Thứ Bảy, 04/11/2017 10:47

Chính sách tiền tệ: Nới lỏng nhưng cần thận trọng!

Mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung là nới lỏng nhưng nhà điều hành cần có sự thận trọng nhất định đối với lượng vốn mới bơm ra, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trở lại.

Cần có sự thận trọng nhất định đối với lượng vốn mới bơm ra, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trở lại. Ảnh: THÀNH HOA

Thanh khoản dư thừa do đâu?

Trong suốt quí 3 và những tuần đầu của tháng 10, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhìn chung ở trạng thái khá dồi dào. Diễn biến này có được là do cung tiền đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh hơn so với hai quí trước đó. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng tốc nhanh hơn so với tín dụng trong quí vừa qua. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-9-2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 11,02% so với cuối năm ngoái, tương đương với việc tăng thêm 609.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đạt 9,59% so với cuối năm 2016, phần tăng thêm này tương đương 680.000 tỉ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong suốt năm 2016, tốc độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2 qua từng tháng luôn có xu hướng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng (mức chênh lệch nhỏ nhất là 0,3% tại thời điểm cuối tháng 11-2016 và lớn nhất là 2,69% tại thời điểm cuối tháng 4-2016). Tuy nhiên, diễn biến trong chín tháng đầu năm nay đã cho thấy sự đảo chiều khi tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn so với tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2. Mặc dù vậy, xét riêng trong quí 3 vừa qua, tổng phương tiện thanh toán M2 đã lại có xu hướng tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng (3,9% so với 3,48%). Chính điều này đã giúp cho phần chênh giữa tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 và tăng trưởng tín dụng đạt 71.422 tỉ đồng tại thời điểm 20-9-2017 (mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay) thay cho mức -13.000 tỉ đồng vào thời điểm 20-6-2017.

Triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay đã khả thi hơn rất nhiều. Do đó, NHNN cũng không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá nếu như xuất hiện những tín hiệu sớm về khả năng lạm phát sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát.

Câu hỏi đặt ra là do đâu cung tiền tăng nhanh trở lại trong quí 3? Mặc dù không có đủ số liệu về tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2 và tăng trưởng tín dụng hàng tháng nhưng qua việc theo dõi diễn biến lãi suất liên ngân hàng và sự cải thiện của quỹ dự trữ ngoại hối có thể thấy nhiều khả năng việc mở rộng cung tiền trở lại đã được NHNN thực hiện mạnh trong tháng 8 và tháng 9-2017. Cụ thể, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần đều đã giảm xuống mức rất thấp (0,75-1,25%/năm) trong hai tháng gần đây thay cho mức quanh 3%/năm hồi đầu tháng 7. Ở một khía cạnh khác, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào thời điểm cuối quí 3 đã đạt mức kỷ lục mới 45 tỉ đô la Mỹ, tăng thêm 3 tỉ đô la Mỹ so với thời điểm cuối quí 2-2017 và cao hơn 6 tỉ đô la Mỹ so với thời điểm cuối năm 2016. Như vậy, riêng trong quí 3, ước tính NHNN đã bơm ra một lượng tiền đồng lớn (khoảng 68.000 tỉ đồng) để mua ròng 3 tỉ đô la Mỹ.

Không nhất thiết tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá

Một chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng nhiều khả năng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong quí 4-2017. Tính đến ngày 20-9-2017, tín dụng mới tăng trưởng 11,02% - một con số khá thấp nếu xét tương quan với kỳ vọng và mục tiêu cho cả năm nay. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 21% cả năm thì trong ba tháng cuối năm, tín dụng phải tăng trưởng 10% (tức trung bình 3,3%/tháng), tương đương khoảng 552.000 tỉ đồng sẽ chảy vào nền kinh tế. Để có lượng vốn lớn như vậy, nhà điều hành cũng phải tính toán để có mức cung tiền hợp lý sao cho không khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, thậm chí phải đảm bảo thanh khoản hệ thống dồi dào thì mới tạo điều kiện để các ngân hàng phấn đấu giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đứng trước những áp lực đó, NHNN không có nhiều lựa chọn ngoại trừ việc tiếp tục thực thi nới lỏng cung tiền trong quí 4, có thể thông qua hoạt động bơm tiền đồng để mua ngoại tệ (nếu diễn biến các dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài - FDI, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài - FII và kiều hối thuận lợi). Hoạt động phát hành tín phiếu sẽ tiếp tục diễn ra nhưng khối lượng hút ròng về có thể sẽ thấp hơn khối lượng tiền được bơm ra nhằm đạt mục tiêu tạo thanh khoản dồi dào cho các ngân hàng như phân tích ở trên.

Về lãi suất, khó có khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm trên diện rộng trong quí 4 do đây là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, thanh khoản cũng thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ nên các ngân hàng sẽ không “mạo hiểm” giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không giảm, rất khó để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm, ngoại trừ một số ngân hàng có khả năng cắt giảm chi phí quản lý hành chính hoặc đã “nhẹ gánh” trong trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.

Dự báo trong quí 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tiếp tục xu hướng tăng do một số nguyên nhân như: giá lương thực thực phẩm có thể tăng mạnh do chịu ảnh hưởng của tình hình thiên tai bão lũ, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho những người chưa có bảo hiểm y tế. Dù chỉ số lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá lương thực thực phẩm, xăng dầu, các mặt hàng do Nhà nước quản lý) vẫn ở mức thấp (1,32%) và lạm phát toàn phần năm 2017 được nhận định vẫn trong tầm kiểm soát (khoảng 4-4,5%) nhưng những tín hiệu sớm về khả năng bật tăng nhanh trở lại của CPI cần được NHNN theo dõi chặt chẽ để có quyết định hợp lý về mức độ nới lỏng cung tiền.

Ngoài ra, sau mức tăng cao đột biến trong quí 3 vừa qua (7,46%), triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay của Chính phủ đã khả thi hơn rất nhiều. Nhiệm vụ phải áp dụng tất cả biện pháp nhằm giúp tăng trưởng về đích trong thời điểm hiện tại đã bớt nặng nề hơn so với thời điểm cuối quí 2. Do đó, NHNN cũng không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá nếu như xuất hiện những tín hiệu sớm về khả năng lạm phát sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, không chỉ trong quí 4-2017 mà còn cả trong năm 2018.

Linh Trang

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   TH1: Hàng loạt khoản vay quá hạn tính bằng năm, ngân hàng nào đang mắc kẹt? (08/11/2017)

>   Chủ tịch Dương Công Minh muốn gom tiếp 2 triệu cổ phiếu Sacombank (03/11/2017)

>   NamABank tìm ra chủ nhân Iphone 7 Plus (03/11/2017)

>   Sacombank triển khai gói sản phẩm Combo Boss dành cho lãnh đạo doanh nghiệp (03/11/2017)

>   Cho phép phá sản ngân hàng? (03/11/2017)

>   Tỷ giá trung tâm giảm 15 đồng so với đầu tuần (03/11/2017)

>   HDBank đã phát hành gần 73 triệu cp (03/11/2017)

>   DN sắp hết cửa được vay ngoại tệ (03/11/2017)

>   Tổng tài sản có toàn hệ thống tín dụng vượt 9.25 triệu tỷ đồng sau 8 tháng đầu năm, tăng gần 9% (02/11/2017)

>   Một thành viên HĐQT BIDV từ nhiệm để nghỉ hưu theo chế độ (03/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật