Thanh toán di động đang phổ biến trên thế giới, Việt Nam thì thế nào?
Ông Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết, thanh toán bằng điện thoại di động đã là dịch vụ phổ biến tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với rất nhiều tiềm năng.
* Ngân hàng nào có công nghệ “cà” điện thoại để thanh toán?
Thanh toán di động đóng góp tăng trưởng 2 con số của thanh toán phi tiền mặt toàn cầu
Thanh toán di động (Mobile Payment) đang mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về thương mại điện tử. Hiện nay, các giải pháp thanh toán ứng dụng công nghệ không chạm, mã QR, ví điện tử… đang thực sự phổ biến tại cả các nước phát triển và đang phát triển. Các ứng dụng này đóng góp tích cực đến đến tốc độ tăng trưởng 2 con số của thị trường thanh toán phi tiền mặt toàn cầu. Các tác nhân tham gia cung cấp giải pháp thanh toán cũng ngày càng đa dạng, từ nhà cung cấp truyền thống là các định chế tài chính đến các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung, hay các hãng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, …, tập đoàn viễn thông hoặc mạng lưới các công ty Fintech.
Kenya nổi tiếng với dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động M-PESA, là sản phẩm của nhà mạng lớn nhất Kenya - Safaricom. Dịch vụ ra đời năm 2007, đến nay đã có gần 20 triệu người sử dụng. Đánh giá về M-PESA, CEO Safaricom cho biết : "Đây là hệ thống ngân hàng mà không cần ngân hàng. Bởi người dùng không cần kết nối điện thoại với tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng.”
Đặc điểm thị trường Kenya tại thời điểm sản phẩm này ra đời là phần lớn người dân không có tài khoản ngân hàng, chi nhánh của các nhà băng lại rất ít và càng hiếm ở vùng nông thôn. Trong khi đó, Kenya lại có nhiều lao động ở khu vực thành thị muốn chuyển tiền về cho gia đình ở nông thôn. Họ gặp nhiều khó khăn do vấn đề chi phí và hệ thống ngân hàng. Nhận thấy 8/10 người dân Kenya có điện thoại di động, Safaricom đã tạo ra M-PESA để hỗ trợ họ chuyển/rút tiền thông qua các đại lý hoặc chuyển đến số điện thoại người khác, vay/hoàn trả các khoản vay hay thậm chí gửi tiết kiệm bằng điện thoại.
Tại thị trường Indonesia, dịch vụ thanh toán di động do các ngân hàng và công ty viễn thông cung cấp là phổ biến nhất. Tcash của công ty viễn thông Telkomsel là ví điện tử đo đơn vị viễn thông cung cấp lớn nhất thị trường. Vấn đề của Indonesia là thị trường có quá nhiều giải pháp thanh toán di động. Người tiêu dùng không thể thanh toán tại các cửa hàng khác nhau với cùng một ứng dụng. Quốc gia này có 21 đơn vị vận hành các loại tiền điện tử/ví khác nhau và không thực sự có một cái tên nào thống trị. Đây được đánh giá là điểm tụt hậu của thị trường Indonesia, do đã chấp nhận một lượng quá lớn các giải pháp thanh toán di động.
Năm 2015, Chính phủ Indonesia đã ban hành Luật về Tài chính Vi mô và Ngân hàng không chi nhánh (Branchless Banking and Microfinance). Một số nội dung quan trọng là ngân hàng có thể thuê cá nhân hoặc tổ chức hợp pháp cung cấp các dịch vụ tiết kiệm và cho vay vi mô cho những người không có tài khoản ngân hàng hoặc hay sử dụng tiền mặt; Cho phép xác thực khách hàng với các quy định đơn giản, tối thiểu như giấy chứng minh nhân dân hoặc thư giới thiệu của lãnh đạo cộng đồng. Quy định mới cũng cho phép cung cấp nhiều dịch vụ như tiết kiệm vi mô, tín dụng vi mô, bảo hiểm vi mô, chuyển khoản qua các cửa hàng một dừng (one-stop shop). Hệ thống này cho phép người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ dàng tiếp xúc và sử dụng dịch vụ ngân hàng cho nhu cầu của mình.
Thị trường thanh toán di động của Trung Quốc đang bùng nổ nhờ mã QR. Hai ứng dụng phổ biến nhất tại quốc gia này là Wechat Pay và Alipay. Để kiểm soát chất lượng tăng trưởng của thanh toán qua di động, năm nay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán tham gia Wanglian. Đây là một liên minh thanh toán Internet phi ngân hàng. Mục đích của thay đổi này là để Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiểm soát tất cả các kênh thanh toán với dữ liệu liên quan, nhằm tránh các hành vi đánh cắp tài sản, rửa tiền, đồng thời thiết lập một cơ chế tài chính an toàn cho người dùng. Ngoài ra, với Wanglian, chi phí phòng ngừa rủi ro sẽ giảm xuống với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán có tham gia liên minh. Trong khi đó, các thông tin thị trường sẽ có tính sẵn sàng, minh bạch hơn.
Năm nay, lượng giao dịch qua thiết bị di động tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi sau khi chính phủ khởi động chiến dịch giảm tiền mặt lưu thông trong năm 2016. Để hỗ trợ xu hướng thanh toán dùng thiết bị di động, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã nới lỏng nhiều quy định liên quan tới thanh toán di động, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hình thức này thông qua việc: cho phép cho phép thêm nhiều công ty tham gia thị trường và xây dựng hệ thống thanh toán mới kết nối số chứng minh thư, số điện thoại và tài khoản ngân hàng của người dân. Tổng giá trị giao dịch qua thiết bị di động tăng gấp đôi và thanh toán di động cũng trở thành hình thức có mức tăng trưởng vượt trội so với các phương án còn lại như séc, thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ giải pháp thanh toán di động
Các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, như: mPos, QR Pay, dịch vụ mobile banking, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán không chạm như Samsung Pay…Tuy nhiên, các giải pháp nói trên phần lớn mới xuất hiện trên thị trường và chưa có cái tên nào phổ biến.
Việt Nam đang có nhiều cơ hội giúp thanh toán di động phát triển mạnh mẽ, khi thị trường bán lẻ (đặc biệt là thương mại điện tử) đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và smartphone ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời, sự tham gia của các công ty Fintech cũng làm cho thị trường thanh toán di động trở nên sôi động hơn. Tính tới năm 2016, hơn 30 doanh nghiệp Fintech đã được thành lập tại Việt Nam. 2/3 số này cung cấp các dịch vụ thanh toán di động. Các chuyên gia cũng tin rằng thanh toán di động tiếp tục là điểm sáng trong thị trường fintech Việt Nam năm nay.
Một số hình thức thanh toán di động phổ biến tại Việt Nam trong thời gian qua gồm hệ thống thẻ và POS, thanh toán qua ví điện tử, mobile banking của ngân hàng.
Để giảm giá thành và mang lại sự tiện dụng tại các điểm bán hàng, ngoài các máy POS truyền thống, thị trường đã xuất hiện thêm mPOS - xử lý thanh toán bằng điện thoại thông minh đi kèm với đầu đọc thẻ nhỏ gọn, cơ động, giá thành rẻ. Ở góc độ thẻ thanh toán (thẻ ATM, tín dụng), sự xuất hiện của Samsung Pay cho phép người dùng nhập thông tin thẻ vào một số loại điện thoại Samsung mà không cần xuất trình thẻ khi thanh toán. Nhờ công nghệ NFC, người dùng chỉ cần mở ứng dụng và đưa điện thoại lại gần máy POS thông thường để thanh toán. Đến thời điểm hiện tại, các chủ thẻ ATM nội địa thuộc 7 ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank, Citibank đã có thể sử dụng dịch vụ này. Ưu điểm của các giải pháp thanh toán này là tận dụng được cơ sở hạ tầng và chi phí đã đầu tư của hệ thống thanh toán POS và thẻ.
Bên cạnh đó, thanh toán ví điện tử nở rộ tại thị trường Việt Nam trong khoảng 2-3 năm gần đây. Hầu hết các đơn vị trung gian thanh toán trên thị trường đều đang hướng sang lĩnh vực ví điện tử. Đến tháng 8/2017, 24 công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và 14 công ty đã cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng. Một số cái tên tiêu biểu là MoMo, VTC Pay, Zalo Pay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payoo, Moca…
Ví điện tử cho phép khách hàng dùng tiền trong ví để chi tiêu cho các dịch vụ hàng hóa mà họ cung cấp hoặc hợp tác. Phần lớn ví điện tử được các công ty trung gian thanh toán và công ty bán hàng cung cấp cho khách để thanh toán cho các dịch vụ phát sinh giữa đơn vị cung cấp ví và khách hàng. Ngoài ra, các ví cũng cung cấp dịch vụ thu hộ cho các tổ chức khác, như thu nợ trả góp, bảo hiểm, viễn thông…
Về thanh toán qua các hệ thống mobile banking của ngân hàng, ngoài tính năng chuyển khoản truyền thống trên điện thoại, vài năm gần đây, việc thanh toán trên điện thoại đã phổ biến hơn với dịch vụ chuyền tiền online liên ngân hàng (Chuyển tiền nhanh 24x7). Ngoài ra, một số ngân hàng cũng có sáng tạo trong việc đa dạng hóa dịch vụ, như chuyển tiền qua mạng xã hội (BIDV, Techcombank...).
Trong năm 2017, việc thanh toán trên điện thoại xuất hiện làn sóng mới, nhờ mã QR. Hiện nay, nhiều ngân hàng trong nước đã áp dụng giải pháp thanh toán này cho hàng triệu người dùng mobile banking, như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Indovina, SCB, NCB, TPBank…
Mã QR là hình ảnh chứa các thông tin của hàng hóa dịch vụ cần mua hoặc thông tin tài khoản của người nhận tiền. Ứng dụng mobile banking của các ngân hàng có thể sử dụng camera để đọc và giải nhanh mã này. Khi thanh toán, người dùng không phải chọn màn hình và nhập thông tin. Hệ thống sẽ tự đọc và hiển thị màn hình giao dịch để người dùng xác nhận. Vì vậy, việc thanh toán diễn ra nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, hạn chế nhầm lẫn.
Tính năng thanh toán qua mã QR cũng được bổ sung vào các ví điện tử như VnPay, MoMo, VTC Pay, VIMO, Payoo, Moca, Ngân lượng, Bảo Kim…
Ông Cấn Văn Lực cho biết, khi số thuê bao di động vượt quá dân số, thanh toán di động là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Phát triển tốt dịch vụ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Thói quen dùng tiền mặt, quá nhiều giải pháp thanh toán di động là những trở ngại
Tuy nhiên, thói quen thanh toán bằng tiền mặt, sự xuất hiện của nhiều giải pháp thanh toán di động là những trở ngại cho người tiêu dùng và sự phát triển chung của thị trường.
Người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Phần lớn dân số Việt Nam ở nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn rất lớn và chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ thanh toán. Việc đẩy nhanh thay đổi thói quen thanh toán cần đến chiến lược và sự phối hợp của nhiều bên như cơ quan nhà nước, các định chế tài chính, các công ty Fintech… với trọng tâm là khách hàng.
Bên cạnh đó, thị trường hiện có khá nhiều giải pháp kỹ thuật và nền tảng trung gian thanh toán cho điện thoại. Các yếu tố và giải pháp công nghệ mới như NFC, Cloud, sử dụng API trong các dịch vụ tài chính chưa thực sự phổ biến mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc này dẫn đến quy trình cung cấp dịch vụ thanh toán di động chưa nhanh, chưa tối ưu hóa chi phí và chưa linh hoạt.
Chỉ riêng mã QR đã có nhiều đơn vị khác nhau cung cấp với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau. Do đó, khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, khiến thị trường bị chia cắt và người dùng thấy bất tiện.
Tương tự mã QR, trên thị trường cũng có rất nhiều ví điện tử với các hệ thống thanh toán riêng. Người dùng phải dùng nhiều ví nếu muốn thanh toán bằng ví tại nhiều điểm bán hàng. Người bán hàng muốn chấp nhận thanh toán bằng ví cũng phải kết nối đến nhiều nhà cung cấp ví.
Dù thị trường Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn, chưa có giải pháp thanh toán di động được xem là nổi bật và tạo ra xu thế. Các đơn vị có tiềm năng công nghệ để cung cấp dịch vụ thanh toán di động là công ty viễn thông. Tuy nhiên, họ lại không có chức năng cung cấp dịch vụ thanh toán. Ngược lại, các ngân hàng có giấy phép cung cấp dịch vụ lại gặp khó khăn về nền tảng công nghệ.
Anh Đức
FiLi
|