Giá cà phê còn khả năng tăng?
Giá cà phê trong nước đang chạm ngõ 38 triệu đồng/tấn. Thị trường kỳ hạn cà phê robusta London và kể cả arabica New York đang trong trào lưu bán khống. Có hy vọng nào giá cà phê phục hồi? Câu trả lời là: “Tại sao không?”.
Giá cà phê nội địa xuống thấp
Giá cà phê nội địa tại Tây nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam đến ngày 20-11 đã mất mốc 39 triệu đồng để chỉ còn 38,5 triệu đồng/tấn.
Nhờ đợt nắng từ gần nửa tháng nay kể từ khi siêu bão số 12 mang tên Damrey chấm dứt, nhiều nhà vườn đang nhanh chóng thu hoạch để tranh thủ phơi phóng trong kỳ nắng ráo.
Dù cà phê vụ mới chưa ra thị trường nhiều do bận rộn với công việc thu hái, một số người vẫn lo giá xuống. Ông Trần Nhật Tân, một chủ vườn cà phê 2 héc ta tại huyện Đắc Mil, Đắc Nông nghẹn ngào nói: “Đến nay, đã thấy giá cà phê mất 2,5-3 triệu đồng mỗi tấn so với thời điểm cao nhất của niên vụ mới rồi. Không biết ít bữa nữa, khi có hàng muốn bán, giá xuống nữa không?”.
Giá kỳ hạn đi theo trào lưu dòng vốn
Trong khi đang viết bài này vào chiều tối 20-11, giá kỳ hạn robusta London đang giao dịch quanh mức 1.820 đô la Mỹ/tấn. Đấy cũng là mức bằng với thời kỳ đầu tháng 7-2016.
Tuy nhiên, hoạt động giá hiện nay hoàn toàn khác với thời kỳ cách nay 15 tháng. Nếu như bấy giờ, giá kỳ hạn bắt đáy từ 1.307 đô la để đi lên, thì mức 1.820 đang theo hướng tăng được mới nửa chặng đường. Giá sau đó tiếp tục tăng và có lúc lên đến 2.150 đô la/tấn. Cũng từ đỉnh ấy lập ngày 8-8-2017, giá robusta London nhào xuống liên tục cho tới 1.800 đô la/tấn. Nay cũng ở ngang mức đó, nhưng lại trong trào lưu giảm giá (xem đồ thị bên trên). Mức giá hiện nay cũng có thể là bước chỉnh tạm thời nếu như nhìn giá các thị trường hàng hóa thương phẩm hay chịu tác động bởi luồng vốn.
Để giải thích điều này rõ hơn, một nhà phân tích thị trường cho biết tính từ giữa tháng 8-2017 đến nay, các quỹ đầu tư tài chính đã bán hết các hợp đồng họ đã mua trữ lên trên 250.000 tấn và nay chuyển sang thế bán khống thêm hơn 150.000 tấn nữa, vị chi từ bấy đến nay chỉ trong vòng 3 tháng, họ đã bán 400.000 tấn bằng 40.000 hợp đồng kỳ hạn sàn robusta London. Trong khi đó, trong cùng kỳ, Việt Nam xuất khẩu hàng thực chưa đầy 300.000 tấn. Nếu tính thêm số liệu xuất khẩu của các nước khác, áp lực bán như đã thấy lại càng lớn!
Một khi cả hai lực lượng chính trên thị trường là giới đầu tư tài chính và các nước sản xuất cùng bán, thử hỏi giá làm sao lên được?
Ở đây, cũng cần nói thêm rằng chưa có dấu hiệu các quỹ đầu tư ngưng bán khống, nên rất có thể hướng giá vẫn còn xấu cho đến khi các quỹ đầu tư quay về mua lại (xem đồ thị trên).
Chính vì vậy, dựa trên cơ sở đồ thị kỹ thuật, một chuyên gia dự đoán rằng nếu giá kỳ hạn robusta London còn trụ được trên mức 1.807 đô la, tức là đáy gần nhất, giá sàn này vẫn còn hy vọng tăng. Nhưng muốn tăng mạnh, sàn London dứt khoát phải vượt qua 1.871 đô la/tấn để hóa giải tất cả các yếu tố tiêu cực và kéo các quỹ đầu tư từ người bán quay thành người mua trên sàn. Một khi không trụ được 1.807 đô la/tấn và tệ hơn nếu một ngày nào đó có giá đóng cửa để mất mốc 1.800 đô la/tấn, thì giá sàn này có nguy cơ xuống sâu, trước mắt các mức 1.770-1.730 đô la/tấn là cần phải thấy trước để khỏi chịu áp lực về tâm lý.
Nhen nhóm một số yếu tố tích cực
Công bằng mà nói, không nhất thiết khi cà phê các nước xuất khẩu hạn chế ra thị trường thì giá cà phê thế giới sẽ tăng. Hiện nay, tồn kho cà phê khả dụng tại các nước tiêu thụ ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản đã có chừng 1,5 triệu tấn, tương đương với lượng cần sử dụng để chế biến từ ba đến bốn tháng nếu như vì một lý do gì đó họ không nhập hàng về.
Cho đến khuya ngày 20-11, đà bán khống trên các sàn kỳ hạn cà phê vẫn còn rất mạnh.
Hai yếu tố gồm tồn kho tại các nước tiêu thụ (hàng thực) và khối lượng hợp đồng dư bán trên sàn (hàng giấy) đang làm giá cà phê chưa thể cất cánh ngay được.
Tuy nhiên, đừng vội bi quan vì không phải đã hết hướng tăng.
Cuối tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết họ chỉnh lại ước báo sản lượng cà phê của Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Theo USDA, sản lượng cà phê niên vụ 2017-2018 của Brazil chỉ đạt chừng 51,2 triệu bao (60 kg/bao), giảm 1,73% so với dự báo gần nhất của họ, trong đó sản lượng cà phê arabica có thể chỉ đạt chừng 38,8 triệu bao, giảm 1,7 triệu bao so với con số của họ trước đây.
Cơ quan này cũng hạ dự báo con số xuất khẩu của Brazil từ 33 triệu xuống còn 30,4 triệu bao.
Đồng thời, USDA cũng cho rằng sản lượng cà phê của Indonesia năm nay chỉ đạt 10,9 triệu bao, giảm từ 12,1 triệu bao của niên vụ trước.
Cũng nguồn nhận định, cơ quan này cho rằng tồn kho cà phê cuối kỳ của hai nước Brazil và Indonesia sẽ giảm do sản lượng yếu nhưng tiêu thụ nội địa tăng. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ thường có ảnh hưởng nhất định đến giá cà phê trên thị trường.
Yếu tố này đã nuôi hy vọng cho các nước sản xuất trong đó có nhiều nhà vườn cà phê Việt Nam vì đang vào niên vụ mới 2017-2018.
Tuy nhiên, do tồn kho là con số “thiên biến vạn hóa” cực kỳ khó đoán, nên giá cà phê sắp tới vẫn rất thất thường và dao động dữ dội.
Sàn kỳ hạn robusta London đóng cửa phiên ngày 20-11-2017 chốt tại 1.810 đô la/tấn (cao nhất 1.827 và thấp nhất 1.808 đô la/tấn), giảm 10 đô la so với cuối hai ngày đầu và cuối tuần trước vì đều có giá đóng cửa 1.824 đô la/tấn.
Như vậy, ngày 21-11, giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây nguyên có thể muốn chạm ngõ 38 triệu đồng/tấn.
Nguyễn Quang Bình
TBKTSG Online
|