúc bấy giờ thị phần của Trung Quốc - Hồng Kông chỉ có 3,07%. Đến năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu lần lượt của ba thị trường là EU 18,22%, Mỹ 20,16% và Trung Quốc - Hồng Kông 10,3%. Bước sang năm 2016, ba con số này lần lượt là 15,2%, 22,6% và 17,8%.

Tuy nhiên, 10 tháng đầu năm 2017, cơ cấu của ba thị trường này có sự thay đổi theo hướng tỷ trọng của EU giảm tiếp, chỉ còn 12% và Mỹ giảm trở lại còn 20%, trong khi Trung Quốc - Hồng Kông tăng mạnh lên và dẫn đầu với 23%.

Như vậy, nếu tính từ năm 2011 đến 10 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang EU đã giảm 17,14 điểm phần trăm; sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng 19,93 điểm phần trăm và sang Mỹ vẫn còn cao hơn thời điểm 2011 là 1,6 điểm phần trăm nhưng so với năm 2016 thì đã giảm 2,6 điểm phần trăm.

Sự tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông là do họ tin sản phẩm cá tra của ta được quản trị chất lượng tốt thông qua “thành tích” xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ.

Sự tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông là do họ tin sản phẩm cá tra của ta được quản trị chất lượng tốt thông qua “thành tích” xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ.

Ông Võ Hùng Dũng đánh giá thị trường Trung Quốc - Hồng Kông sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng “điều này không phải không có lo lắng”. Bởi lẽ, theo ông, sự tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông là do họ tin sản phẩm cá tra của ta được quản trị chất lượng tốt thông qua “thành tích” xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ.

Vì vậy, ông Dũng lo một khi mất thị trường Mỹ và EU thì thị trường Trung Quốc - Hồng Kông cũng mất theo. “Chúng ta đừng nghĩ đơn giản là có thị trường thay thế, mà người ta đang có tâm lý chúng ta quản trị tốt và được giám sát chặt chẽ bởi các nhà nhập khẩu của EU, Mỹ nên mới mua”, ông Dũng nói.

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Dũng, đó là EU và Mỹ là hai thị trường tạo sự cân bằng, là đối trọng trong xuất khẩu của ngành cá tra Việt Nam. “Khi anh có 3-4 khách hàng chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành, thì nó khác xa với câu chuyện một khách hàng chiếm đến 40-50% và trường hợp đó là một sự rất đáng lo ngại”, ông cảnh báo.

Đâu là nguyên nhân?

Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong xu hướng mới” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ mới đây, ông Jean Charles Diener, Giám đốc OFCO và là chuyên gia tư vấn chiến lược thủy sản vào EU cho biết, thời điểm năm 2000-2001, ở Tây Ban Nha không ai mua cá tra vì họ quen tiêu thụ những loài cá nước mặn bản địa. “Nhưng, khi họ bắt đầu tiêu thụ được, thì sự gia tăng thị phần rất đáng kinh ngạc vì tính thay thế cá nước mặn và tính chấp nhận của người tiêu dùng cao”, ông cho biết. Khi đó các nhà xuất khẩu Việt Nam sẵn sàng bán cho bất cứ khách hàng nào với bất cứ giá nào. “Chính vì sự cạnh tranh này của cá tra với các loại cá bản địa của Tây Ban Nha nên họ mới có chiến dịch truyền thông làm xấu hình ảnh cá tra”, ông giải thích.

Một nguyên nhân khác, theo ông Jean Charles Diener, cá tra là loại cá dễ nuôi, giá thành sản xuất rẻ, không giống như cá hồi phải tốn nhiều chi phí, cho nên, khả năng cạnh tranh của cá tra tốt hơn hẳn so với các loại cá ở những thị trường Việt Nam xuất khẩu vào. “Nên để phản kháng lại sức cạnh tranh đó, một số cuộc vận động hành lang nhằm áp thuế cá tra hay dựng các rào cản kỹ thuật đã xảy ra như trường hợp ở Mỹ và thực tế vấn đề tương tự cũng được áp dụng ở nhiều quốc gia khác”, ông dẫn chứng.

Tuy nhiên, thay vì có một chiến lược tiếp thị đúng, Việt Nam đã chọn cách ứng phó với thuế chống bán phá giá hay rào cản kỹ thuật bằng cách tiếp tục giảm giá bán. Điều này, theo lời một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản (không muốn nêu tên) khi trao đổi với TBKTSG, khiến cho giá cá tra xuất khẩu giảm từ trên 4 đô la Mỹ/ki lô gam cách đây khoảng chục năm xuống còn chỉ trên dưới 2 đô la Mỹ/ki lô gam như hiện nay.

Theo doanh nghiệp nói trên, cách thức được không ít doanh nghiệp áp dụng để “bù trừ” trở lại là tăng tỷ lệ mạ băng trên sản phẩm và sử dụng phụ gia quay tăng trọng trong quá trình chế biến cá phi lê xuất khẩu. Điều này, theo ông Jean Charles Diener, càng khiến thị trường nhập khẩu “quay lưng” với sản phẩm cá tra Việt Nam. “Khi nhìn sản phẩm tiêu chuẩn xuất khẩu từ Việt Nam thì nó rất đẹp, nhưng nếu bỏ phần mạ băng, thì một ki lô gam cá còn lại 600 gam và nếu xét đến phần xử lý tăng trọng nữa, thì một ki lô gam cá chỉ còn 400 gam thôi”, ông dẫn chứng và nêu câu hỏi: “Chúng ta không tôn trọng sản phẩm của chính chúng ta và thị trường, thì chuyện mất thị trường làm sao tránh khỏi?”.

Theo ông Jean Charles Diener, vấn đề ở trên thể hiện một chiến lược bán hàng sai lầm, ứng phó mang tính tình thế khi các nhà xuất khẩu của Việt Nam gặp phải, chứ không phải do ý muốn của người mua. “Hầu hết các nhà nhập khẩu đều không hài lòng với giá rẻ và chất lượng thấp của cá tra. Họ sẵn sàng trả thêm 1 đô la Mỹ, nhưng giảm đi rắc rối phải nhận”, ông cho biết. “Nhiều nhà nhập khẩu cá tra nói họ rất vui nếu một ngày nào đó cá tra biến mất. Làm sao họ kiếm được lợi nhuận khi mua cá tra với giá 1,2-1,4 đô la Mỹ/ki lô gam, trong khi những vấn đề về vận tải, kho vận chiếm chi phí lớn của họ”, ông dẫn chứng.

Trong bối cảnh như vậy, ông Jean Charles Diener cho rằng cần thay đổi chiến lược bán hàng và phải khôi phục lại hình ảnh cá tra. “Chính phủ cần hỗ trợ hiệp hội và tổ chức kinh doanh trong khôi phục hình ảnh; phải đưa ra giá sàn xuất khẩu tối thiểu; 20 nhà xuất khẩu lớn nhất cùng ngồi lại, cùng bàn bạc để làm thế nào giải quyết được vấn đề này”, ông gợi ý.

Ông Jean Charles Diener cho rằng cần phải hiểu và tôn trọng thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu vào; nâng cao chất lượng về mặt dinh dưỡng của sản phẩm, tức không thể sản xuất theo hướng lạm dụng mạ băng và quay tăng trọng như hiện nay được nữa. “Hiện tại, chúng ta không có nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm (sản phẩm trả về), nhưng có nhiều việc phải làm về giá trị hàm lượng dinh dưỡng và trước khi tăng điều này thì cần giảm được lượng nước trong miếng phi lê”, ông nói.

Một vấn đề khác cũng được ông Jean Charles Diener lưu ý, đó là thời gian qua, có một số tổ chức, đơn vị chứng nhận ở các thị trường nhập khẩu đã lợi dụng sự “hỗn loạn” của thị trường để yêu cầu làm các chứng nhận chất lượng với chi phí rất cao, nhưng không giúp được gì nhiều cho sản phẩm. “Vì vậy, chúng ta cần khôn ngoan lựa chọn đơn vị cấp chứng nhận, thậm chí cần thiết phải đặt vấn đề chúng ta phải được một số lợi ích. Chẳng hạn, họ phải giúp chúng ta tăng giá bán, tăng hình ảnh, tăng thị phần... chứ không phải như bây giờ, không được gì từ họ cả”, ông đề xuất.

Trung Chánh

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Bất thường thương vụ mua bán xác tàu đắm tại Việt Nam (22/12/2017)

>   Người nước ngoài 'được' đóng BHXH là tự nguyện hay bắt buộc? (21/12/2017)

>   Thương mại Việt - Hàn hướng tới mốc 100 tỷ USD năm 2020 (21/12/2017)

>   Khám xét nhà ông Vũ 'nhôm' (21/12/2017)

>   Nhìn lại những sự kiện 'gây sóng' dư luận ngành tài chính năm 2017 (21/12/2017)

>   Ông Đinh La Thăng đã gọi điện "dàn xếp" trốn trách nhiệm thế nào? (21/12/2017)

>   Bán hàng online: Độc chiêu trốn thuế (21/12/2017)

>   Mượn ngoại lực để cải cách bên trong (21/12/2017)

>   Toàn cảnh bức tranh thưởng Tết 2018 (20/12/2017)

>   Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng (20/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật