Mượn ngoại lực để cải cách bên trong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đứng trước hội nhập, cần coi đây là cơ hội, động lực mạnh mẽ để cải cách tình hình trong nước.
Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 tổ chức sáng 20-12 tại Hà Nội đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện hội nhập kinh tế.
Không biến thành điểm trung gian
Cho ý kiến thảo luận, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - nhìn nhận Việt Nam hội nhập quốc tế nhưng cũng phải đồng thời chăm lo cho thị trường trong nước. Đây là thông điệp hết sức quan trọng, không thể bỏ qua, bởi lẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phụ thuộc rất lớn vào diễn biến kinh tế, chính trị thế giới và có thể đảo chiều nhanh chóng.
Nhiều rào cản từ môi trường kinh doanh đã gây khó khăn cho doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH.
|
"FDI năm 2017 tăng 5% so với năm 2016 và có thể tăng tiếp trong giai đoạn tới, cho thấy Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi rất nhiều từ quá trình này. Đầu tư nước ngoài là quan trọng nhưng đóng góp như thế nào cho nền kinh tế còn quan trọng hơn" - TS Vũ Thành Tự Anh chỉ ra.
TS Tự Anh cũng thẳng thắn đặt vấn đề Việt Nam gần như tham gia tất cả làn sóng của nền kinh tế, tuy nhiên nhìn lại, chúng ta được lợi gì? Ngành điện tử Việt Nam có 2 nhà đầu tư trọng điểm là Samsung và Intel nhưng trong số các nhà cung ứng thì nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 lại không có Việt Nam mà đa số là doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Quá trình hội nhập không nên biến mình thành điểm trung gian để các DN FDI xuất khẩu nhờ. "Hội nhập cần đi đôi với nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao mức sống của người dân. Điều này chúng ta đã làm rồi nhưng có thể làm tốt hơn nhiều" - ông Tự Anh lưu ý.
Về giải pháp, TS Tự Anh nhấn mạnh thu hút đầu tư nước ngoài phải có chọn lọc trong dài hạn. Đồng thời, tìm mọi cách để gia nhập chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Cùng đó, tận dụng các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới để nâng cao mặt bằng trình độ, cải cách thể chế trong nước.
"Quan trọng hơn cả là cải cách trong nước. Mượn ngoại lực thì chúng ta có thể đi được một quãng đường. Nhưng cuối cùng, vẫn phải dựa vào nội lực, tiềm năng và sức sống, sức sáng tạo của người dân và DN Việt. Nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, chúng ta không bảo vệ được thị trường trong nước, chúng ta cứ hăm hở xuất khẩu, còn thị trường trong nước lại bị DN nước ngoài chiếm lĩnh thì không ổn" - TS Tự Anh phân tích.
Vươn lên từ nội lực
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đánh giá nền kinh tế không thu hút được FDI thì rất "tệ" nhưng FDI vào cũng gây ra rất nhiều vấn đề và chúng ta đang đứng trước thế "tiến thoái lưỡng nan". Ông cho rằng có 3 nhóm rào cản đối với DN là từ thế giới thông qua hàng rào phi thuế quan, từ nội tại DN và cuối cùng là rào cản từ môi trường kinh doanh. "Từ đó, đặt vấn đề cải cách thể chế môi trường kinh doanh, thay đổi thái độ của cơ quan nhà nước, làm sao hiểu DN nhiều hơn, giải quyết vấn đề nội tại của họ thì mới vượt qua được rào cản bên ngoài để tận dụng cơ hội trong hội nhập" - ông Cung nói.
Theo Viện trưởng CIEM, trong các rào cản, điểm nghẽn khó nhất chính là từ nội tại của DN. DN Việt thường không có chiến lược dài hạn, không chú ý phát triển đầu tư nguồn nhân lực, áp dụng khoa học - công nghệ, sản xuất tiên tiến, không chú ý kêu gọi vốn đầu tư dài hạn cũng như xây dựng niềm tin với thị trường, đối tác. "DN có thiên hướng lách luật. Lối kinh doanh này không đáp ứng được trong hội nhập mà còn không giúp ích được gì cho sự phát triển của DN, gây hại cho môi trường kinh doanh" - ông Cung cảnh báo.
Theo kết quả điều tra của CIEM, DN Việt dù "hứng khởi" trước các hiệp định thương mại nhưng lại ít chuẩn bị cho cuộc hội nhập. 63% DN không có bất cứ sự chuẩn bị nào và số DN có sự chuẩn bị đầy đủ cực kỳ ít, chỉ 0,071%. "DN thiếu thông tin, nhân lực và không biết phải làm gì để tận dụng cơ hội từ hiệp định" - ông Cung nêu thực trạng.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận hội nhập là một trong những động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục trong giai đoạn 1997-2017. GDP đã tăng gấp 8 lần, từ 27 tỉ USD năm 1997 lên đến ước đạt trên 220 tỉ USD năm 2017. Phấn đấu đến năm 2020, quy mô nền kinh tế đạt 300 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, hội nhập cũng làm bộc lộ những điểm yếu, những bất cập của nền kinh tế. Đó là đổi mới trong nước chưa bắt kịp với hội nhập kinh tế quốc tế, khả năng tận dụng các cơ hội từ các FTA của DN còn thấp… Do đó, đứng trước hội nhập, cần coi đây là cơ hội, động lực mạnh mẽ để cải cách tình hình trong nước. Hay nói cách khác là "dùng bên ngoài để cải cách bên trong".
Khó phát triển nếu bò ngang như cua
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta phải có nhận thức tốt hơn, nếu cứ trì trệ mãi sẽ khó phát triển đất nước. Bộ máy không đều, kẻ đẩy người kéo như cua cứ bò ngang là khó phát triển. Những rào cản thủ tục, chi phí không cần thiết phải được xóa bỏ. Tiến trình hội nhập nói chung cần phải có quyết tâm chính trị cao, với sự sáng tạo nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Không làm hoặc làm nửa vời thì sẽ thất bại.
Phương Nhung
NLD
|