ACV vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng, sắp trả hơn 1,300 tỷ đồng cổ tức
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) sẽ chia cổ tức bằng tiền năm 2016 vào nửa đầu tháng 12/2017, tỷ lệ thực hiện 6%. Với khoảng 2.17 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ACV dự kiến phải bỏ ra hơn 1,300 tỷ đồng chi trả cổ tức đợt này.
Sau đợt chi trả cổ tức của ACV, Bộ Giao thông Vân tải ước thu về gần 1,250 tỷ đồng.
|
Theo thông báo gần nhất của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM (CNVSD), ACV sẽ chốt quyền nhằm thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2016 vào ngày 10/11/2017 với tỷ lệ thực hiện 6%. Tổng Công ty sẽ tiến hành chi trả vào ngày 12/12/2017.
Được biết, kế hoạch chi trả cổ tức của ACV năm 2016 là 8%, tuy nhiên do mới chỉ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/04/2016 nên tỷ lệ chi trả cổ tức cho giai đoạn từ 01/04 - 31/12/2016 là 6%.
Như vậy, với khoảng 2.17 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ACV dự kiến phải bỏ ra hơn 1,300 tỷ đồng chi trả cổ tức đợt này.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang là cổ đông lớn nhất tại ACV với tỷ lệ nắm giữ gần 95.4% vốn, tương đương hơn 2.07 tỷ cổ phiếu. Như vậy, sau đợt chi trả cổ tức của ACV, Bộ Giao thông Vận tải ước thu về gần 1,250 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tỷ lệ cổ tức được ACV đặt ra cho năm 2017 là 9% trên vốn điều lệ.
Cơ cấu cổ đông tại ACV tính đến 30/09/2017
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý 3 năm 2017
|
Bộ Giao thông Vận tại hiện cũng đang sở hữu 86.16% cổ phần tại Vietnam Airlines. Sau đợt chi trả cổ tức năm 2016 của Vietnam Airlines hồi đầu tháng 10/2017, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhận về 635 tỷ đồng.
Mới đây, cuối tháng 8/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn tại các Bộ, ngành, địa phương trong 3 năm tới. Trong số 406 doanh nghiệp thì Bộ Giao thông vận tải có 7 doanh nghiệp cần thoái vốn trong giai đoạn 2017-2020, trong số này đáng chú ý có Vietnam Airlines. Theo lộ trình, Bộ Giao thông phải thoái 35.16% vốn tại Vietnam Airlines, về mức 51% so với 86.16% hiện tại.
Ngoài Vietnam Airlines, Bộ Giao thông cũng phải thoái vốn tại ACV, tỷ lệ 30.4% trong 2 năm tới. Với tỷ lệ sở hữu hiện tại 95.4%, vốn Nhà nước tại ACV sẽ giảm còn 65% vào năm 2020.
Lợi nhuận vượt kế hoạch năm sau 9 tháng nhờ đồng Yên ít biến động
Quý 3/2017, ACV đạt 3,400 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hoạt động tài chính mang về doanh thu hơn 376 tỷ đồng nhờ khoản lãi tiền gửi lớn, tăng trưởng 66%. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt giảm 56% và 37% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của Tổng công ty trong quý 3 chỉ ở mức 26 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 302 tỷ đồng quý 3/2016 do không lỗ chênh lệch tỷ giá cuối kỳ và không phải trích lập dự phòng tài chính.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của ACV tăng vọt 55% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,250 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty ghi nhận 10,323 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương 77% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 3,885 tỷ đồng, vượt gần 6% chỉ tiêu năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,960 tỷ đồng.
Được biết, năm 2017, ACV đặt kế hoạch tổng hành khách quốc tế đạt 27 triệu khách, tăng 14% so năm 2016; khách nội địa 64 triệu khách, tăng 12%. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến 1,180 ngàn tấn, tăng 5% so với năm 2016.
Theo đó, tổng doanh thu mục tiêu là 13,293 tỷ đồng (tăng 25%), lợi nhuận trước thuế 3,669 tỷ đồng (tăng 7%); các chỉ tiêu này không bao gồm hoạt động của khu bay. Ngoài ra, kế hoạch đặt ra chưa tính đến ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng Yên Nhật.
Tiền mặt nắm giữ vẫn ở mức cao, đầu tư dài hạn vào công ty liên doanh liên kết tính đến cuối quý 3/2017 tăng mạnh
ACV là một trong những doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn, luôn duy trì ở mức vài ngàn tỷ đồng. Tại thời điểm 30/09/2017, tiền và tương đương tiền của Tổng Công ty đạt khoảng 1,665 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng ngắn hạn chiếm phần lớn (1,659 tỷ đồng). Giá trị khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn của ACV hiện đang dừng ở mức 18,000 tỷ đồng.
Phải thu ngắn khách hàng tăng hơn 43% so với đầu năm, lên mức 6,400 tỷ đồng; trong đó chủ yếu do tăng các khoản phải thu ngắn hạn khác đến từ phải thu Nhà nước, thuế TNDN trả hộ liên quan đến hoạt động khu bay.
Giá gốc khoản nợ xấu của ACV đã giảm khoảng 10 lần so với đầu năm, từ 308 tỷ xuống 30 tỷ đồng nhờ giảm khoản nợ xấu liên quan đến Công ty Liên doanh Cổ phần Nhà Việt. Hiện nợ xấu của Tổng Công ty phần lớn nằm tại các khoản phải thu CTCP Hàng không Mê Kông (Air Mekong) với khoảng 26 tỷ đồng.
Giá trị đầu tư dài hạn vào các công ty liên doanh liên kết đến cuối quý 3/2017 đã tăng lên gần 2,500 tỷ đồng so với con số 931 tỷ đồng thời điểm đầu năm nhờ khoản lãi gia tăng từ các công ty liên doanh, liên kết; lợi nhuận chuyển từ công ty con sang và chênh lệch do đánh giá lại tài sản.
Các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của ACV tại thời điểm 30/09/2017
Được biết, trong năm 2016 và 2017, ACV đã thoái vốn một phần đối với 2 khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) và CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, UPCoM: SGN). Theo đó, các khoản đầu tư này chính thức chuyển từ công ty con trở thành công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu còn lại lần lượt là 49.81% và 48%. ACV đã ghi nhận và trình bày toàn bộ chênh lệch đánh giá lại còn lại của SAS và SGN với số tiền tương ứng là 930 tỷ và 418 tỷ đồng sau khi thoái vốn thành công ty liên kết vào giá trị gốc của các khoản đầu tư này. Ngày 06/07/2017, SGN đã trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tương đương hơn 1.92 triệu cp.
Vay ngắn hạn của ACV hiện dừng ở mức 148 tỷ đồng, đây là khoản vay dài hạn đến hạn trả của Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Vay dài hạn đạt khoảng 14,300 tỷ đồng, đây là khoản vay nợ dài hạn bằng đồng Yên với JBIC có kỳ hạn 40 năm cho các dự án xây dựng nhà ga của Tổng Công ty.
Thu Phong
FiLi
|