Thứ Năm, 16/11/2017 13:28

Phó Thủ tướng: Chính phủ nói không với xin nâng trần nợ công

Sáng 16/11, tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chính phủ nói không với việc xin nâng trần nợ công". Theo đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, quản lý bảo đảm an toàn nợ công, bảo đảm vốn cho đầu tư phát triển...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay nợ công ở mức 62.6% dưới mức trần cho phép của Quốc hội (65%), trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51.8%, tỷ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%.

Nhận thức được tầm quan trọng của nợ công, Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ lớn và cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn nợ công là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016- 2020.

Trong giai đoạn này, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn.Ảnh VGP/Nhật Bắc

“Nhiều thành viên của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng cho biết.

Để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với quản lý an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 07 về vấn đề này. Chính phủ cũng trình Quốc hội kế hoạch về đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính công trung hạn. Trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51 về Chương trình hành động thực hiện chủ trương với giải pháp đặt trong đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số giải pháp Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới như: Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính với chính sách tiền tệ; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện chính sách thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế, điều chỉnh một số khoản thu nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo nguồn thu hợp lý, lâu dài...

Nợ công không xấu, đầu tư không hiệu quả là vô cùng xấu

Về hiệu quả đầu tư công, đồng tình với nhận định của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn rằng: “Nợ công không xấu, đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì chúng ta phải trả nợ kép (tiền gốc và tiền lãi), bên cạnh đó phải trả bù lỗ doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu hiệu quả đầu tư công.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tài chính đang triển khai các nhiệm vụ, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua đã cơ cấu nợ công theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài là 60%, vay trong nước là 40%, thì nay vay trong nước là 60%, vay nước ngoài 39%. Vay trong nước có kỳ hạn cao 2 lần, lãi suất giảm một nửa, danh mục trái phiếu tăng 6.7%/năm. Vay trong nước góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Thái Hương

Fili

Các tin tức khác

>   Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chuyển ròng 2,5 tỷ USD (15/11/2017)

>   Từ 1/7/2018 tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu (13/11/2017)

>   Thủ tướng đến Philippines, bắt đầu tham dự ASEAN-31 (13/11/2017)

>   Nói thêm về cách tính GDP (10/11/2017)

>   Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 (10/11/2017)

>   Thống đốc: NHNN không bị áp lực lên tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (07/11/2017)

>   Đằng sau “đỉnh tăng trưởng” là gì? (06/11/2017)

>   8 điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (04/11/2017)

>   Đàm phán về TPP giữa 11 nước đã gần đi đến đích cuối cùng (03/11/2017)

>   Thủ tướng: Vì sao giải ngân chậm mà tăng trưởng cao? (03/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật