Báo Singapore đánh giá cao sự nghiệp đổi mới của Việt Nam
Đánh giá cao thành công của Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng vừa qua, báo chí khu vực cũng đồng thời đề cao sự phát triển nhanh chóng cũng như những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC chủ trì phiên họp kín trong khuôn khổ Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25. (Ảnh: TTXVN).
|
Tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore điểm lại từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới. Vào thời điểm đó, kinh tế Việt Nam chỉ duy trì mức tăng trưởng 2,79% và thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD/năm.
Chỉ 3 năm sau khi đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,36%. Sau đó, mặc dù xuất hiện dấu hiệu đi xuống, nhưng về tổng thể kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được xu thế phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, đứng đầu tại khu vực Đông Nam Á và chỉ sau Trung Quốc ở phạm vi toàn châu Á.
Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam năm 2007 chỉ ở mức khoảng 30%, nhưng 10 năm sau đã tăng lên 40%. Điều này cho thấy tốc độ đô thị hóa của Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây diễn ra vô cùng nhanh chóng.
Theo tác giả bài báo, với việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Việt Nam đã giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh của một thành phố Đà Nẵng năng động, phát triển và đây cũng chính là hình ảnh Việt Nam thu nhỏ.
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 cũng giới thiệu những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Bài báo nhấn mạnh Đà Nẵng chính là cửa sổ để cộng đồng thế giới tìm hiểu về Việt Nam đồng thời cũng là bức tranh thu nhỏ phản ánh một cách chân thực nhất về những thành tựu đổi mới và mở cửa của Việt Nam.
Tác giả cũng phỏng vấn một Việt kiều có thời gian dài sống tại Mỹ và đã quyết định mở doanh nghiệp để đầu tư làm ăn tại Đà Nẵng. Anh này bày tỏ lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển ngang tầm Singapore cũng như các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, bài viết cũng nhấn mạnh tới khía cạnh khác là Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ nên kinh tế-xã hội phát triển thiếu cân bằng và chưa toàn diện. Đây cũng chính là biểu hiện của thời kỳ tốc độ phát triển diễn ra nhanh chóng nhưng chế độ quản lý xã hội chưa theo kịp.
Thêm vào đó, vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm khác như cơ sở hạ tầng lạc hậu, vấn nạn tham nhũng, hiệu quả lao động thấp và tỷ lệ lạm phát cao...
Kết thúc, bài báo nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và những thành tựu tiến bộ xã hội mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới chính là thành công của quá trình hội nhập khu vực và toàn cầu hóa của Việt Nam.
Đặc biệt, kể từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của các tổ chức lớn như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, APEC năm 1998 và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Vietnamplus
|