Thứ Tư, 22/11/2017 15:00

Tăng trưởng kinh tế 2018: Gánh nặng vẫn đặt lên vai chính sách tiền tệ

“Trong năm 2018 chỉ tiêu tăng trưởng GDP sẽ vẫn trong mức 6.5-6.7% với chính sách tài khóa chưa có định hướng rõ ràng gánh nặng vẫn đặt lên chính sách tiền tệ”, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận định tại Diễn đàn CFO Việt Nam 2017 – Tương lai ngành Tài chính tổ chức trong ngày 22/11.

* Luật sửa đổi các TCTD đã có khung pháp lý cho phá sản nhưng vẫn chưa rõ ràng

Dấu hỏi về tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết sau những con số về tăng trưởng GDP thất vọng trong quý 1 và quý 2, GDP đã tăng mạnh lên 7.5% vào quý 3/2017 so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cả năm 2017 chỉ tiêu GDP tăng trưởng 6.7% là nằm trong tầm tay. Ông Nguyễn Xuân Thành cũng nhấn mạnh chưa có năm nào mà GDP cải thiện mạnh trong nửa cuối năm như 2017 này. Mặc dù chưa hết năm nhưng Chính phủ có thể tự tin công bố tất cả các chỉ tiêu đặt ra đều sẽ đạt được kế hoạch.

Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng này vẫn còn một số câu hỏi lớn không dễ giải đáp.

Cụ thể, từ phía sản xuất, tăng trưởng mạnh trong quý 3 theo công bố từ Tổng cục Thống kê chủ yếu đến từ công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ (công nghiệp khai thác đã suy giảm, còn nông nghiệp đã không còn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng). Đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng đầu năm với các ngành gồm thuế – trợ cấp 0.73%, dịch vụ 2.08%, xây dựng 0.47%, điện nước 0.4%, công nghiệp chế biến 2.15%, nông nghiệp 0.43% trong khi công nghiệp khai thác giảm 0.57%.

Xét riêng về mảng chế biến chế tạo tăng 12.8% với tăng trưởng đến từ khối FDI (đứng đầu là điện tử 25.1% nhờ Samsung và kim loại 21.4% nhờ Formosa) chứ không phải các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, các ngành thực phẩm, đồ uống, giày dép, may mặc, nội thất chỉ tăng 5-6.6%. Không kể điện tử và thép, những ngành còn lại chỉ đóng góp 6.5 điểm % vào tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Và để công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12.8%, điện tử và thép phải chiếm đến 37% giá trị gia tăng toàn ngành để mang về kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm như đã công bố.

Một điểm đáng chú ý nữa, lắp ráp điện tử và đặc biệt là thép vốn rất thâm dụng điện. Tuy nhiên theo thống kê, năm 2016 GDP tăng trưởng 5.99% (công nghiệp chế biến, chế tạo 11.22%) thì sản lượng tiêu thụ 11.4% trong khi 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 6.41% (công nghiệp chế biến, chế tạo 12.77%) thì sản lượng tiêu thụ chỉ có 8.3%. Điều gì làm cho trong một thời gian ngắn mà những ngành công nghiệp lại tiết kiệm được nhiều điện mà vẫn phục vụ được cho tăng trưởng công nghiệp và GDP cao? Ngay cả khi điện do Formosa không tính vào sản lượng điện quốc gia thì tốc độ tăng trưởng 8.3% cũng không tương xứng với tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nếu những con số thống kê về tăng trưởng là đúng thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là từ FDI đóng góp giá trị gia tăng rất tốt vào nền kinh tế!

Còn từ phía tổng cầu, tăng trưởng được thúc đẩy bới sức mạnh của cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng 7.3% theo giá cố định trong 9 tháng đầu năm 2017. Còn kim ngạch xuất khẩu tăng 20% (theo USD danh nghĩa), cán cân thương mại có thặng dư.

Bóc tách tăng trưởng từ phía tổng cầu bao gồm 4.78% từ tích lũy tài sản (đầu tư), 8.76% từ tiêu dùng cuối cùng và xuất nhập khẩu giảm 7.13%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cán cân thương mại hàng hóa thặng dư, thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ không gia tăng nhưng tại sao xuất khẩu ròng lại làm giảm tăng trưởng đi nhiều vậy?

Không gian tài khóa hạn hẹp, chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Lạm phát tổng thể tăng vào đầu năm bởi điều chỉnh giá do Nhà nước quản lý nhưng lạm phát cơ bản vẫn thấp với 1.3%. Đồng thời, tỷ giá vẫn ổn định, giải ngân vốn FDI và kiều hối tăng. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không can thiệp thì VNĐ đã lên giá nhưng NHNN đã tăng cường mua vào và nâng mức dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 45-46 tỷ USD (cuối năm 2016 là 39 tỷ USD).

Điều đáng chú ý là mỗi lần đề ra chính sách thắt chặt tài khóa thì cách tính các chỉ tiêu cũng thay đổi. Lạm phát các năm trước được so với cùng kỳ (tức là cuối năm này so với cuối năm trước) thì năm 2017 đổi thành bình quân 12 tháng năm này so với bình quân 12 tháng năm trước (chỉ tiêu lạm phát năm 2016 là 5%, còn năm 2017 là 4% nhưng cách tính khác nhau).

Mặc dù vĩ mô ổn định nhưng lo ngại với Việt Nam trong ngắn và trung hạn là không gian tài khóa lại khá hạn hẹp.

Thâm hụt ngân sách tổng thể thực tế 5 năm qua ở mức trên 6% GDP, nợ công gần tiệm cận trần 65%. Ngân sách đã được thắt chặt hơn trong năm 2017 với tỷ lệ thâm hụt cơ bản (không kể chi trả lãi) được khống chế ở 3.5% GDP (các năm trước tính toán tổng thâm hụt ngân sách thì năm 2017 thâm hụt không tính chi trả lãi của các khoản nợ công).

Với mức tăng trưởng GDP nếu đạt được mục tiêu 6.7% sẽ giúp nợ công giảm xuống 62.6% GDP vào cuối năm 2018 (cuối năm 2016 là 63.6%).

Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Thành, gánh nặng về tăng trưởng trong năm 2017 đặt nhiều lên chính sách tiền tệ. Cụ thể, trước đây vào tháng 7/2017, NHNN đã phải công bố giảm lãi suất điều hành nhưng không thay đổi lãi suất tiền gửi. Trong khi đó chỉ tiêu tín dụng thay vì mức 18% cũng điều chỉnh tăng lên linh hoạt đến 21%.

Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Thành nhận định tăng trưởng tín dụng cao nhưng không đến được với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mà đến từ tín dụng tiêu dùng nhờ sức mua tăng cao. Đối với nhiều ngân hàng, đây cũng là mảng có lợi nhuận nhiều hơn trong khi cho vay SMEs có rủi ro cao và khả năng sinh lời thấp. Do đó nhiều ngân hàng cũng tập trung vào cho vay tiêu dùng hơn, ít chảy vào SMEs và các doanh nghiệp này cũng phải hy sinh cho tăng trưởng.

Năm 2018 gánh nặng vẫn đặt lên chính sách tiền tệ

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nhìn cách điều hành của Chính phủ đánh đổi giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô với chính sách linh hoạt tùy diễn biến trên nền kinh tế. Dự báo chỉ tiêu tăng trưởng GDP vẫn ở mức 6.5-6.7%. Nếu quý đầu năm mức tăng trưởng thấp thì sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên chính sách tài khóa vẫn chưa có định hướng rõ ràng bởi có những quan điểm về không gian tài khóa còn hay không còn, có tăng thuế hay không…? Nếu có quyết tâm chính trị với định hướng không tăng thuế thì sẽ phải khống chế chi ngân sách trong điều kiện nguồn thu hạn hẹp. Còn nếu không thì sẽ chịu ảnh hưởng trong trung và dài hạn do thâm hụt ngân sách cao.

Như vậy đến năm 2018 gánh nặng tăng trưởng kinh tế vẫn đặt lên vai chính sách tiền tệ với mục tiêu giảm lãi suất. Dự báo vẫn chưa có rủi ro lớn lên lạm phát hay tỷ giá. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết sẽ có cơ hội giảm lãi suất vào năm 2018.

Minh Hằng

FiLi

Các tin tức khác

>   Tiếp tục có thêm nhiều điểm mới về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (22/11/2017)

>   Báo Singapore đánh giá cao sự nghiệp đổi mới của Việt Nam (21/11/2017)

>   Thủ tướng trả lời câu hỏi “rất hóc búa” trước Quốc hội (20/11/2017)

>   Những hỏi - đáp ấn tượng của 3 ngày chất vấn (19/11/2017)

>   Thủ tướng: Cải cách hành chính còn "trên nóng, dưới lạnh" (18/11/2017)

>   Phó Thủ tướng: Chính phủ nói không với xin nâng trần nợ công (16/11/2017)

>   Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chuyển ròng 2,5 tỷ USD (15/11/2017)

>   Từ 1/7/2018 tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu (13/11/2017)

>   Thủ tướng đến Philippines, bắt đầu tham dự ASEAN-31 (13/11/2017)

>   Nói thêm về cách tính GDP (10/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật