Nói thêm về cách tính GDP
Trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, các đại biểu Quốc hội thắc mắc về mức tăng trưởng GDP trong quí 3-2017 mà Tổng cục Thống kê công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phát biểu giải đáp phần nào thắc mắc này. Tuy nhiên, dưới góc độ người quan sát, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận xung quanh cách tính GDP hiện nay, TBKTSG xin giới thiệu bạn đọc.
Số liệu GDP chín tháng theo ngành cho thấy giảm phát của giá trị gia tăng (VA deflator) của ngành giáo dục cao hơn giảm phát GDP (GDP deflator) gấp rưỡi và của ngành y tế cao hơn hơn gấp đôi. Ảnh: THÀNH HOA
|
Nói thêm về cách tính GDP
Tại phiên họp Quốc hội ngày 31-10-2017, trước thắc mắc của đại biểu Quốc hội rằng số liệu tăng trưởng GDP không hợp lý, tăng trưởng giữa các quí lên xuống đột ngột không theo logic thông thường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra lời giải thích về chu kỳ tăng trưởng GDP trong năm. Bộ trưởng khẳng định tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt, tăng giảm trong giữa các quí trong một năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu về kết quả và chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế.
Theo tôi, cách giải thích này là khó hiểu và không hoàn toàn chính xác, gây nên hàng loạt câu hỏi muốn Bộ trưởng giải thích rõ hơn.
Những thắc mắc
Thứ nhất, tính toán tốc độ tăng trưởng GDP quí phải được tính theo giá so sánh bằng cách lấy GDP quí theo giá so sánh của năm sau so với năm trước, hiện nay Tổng cục Thống kê (TCTK) lấy năm cơ bản là năm 2010. Câu hỏi đặt ra là TCTK sử dụng chỉ số giá nào để giảm phát (deflator) GDP quí từ giá thực tế sang giá so sánh và phương pháp giảm phát là gì? Số liệu trong trang web của TCTK cho thấy tăng trưởng giá trị sản xuất và tăng trưởng giá trị gia tăng của các ngành sản xuất vật chất hầu như bằng nhau, có nghĩa là sự thay đổi về giá của sản phẩm đầu ra và chi phí đầu vào là như nhau. Trên thực tế, điều này dường như không bao giờ xảy ra. Cũng số liệu ngay trong trang web của TCTK, nhưng ở phần chỉ số giá, cho thấy chỉ số giá đầu vào và đầu ra là hoàn toàn khác nhau.
Hơn nữa, TCTK lấy chỉ số giá nào? Giá bình quân năm hay chỉ số giá bình quân quí để chuyển GDP về giá năm gốc (2010).
Thứ hai, tăng trưởng chính là sự thay đổi GDP quí của năm sau so với năm trước thì tính mùa vụ hầu như đã bị loại trừ. Năm nào chẳng có Tết âm lịch rơi vào quí 1, nhưng vì sao năm nào cũng giải thích quí 1 tăng trưởng thấp là do có Tết âm lịch?
Thứ ba, tính toán từ số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất ngày càng sụt giảm. Trong 12 năm từ năm 2005-2016 tỷ lệ này giảm gần 15 điểm phần trăm, tức là mỗi năm giảm bình quân hơn một điểm phần trăm. Như vậy, dù do bất kỳ lý do gì thì phần giá trị gia tăng mà Việt Nam được hưởng cũng nhỏ hơn. Năm 2005 nếu làm ra 100 đồng thì phần giá trị gia tăng khoảng 35 đồng nhưng đến năm 2016, nếu làm ra 100 đồng thì phần giá trị gia tăng chỉ có 20 đồng (điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, phần Việt Nam nhận được chỉ là công gia công lắp ráp). Do đó, khi giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến tăng 12,8% (như TCTK thông báo) thì phần giá trị gia tăng không thể tăng cùng với tốc độ tăng của giá trị sản xuất!
Lo ngại
Trong nhóm ngành dịch vụ, những ngành sử dụng tiền ngân sách như quản lý nhà nước, y tế, giáo dục có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế trong cả chín tháng đầu năm 2016 (trên 7% so với 6%) và chín tháng đầu năm 2017 (7,2% so với 6,41%) và xu hướng này cũng là “năm sau cao hơn năm trước”. Như vậy, việc tinh giản biên chế vẫn chỉ là khẩu hiệu và chi ngân sách vẫn tiếp tục phải chịu áp lực nuôi bộ máy khổng lồ. Điều này còn cho thấy tăng chi thường xuyên sẽ làm tăng GDP từ phía cung và phía cầu nhưng nền kinh tế sẽ bất ổn hơn.
Hơn nữa, số liệu GDP chín tháng theo ngành cho thấy giảm phát của giá trị gia tăng (VA deflator) của ngành giáo dục cao hơn giảm phát GDP (GDP deflator) gấp rưỡi và của ngành y tế cao hơn hơn gấp đôi. Thu nhập của người lao động chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị gia tăng hai ngành này. Như vậy mức độ tăng về thu nhập hoặc lợi nhuận của hai ngành này rất cao so với mặt bằng chung. Đối với ngành nào cũng thế, vấn đề là việc phân bổ thu nhập không đều giữa các bộ phận/con người! Phân bổ nguồn lực về vốn và con người đã bị chảy ngược không chỉ trên giác độ vĩ mô mà trong từng ngành!
Và câu hỏi về phương pháp tính GDP
GDP tính từ phía cầu bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình (C), chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ (G), đầu tư/tích lũy gộp tài sản (I) và chênh lệch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (E - M).
GDP từ phía cung bằng tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế sản phẩm. GDP mà Bộ KH&ĐT công bố là GDP tính từ phía cung.
Từ số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy GDP từ phía cung và phía cầu của ba tháng, sáu tháng và chín tháng là hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên, tất cả sự chênh lệch giữa hai phương pháp tính GDP được đưa vào phần gọi là sai số. Nhưng điều quan trọng cần nói là tăng trưởng GDP quí, sáu tháng, chín tháng là hoàn toàn khác nhau.
Bảng dưới đây cho thấy GDP từ phía cầu của quí 1 chỉ tăng trưởng 3,88%, quí 2 tăng 3,21%, quí 3 tăng 4,67% và chín tháng chỉ tăng trưởng 3,93%. Theo ý niệm gốc mà Keynes đưa ra, GDP chính là tổng cầu cuối cùng. Vậy con số tăng trưởng nào là đúng và hợp lý?
Cũng như một con bệnh, giấu đi những bệnh tật của mình càng lâu càng khó chữa. Theo tôi, việc đầu tiên cần làm là minh bạch những con số vĩ mô để phản ánh thực sự nền kinh tế đang ở đâu, trong tình trạng nào, như vậy mới có thể sửa chữa. Việc này cần làm càng sớm càng tốt.
Bùi Trinh
TBKTSG
|