Ngân hàng Việt bắt đầu bội thu nhờ "mùa vàng" bảo hiểm
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu 2017, với tăng trưởng đột biến về nguồn thu dịch vụ quý 3.
Tính toán một cách tương đối, các ngân hàng chỉ cần nhận 1 USD trên mỗi tài khoản khách hàng cá nhân của mình, cũng đã có thể tạo ra doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.
|
Điều đáng chú ý là trong sự đột biến này, thì bảo hiểm chính là một nhân tố mới.
"Mùa vàng"
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của SHB đã đạt hơn 1.330 tỷ đồng, tăng hơn 68,78% so với cùng kỳ 2016. Theo giải trình của SHB, đóng góp lớn cho mức tăng trưởng mạnh trên là các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm Bancassurance.
Ngày 5/10 vừa qua, SHB cũng vừa ký gói độc quyền 15 năm với bảo hiểm Dai-ichi Life. Thực tế đây là sự kiện mang tính đánh dấu, còn cái bắt tay và ghi nhận nguồn thu đã có từ trước, góp phần giải thích cho thu dịch vụ quý 3/2017 của ngân hàng tăng trưởng tới cả chục lần.
Giá trị hợp đồng giữa SHB với Dai-ichi Life không được tiết lộ, song dấu hiệu trong đột biến kết quả kinh doanh nói trên là điểm khởi đầu cho quá trình hợp tác kéo dài tới 15 năm.
Nhưng, SHB cũng chỉ là một trong những ngân hàng thương mại Việt Nam đón "mùa vàng" doanh thu và lãi từ hợp tác kinh doanh bảo hiểm.
Từ đầu 2017 đến nay, thị trường đã ghi nhận nhiều khoản hợp tác tương tự: Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền cho Dai-ichi Life; tương tự là Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với bảo hiểm Manulife; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) với bảo hiểm Aviva; trước nữa Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với Dai-ichi Life…
Những gói hợp tác trên có thời hạn từ 5 năm, phổ biến từ 15-20 năm, mang lại những con số doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
Có một điểm chung là tất cả các gói hợp tác đều không công bố giá trị hợp đồng, song ước tính, các ngân hàng có thể nhận về hoa hồng từ 20-30% phí dịch vụ.
Trao đổi với báo chí bên lề lễ ký hợp tác mới đây, Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cũng gián tiếp gợi mở tiềm năng của kênh này, với ước tính: hợp đồng độc quyền với Manulife sẽ giúp Techcombank đạt trên 10.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 5 năm tới.
Không tiết lộ cụ thể, song lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn đang xúc tiến kế hoạch hợp tác với một hãng bảo hiểm nhân thọ nước ngoài cho biết, đây là xu hướng mới thể hiện rõ trong nguồn thu của một số ngân hàng thương mại Việt Nam từ năm 2017.
Nguồn thu này có thể ước tính tương đối. Bởi theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, các ngân hàng chỉ cần nhận 1 USD trên mỗi tài khoản khách hàng cá nhân của mình, cũng đã có thể tạo ra doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.
Tìm lại thời hoàng kim
Tại Việt Nam, hiện những ngân hàng tham gia các gói hợp tác trên đều đã có tài nguyên từ 1-1,5 triệu tài khoản khách hàng cá nhân, một số trường hợp có từ 3-4 triệu tài khoản. Những khoản thu hàng triệu USD mỗi năm xem ra là có cơ sở.
Vị lãnh đạo trên nhìn nhận: "Đây là ước tính đơn giản, có thể đo đếm hiệu quả của xu hướng hợp tác này. Mỗi USD cho mỗi tài khoản đó đi với quyền lợi được tiếp cận, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ bảo hiểm, khai thác kinh doanh liên quan. Đây cũng là thế mạnh của nhiều ngân hàng Việt Nam, gắn với một thị trường có dân số lớn, thu nhập đầu người đã nâng lên và đặc biệt là tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh những năm gần đây".
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao những năm gần đây, với tốc độ trên 30% mỗi năm. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 20 năm qua, bình quân mỗi năm có tới xấp xỉ 1 triệu hợp đồng khai thác mới ở lĩnh vực này.
Và khai thác, phát triển các sản phẩm nhân thọ qua ngân hàng thương mại đang là một trong những kênh chủ lực.
Về phía các ngân hàng thương mại, nhân tố bảo hiểm đã và đang đánh dấu bằng những đóng góp cụ thể về tăng trưởng thu dịch vụ, trong một năm tìm lại thời hoàng kim lợi nhuận, mà hiện thực đã rõ dần, qua mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2017.
Hoàng Vũ
VnEconomy
|