Thống đốc: NHNN không bị áp lực lên tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không bị áp lực nào gây sức ép lên tốc độ tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngành ngân hàng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tổng mức tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng.
Sáng ngày 6/11/2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) – bà Victoria Kwakwa tại trụ sở NHNN.
Chia sẻ thông tin với bà Victoria Kwakwa tình hình kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ, tái cơ cấu ngành ngân hàng, Thống đốc khẳng định, nhìn chung, kết quả phát triển kinh tế của 10 tháng đầu năm vừa qua hết sức ấn tượng: công nghiệp chế tạo, xuất khẩu tăng mạnh, hoạt động nông nghiệp khởi sắc, thủy sản và nông sản có bước tiến đáng kể.
Bên cạnh vấn đề tăng trưởng xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước phát triển mạnh. Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, mức tăng trưởng 6.7% theo kế hoạch Quốc hội đặt ra trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được trong bối cảnh Chính phủ kiên định kiểm soát ổn định vĩ mô. NHNN nỗ lực kiểm soát lạm phát 2017 ở mức dưới 4%. Thống đốc nhấn mạnh, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua không dựa vào khai khoáng, bởi sản lượng dầu thô giảm nhiều so với năm 2015, 2016.
Về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc cho biết NHNN không bị áp lực nào gây sức ép lên tốc độ tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngành ngân hàng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tổng mức tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng. “Năm nay, chất lượng tín dụng được củng cố, kiểm soát chặt chẽ ở các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là tín dụng bất động sản, chiếm khoảng 8% tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ khoảng 10%. Quan điểm Chính phủ và NHNN luôn nhất quán: tăng trưởng nhưng phải đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu – cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu. Theo Thống đốc, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu là một công cụ pháp lý rất quan trọng, có hiệu quả để hệ thống ngân hàng đẩy nhanh được tiến độ xử lý các khoản nợ. Tại kỳ họp này, NHNN đang trình lên Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. NHNN đã bổ sung các quy định để đảm bảo các ngân hàng hoạt động minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. NHNN cũng đã đề nghị với Quốc hội bổ sung cơ chế, chính sách xử lý các ngân hàng yếu kém và hy vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, từ 1/7/2017 chính thức tốt nghiệp IDA, tuy nhiên, các khoản vay mà NHNN cam kết cùng với bộ ngành đang tiến hành thủ tục để ký kết. NHNN hy vọng trên cơ sở chiến lược đối tác quốc gia trong giai đoạn 5 năm tới, bà Phó Chủ tịch sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi trên cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi thành công.
Về phía bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB khẳng định, trong vòng 5-6 năm trở lại đây, NHNN đã làm rất tốt việc góp phần ổn định vĩ mô, lạm phát được kiểm soát rất tốt, quản lý tỷ giá đạt được nhiều thành tựu, dự trữ ngoại hối tăng… Đặc biệt trong đó, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát tốt, nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế rủi ro. Mới đây nhất, IMF đã có những đánh giá rất tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam.
WB cam kết hỗ trợ NHNN và Chính phủ Việt Nam để tạo thuận lợi cho quá trình tốt nghiệp IDA của Việt Nam và Việt Nam cũng được WB đánh giá cao về cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là tăng lên tới 14 bậc. Bà cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua đạt mức 6.4% là rất tốt, rất ấn tượng.
Anh Đức (theo SBV)
FiLi
|