Chủ Nhật, 10/12/2017 09:42

Đập bể bong bóng biên chế: Trì hoãn đến bao giờ?

Có thể nói chưa bao giờ mà số lượng cán bộ, công chức (CBCC) ở ta lại phình to và nhanh như những năm qua. Điều nghịch lý là tình trạng này lại xảy ra trong thời điểm Đảng, Chính phủ triển khai hàng loạt nghị quyết, quyết sách về tinh giản biên chế. Dân số 92,7 triệu người (2016) thì có 11 triệu người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách. Nền kinh tế non yếu đang phải oằn mình gánh khoản chi thường xuyên 68-69%, có khi lên đến 72% tổng chi ngân sách. Bong bóng biên chế sẽ phải bể. Ta càng trì hoãn, càng nan giải.

 

Câu chuyện từ một phần tư thế kỷ trước

...Đến cuối năm 1990, gia đình ông ấy (hàng xóm của người viết bài này) vẫn được coi là một trong những gia đình đầm ấm, mẫu mực ở xóm. Hai vợ chồng công chức tuổi gần 50 có ba đứa con ngoan dưới một mái nhà nhỏ, ấm cúng. Năm 1992, thực hiện chính sách giảm biên chế, hai vợ chồng ông và người em vợ về cùng một đợt. Từ chỗ là nhân viên trong một cơ quan đầy quyền lực tỉnh T., người vợ tham gia đội quân bán nước giải khát, kẹo lạc...bên lề đường ngay trước cổng cơ quan mình một thời. Ông chồng, vốn là một công chức gương mẫu của khu phố, không đủ can đảm “xuống đường” buôn bán cùng vợ, bắt đầu lấy rượu làm niềm an ủi qua ngày. Người em vợ, sau khi lĩnh chế độ “một cục” như anh chị mình, đã đưa cả gia đình vào Nam để tìm kiếm một cuộc sống mới. Vài năm sau, vợ chồng người đàn ông ấy ly hôn. Chòm xóm cũng quen dần với bóng dáng xiêu vẹo của người đàn ông từng là mẫu mực của họ sau mỗi cơn say hàng ngày. Rồi ông “rổ rá cạp lại” với một người phụ nữ đi làm mướn công nhật... và đã qua đời vì bệnh tật vài năm sau đó.

Đó chỉ là một số phận (không phải phổ biến) trong hàng ngàn CBCC, lực lượng vũ trang đã phải giảm biên chế vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Trong bối cảnh nền kinh tế vô cùng khó khăn, có lúc tưởng như bên bờ vực thẳm kể từ sau chính sách đổi mới (1985), theo Quyết định 176-HĐBT ngày 9-10-1989 về việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh của Hội đồng Bộ trưởng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) ngày 26-11-1990, những con người này đã phải nghỉ việc, chuyển công việc để góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, xây dựng một đội ngũ CBCC tinh gọn hơn. Đến nay, đã hơn một phần tư thế kỷ, nhưng dư âm của những ngày tháng đó không phải đã thực sự lùi vào quên lãng.

...Và chuyện ”khổ lắm nói mãi” của ngày hôm nay

Đầu năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó còn là Phó thủ tướng, đã nhận định “có tới 30% số công chức không có cũng được, làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Dư luận dậy sóng, có những ý kiến còn mạnh dạn hơn khi cho rằng tỷ lệ trên còn “khiêm tốn” bởi con số thực sự phải vào khoảng 50%. Giữa tháng 11-2014, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn rằng 99,54% công chức tại Việt Nam “hoàn thành nhiệm vụ”, 23 bộ ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Nói một cách đời thường thì biên chế là người của Nhà nước, hưởng lương Nhà nước đến trọn đời với những khoản “lộc” đầy hứa hẹn trong tương lai.

Tháng 4-2015, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cũng trong năm này, Bộ Nội vụ đã thông qua đề án tinh giản tối thiểu 15% biên chế giai đoạn 2015-2021. Tuy nhiên, mới hôm 29-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã thông báo sau hai năm thực hiện Nghị quyết 39 của trung ương, lẽ ra phải tinh giản 140.000-150.000 người nhưng số người hưởng lương, phụ cấp lại tăng thêm 96.000! Đồng thời, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng đưa ra những con số thực sự báo động về tình trạng biên chế, bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả hiện nay của Việt Nam.

Đâu là nguyên nhân chính?

Ngày 30-11, tại Hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, Khóa XII, trong bài phát biểu bế mạc Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã cho rằng tình trạng tổ chức bộ máy chính trị cồng kềnh như hiện nay là do “nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ, toàn diện”. Trên thực tế, vấn đề bất cập trong bộ máy đã được Đảng đề cập từ Đại hội VI, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trong khi Đảng, Chính phủ có những chủ trương quyết liệt như vậy nhưng nhiều bộ ngành, địa phương vẫn không thực hiện nghiêm túc?

Trong những kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu đã lên tiếng gay gắt về vấn nạn chạy việc, mua bán chức quyền trong các cơ quan nhà nước. Tuy không đưa ra dẫn chứng cụ thể, nhưng đa số đều thừa nhận không ai dễ dàng chịu mất hàng trăm triệu đồng chỉ để nhận được một công việc với mức lương cơ bản khởi điểm là 1,3 triệu đồng, hệ số 2,34 (với sinh viên tốt nghiệp đại học). Có lẽ, đây chỉ là khởi đầu trong một sổ lương có giá trị suốt đời với những khoản bổng lộc tiềm tàng của mỗi công chức. Ở một số địa phương, với công việc tại nhiều cơ quan nhà nước, từ “xin việc” gần như đã và đang “tuyệt chủng” và được thay thế bởi từ “mua việc”... Năm 2009, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã quả quyết trước Quốc hội rằng “Khó chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền vì người chạy có báo đâu mà biết”. Thực tế, chẳng ai dại gì tuyên bố bản thân đã chạy việc, chạy chức hết bao nhiêu, phải đánh đổi như thế nào, bởi vì “xấu chàng, hổ ai” (!).

Khi xem xét nguyên nhân chính của thực trạng này, một số người có trọng trách đổ lỗi do cơ chế chồng chéo, hạn chế của các cấp cán bộ lãnh đạo... Tuy nhiên, cơ chế lại do chính con người đặt ra, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chính là những người đứng đầu các bộ ngành, địa phương; việc “phình” thêm các cơ quan, ban ngành, biên chế tăng thêm mà không giảm cũng chính do những con người này quyết định. Có cơ quan nhà nước, người đứng đầu vẫn quyết định bổ sung thêm biên chế cho dù đã có quy định không tuyển thêm. Và cho đến nay, hình như chưa có ai bị xử lý, bị kỷ luật về vấn đề này bởi khuyết điểm trong không ít cơ quan nhà nước - gần như đã trở thành một thuộc tính - là thuộc về tập thể.

Bong bóng: có khi nào tự xẹp?

Không thể để tình trạng biên chế như hiện nay tồn tại lâu hơn nữa. Muốn vậy phải thay đổi tư duy về biên chế, cách thức tổ chức thực hiện và tính hết những tác động trong cuộc sống của những người phải ra đi.

Tháng 8 vừa qua, tại một trường tiểu học khu vực Tây Nguyên, một cô giáo trẻ đã nhẫn nhục làm đơn tố cáo ông hiệu phó tống tình bằng video clip sex. Theo đơn tố cáo, sau khi được nhận dạy hợp đồng, ông hiệu phó đã gạ gẫm “quan hệ” với lời hứa sẽ lo cho cô về chuyên môn và biên chế. Sau một thời gian, lời hứa dù chưa được thực hiện, ông hiệu phó vẫn dùng clip này cưỡng bức cô giáo để được tiếp tục “quan hệ”. Đường cùng, cô đã làm đơn tố cáo hành vi suy đồi của vị lãnh đạo trực tiếp mình. Điều này, đồng nghĩa với việc cô mất “cả chì lẫn chài”: công việc, biên chế và có thể là mãi mãi không có một tấm chồng.

Biên chế là gì mà người ta có thể bỏ tiền, rất nhiều tiền, thậm chí là danh dự, nhân phẩm ra để đánh đổi? Nói theo ngôn ngữ văn bản thì biên chế được hiểu là số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp nhà nước, do đơn vị quyết định hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn của Nhà nước tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP. Còn nói một cách đời thường thì biên chế là người của Nhà nước, hưởng lương Nhà nước đến trọn đời với những khoản “lộc” đầy hứa hẹn trong tương lai. Những khoản “lộc” chính là ma lực của hai từ “biên chế”. Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đã khuyến cáo “chỉ có một cách thôi, đó là bỏ hẳn biên chế đi, chuyển sang chế độ hợp đồng lao động”.

Khi tình trạng “chạy việc”, mua bán chức quyền chưa được phòng ngừa, phát hiện và xử lý ráo riết; chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy, nếu không được giám sát, minh bạch với những cơ chế mới do những người trong sạch thực hiện, sẽ khó loại trừ việc chạy chọt, mua bán ở mức độ lớn hơn, cấp độ cao hơn nhiều so với trước đây. Những cán bộ tham nhũng chưa bị phát hiện, xử lý tuy thuộc “bộ phận nhỏ” nhưng lại nằm ở những vị trí quyết định trong guồng máy hệ thống chính trị sẽ tiếp tục tìm mọi cách chui sâu, leo cao hơn, trong khi những CBCC có năng lực, nhiệt huyết vì không chấp nhận “cuộc chơi” mới sẽ bị loại khỏi guồng máy... Khi đó, mục tiêu “tinh giản” sẽ không đạt được, bởi chỉ có “giản” mà không “tinh”. Hậu quả là khôn lường cho vận mệnh của đất nước trong thời gian tới.

Lê Trung Hiếu

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 (07/12/2017)

>   Tăng nhiều loại phí và lệ phí ở TP.HCM (07/12/2017)

>   6 tháng áp dụng cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ 'lột xác'? (06/12/2017)

>   Giá như Ngân hàng Nhà nước tính được chỉ số FCI... (05/12/2017)

>   Thủ tướng: 'Không để tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm năm nay' (01/12/2017)

>   PMI Việt Nam: Sản lượng ngành sản xuất đình trệ, kết thúc thời kỳ tăng trưởng dài 12 tháng (01/12/2017)

>   CPI 11 tháng đầu năm tăng 3.61% so với cùng kỳ (29/11/2017)

>   Thị trường bán lẻ và mục tiêu 44 triệu tỷ đồng năm 2035 (26/11/2017)

>   Tăng trưởng kinh tế 2018: Gánh nặng vẫn đặt lên vai chính sách tiền tệ (22/11/2017)

>   Tiếp tục có thêm nhiều điểm mới về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (22/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật