2018: Giá hàng hóa nông sản đi hướng nào?
Đến nay, hiện tượng thời tiết bất thường La Niña tại vành đai Thái Bình Dương đã được Cơ quan Hải dương và Khí quyển học (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA) có trụ sở tại Mỹ dự báo sẽ xảy ra vào cuối năm nay và kéo dài đến các tháng đầu năm 2018 với xác suất là 75%.
Hiện tượng La Niña thường gây nên khô hạn tại các nước sản xuất nông nghiệp quan trọng của thế giới ở vùng Nam Mỹ và Mỹ Latinh nhưng lại tạo mưa lụt lũ quét tại các nước sản xuất lúa gạo, dầu cọ, hồ tiêu, cà phê... bên châu Á. Ngoài ra, người ta cũng đưa ra dự báo do hiệu ứng của hiện tượng thời tiết này, Bắc bán cầu có thể phải trải qua một mùa đông giá buốt và dài hơn bình thường.
La Niña hiện nay trở thành mối lo chính cho các nước sản xuất và xuất khẩu lương thực thực phẩm cũng như giới kinh doanh các mặt hàng nông sản. Đó cũng là một tác nhân làm cho giá cả các mặt hàng nông sản lên xuống thất thường ngay trong tháng cuối cùng của năm 2017 và cả năm 2018.
Theo nhận định mới đây của Ngân hàng thương mại Rabobank (Hà Lan), thời gian qua, lượng tồn kho của nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, cán cân cung-cầu đang co lại dần nên thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, giá cả hàng nông sản thế giới có thể sẽ bị nhiều cú sốc trong cả hai chiều hướng tăng lẫn giảm.
Giá dầu thô tăng kéo theo giá cước vận tải biển đắt đỏ, cộng với thái độ chưa rõ ràng của Mỹ trong Hiệp định Kinh tế tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và vị thế quan hệ giao thương của Vương quốc Anh chưa thấy gì cụ thể sau khi nước này ra khỏi EU (Brexit), cũng được dự báo là những yếu tố gây bất ổn cho thị trường giá cả hàng hóa nông sản trong năm 2018 tới đây.
Trên thị trường tiền tệ, khả năng tăng lãi suất đồng đô la Mỹ trong thời gian tới sẽ tạo cơ hội cho đồng đô la Mỹ mạnh lên, làm cho một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ khó cạnh tranh, chẳng hạn như lúa mì và đậu nành.
Nhận định của chuyên gia phân tích hàng hóa ở Rabobank cho rằng tồn kho ngũ cốc và hạt có dầu trên thế giới thời gian qua tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay nên giá cả những mặt hàng đó trong mấy tháng rồi có phần dịu lại. Tuy nhiên, tới đây nguồn cung ứng có thể không đủ mà nguyên nhân là do La Niña gây nên một phần, chẳng hạn như tại Mỹ và Nam Mỹ.
Các yếu tố dẫn ra ở trên có thể tạo thành những cú sốc trong cung ứng hàng nông sản thực phẩm. Điều này sẽ thể hiện trên giá tại các sàn kỳ hạn, song song đó là chi phí “sở hụi” tăng, sự biến động thất thường và khó chịu của thị trường tiền tệ và đồng đô la Mỹ. Vì vậy khi nhìn theo hướng này, sẽ rủi ro cho ai đầu cơ giá giảm. Nhà nông và các doanh nghiệp sản xuất, nên chủ động phòng ngừa rủi ro theo hướng này vì giá cả hàng hóa nông sản khá ổn định ở mức thấp sau một thời gian tương đối dài.
Còn với từng mặt hàng, các nhà phân tích vẫn kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới vẫn tăng đều, giá cà phê arabica trong năm 2018 vẫn có hướng lên dù Rabobank đánh giá trong niên vụ 2018-2019 bắt đầu từ 1-10-2018 toàn cầu có thể thừa chừng 180.000 tấn cà phê. Nhu cầu tiêu dùng ca cao tiếp tục tăng, nhất là tại các nước đang phát triển, tồn kho của ca cao vẫn còn lớn nên giá mặt hàng này không kỳ vọng tăng mạnh.
Giá lúa mì chắc cũng tăng vì nguồn cung ứng giảm đến 7,5 triệu tấn (chưa tính thị trường Trung Quốc) do diện tích lúa mì tại Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Chỉ số cước vận tải biển (Baltic Dry Index - BADI)
Đóng cửa phiên cuối tuần ngày 24-11-2018, chỉ số giá cước vận tải biển (hàng khô) chốt mức 1.458 điểm, tăng 13 điểm so với ngày trước đó (xem đồ thị).
BADI là chỉ số giao dịch cho giá cước vận tải biển hàng ngày. Nhiều người cho rằng qua chỉ số này người ta biết tình hình giao thương hiện nay trên thế giới. Nó cũng là thước đo sức khỏe của nền kinh tế thế giới.
BADI giao động cũng mạnh không kém các sàn chứng khoán. Đỉnh cao kỷ lục của chỉ số này đạt 2.330 điểm lập vào tháng 12-2013 và 290 điểm là mức thấp kỷ lục lập vào tháng 2-2016.
|
Nguyễn Quang Bình
TBKTSG
|