PMI Việt Nam: Sản lượng ngành sản xuất đình trệ, kết thúc thời kỳ tăng trưởng dài 12 tháng
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã giảm từ mức 51.6 điểm trong tháng 10 xuống 51.4 điểm trong tháng 11. Mặc dù tiếp tục báo hiệu tình trạng cải thiện sức khỏe của lĩnh vực sản xuất, tốc độ cải thiện của các điều kiện kinh doanh là yếu nhất kể từ tháng 3/2016.
Tốc độ cải thiện điều kiện kinh doanh ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục chậm lại trong tháng 11. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại, trong khi sản xuất thì đình trệ. Tuy nhiên, tốc độ tạo việc làm vẫn cao, và các công ty vẫn lạc quan về tăng trưởng sản lượng trong năm tới.
Trong khi đó, có những báo cáo cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu ảnh hưởng đến hoạt động. Tình trạng này làm kéo dài thời gian giao hàng đầu vào và giảm tồn kho hàng mua, trong khi đây cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến đình trệ sản xuất.
Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11 đã chậm lại tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ tăng của cả số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể và tổng số lượng đơn đặt hàng mới đều chậm lại. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trong suốt hai năm qua.
Trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, mức tăng yếu hơn đã dẫn đến sản lượng của các nhà sản xuất hầu như không thay đổi. Tình trạng đình trệ đã kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài 12 tháng. Có một số báo cáo cho biết tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đã kìm hãm sản xuất. Với sản lượng hầu như không thay đổi, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm tháng thứ năm liên tiếp.
Các công ty vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới, với những dự báo tích cực mà chủ yếu là dự báo tăng số lượng đơn đặt hàng mới.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11 trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng. Chi phí đầu vào tăng đã khiến các công ty phải tăng giá bán hàng, và đây là tháng thứ ba liên tiếp giá bán hàng tăng.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định "cho đến thời điểm này, quý cuối cùng của năm 2017 có phần thất vọng đối với lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Sau khi tăng trưởng chậm lại trong tháng 10, vẫn có những dấu hiệu suy yếu trong tháng 11 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng yếu hơn và sản lượng bị đình trệ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tiếp tục tăng mạnh số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng và điều này cho thấy tình trạng trì trệ hiện nay dự kiến chỉ là tạm thời".
Anh Đức
FiLi
|