Thứ Tư, 22/11/2017 10:32

Tiếp tục có thêm nhiều điểm mới về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Điều kiện và hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vừa được Chính phủ quy định mới tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

 

Theo quy định mới, các DNNN gồm Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty Nhà nước (kể cả ngân hàng thương mại Nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty TNHH MTV độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty TNHH MTV; Công ty TNHH MTV do DN Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là DN cấp 2) thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện sau:

  • Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
  • Còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị DN.

Ngoài ra, một điểm mới đáng chú ý là Nhà nước sẽ không cấp thêm vốn để cổ phần hóa. Cụ thể, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định rõ, các DN sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN theo quy định mà giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả thì thực hiện như sau:

  • Đối với các DN thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo DN phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của DN xây dựng phương án mua bán nợ để tái cơ cấu DN.
  • Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu DN không khả thi và hiệu quả thì chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật;
  • Các DN còn lại, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

Nhà nước theo đó sẽ không cấp thêm vốn để cổ phần hóa, kể cả các DN theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục, phân loại DN Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.

Bổ sung phương thức dựng sổ

Bên cạnh việc quy định rõ có 3 hình thức cổ phần hóa gồm:

(1) Giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có tại DN, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ;

(2) Bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại DN hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ;

(3) Bán toàn bộ vốn Nhà nước hiện có tại DN hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Nghị định này cũng bổ sung thêm phương thức mới là phương thức dựng sổ (Booking building). Được biết, đối tượng áp dụng phương thức dựng sổ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về việc bán cổ phần theo phương thức này.

2017 có đạt chỉ tiêu cổ phần hóa?

Năm 2017, trước sự phục hồi tương đối của thị trường chứng khoán, Chính phủ đã mạnh tay phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu CPH thêm 137 DNNN đến năm 2020, riêng năm 2017 phải hoàn thành tại 44 đơn vị.

Song, theo thông tin từ Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm chỉ có 34 DN được phê duyệt phương án CPH, tương đương 77% chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh xoay quanh công cuộc này, theo đó 23% còn lại (10 DN) trong 3 tháng cuối năm có lẽ cũng là một con số đầy thử thách!

Và để khắc phục những bất cập của CPH DNNN hiện hành cũng như giải pháp để thu hút nhà đầu tư tham gia vào quá trình này, Bộ Tài chính vừa qua đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 về CPH DNNN. Điểm đáng chú ý trong đó là điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với DN CPH.

Cụ thể, dự thảo đã bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài, bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện, như có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế.

Điểm quan trọng là nhà đầu tư phải có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm; không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm; có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực... Nếu không thực hiện các cam kết phải có nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm.

Dự thảo cũng quy định rõ quy trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai. Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các DN thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi CPH.

Đồng thời, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN CPH cũng được nhấn mạnh sau lằng nhằng vụ Hãng phim Truyền hình VFS. Cụ thể, dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất được giao và thuê) công bố, DN CPH có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nhận định về tiến độ CPH DNNN 9 tháng qua, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết việc thực hiện CPH, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra. Với tình hình thực hiện thời gian qua, có thể năm 2017 chỉ hoàn thành CPH 38/44 DN phải CPH theo kế hoạch. Nguyên nhân do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác CPH, thoái vốn.

Bên cạnh đó, DN CPH, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt, nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán Nhà nước trước khi công bố giá trị DN. Cùng với đó, thị trường chứng khoán đã hồi phục song vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư tham gia mua cổ phần DNNN khi thực hiện CPH.

Hiếu Nguyễn

FiLi

Các tin tức khác

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Xuất khẩu Cần Thơ (15/11/2017)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 60 (15/11/2017)

>   Ai sẽ cùng SaiGon Co.op và BĐS Thiên Thanh tiếp quản Quảng trường Quốc tế? (14/11/2017)

>   Đề nghị giá khởi điểm của PVPOWER là 14.400 đồng (13/11/2017)

>   Kéo dài thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu VTVTcab (09/11/2017)

>   Cổ phần DNNN vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược (09/11/2017)

>   HOSE: Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai (08/11/2017)

>   1 cá nhân đã chi hơn 37 tỷ đồng gom 45% vốn Chè Lâm Đồng (08/11/2017)

>   CEO Lọc hóa dầu Bình Sơn: Sẽ hoãn IPO lần nữa, lên kế hoạch bán thêm cổ phần (07/11/2017)

>   IPO gần 3 triệu cp Cao su Công nghiệp, giá khởi điểm 10,500 đồng/cp (06/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật