Giá đường - Hình thành mẫu hình Symmetrical Triangle
Hiện giá đường đang bước vào giai đoạn tích lũy quan trọng, giá hình thành mẫu hình Symmetrical Triangle với hai kịch bản chính là tạo xu hướng tăng hoặc bước vào giai đoạn điều chỉnh. Những tín hiệu kỹ thuật đang hàm ý về giai đoạn tăng trưởng mới.
Xu hướng điều chỉnh dài hạn đang chi phối
Từ năm 2011, giá đường bắt đầu hình thành xu hướng điều chỉnh mạnh trong trung và dài hạn. Giá liên tục hình thành đỉnh và đáy mới thấp hơn.
Nhóm MA dài hạn (MA 200, MA 300) đi xuống và giá đang dao động dưới nhóm này cho thấy xác nhận về xu hướng điều chỉnh.
Tuy mức độ điều chỉnh có sự suy yếu khi giá hình thành vùng đáy thấp kỷ lục quanh ngưỡng 24-25 USD trong tháng 08/2015 nhưng về cơ bản xu hướng điều chỉnh dài hạn vẫn khá mạnh khi đường trendline hình thành từ đỉnh tháng 08/2011 được giữ vững. Thêm vào đó, độ dốc các đường trendline có sự gia tăng trở lại nên xu hướng điều chỉnh vẫn đang chi phối giá.
Hình thành mẫu hình Symmetrical Triangle
Giá hiện đang dao động trong biên độ hẹp và mức độ biến động đang giảm dần. Qua đó, hình thành mẫu hình Symmetrical Triangle. Mặt khác, nhóm MA trung hạn (MA 50, MA 100) có xu hướng đi ngang hàm ý về giai đoạn tích lũy nên có hai kịch bản chính với thị trường ở giai đoạn hiện tại.
Kịch bản 1: Giá phá cạnh dưới mẫu hình Symmetrical Triangle tiếp tục điều chỉnh trong dài hạn. Hỗ trợ mạnh là vùng đáy cũ tháng 08/2015 (vùng 24-25 USD).
Kịch bản 2: Giá phá vỡ cạnh trên mẫu hình Symmetrical Triangle hình thành xu hướng tăng trong trung hạn. Ngưỡng kháng cự mạnh với sự phục hồi là đường trendline trung dài hạn (vùng 33-35 USD).
Các tín hiệu kỹ thuật đang hỗ trợ cho kịch bản 2 về sự tăng giá trong trung hạn. Theo đó, MACD đã phá vỡ đường 0 và đường signal cho tín hiệu mua trở lại. Giá đang ở gần vùng đáy thấp kỷ lục trong 10 năm nên sẽ được hỗ trợ rất lớn từ vùng này.
Ảnh hưởng đến công ty ngành mía đường Việt Nam
Ngành mía đường Việt Nam có tính chất khá đặc thù khi có quy mô nhỏ và thiếu hiệu quả trong sản xuất. Chi phí sản xuất đường ở Việt Nam thường cao hơn so với đường thế giới chính vì thế tình trạng nhập khẩu qua đường chính ngạch và tiểu ngạch có ảnh hưởng mạnh đến ngành mía đường trong nước.
Khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực từ năm 2018, thì hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ bị xóa bỏ và thuế giá trị gia tăng với đường sẽ giảm về 5%. Theo đó, đường thế giới với chi phí sản xuất thấp (đặc biệt là đường từ Thái lan) sẽ được nhập khẩu với số lượng lớn. Các doanh nghiệp ngành đường Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với đường nhập khẩu. Hiện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đang có kiến nghị với chính phủ để lùi/ giãn thời gian thực hiện ATIGA để ngành có sự chuẩn bị tốt hơn.
Nếu kịch bản tăng giá được hình thành sẽ cải thiện tình trạng nhập khẩu đường tại Việt Nam, qua đó cải thiện phần nào doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Tác động từ biến động giá đối với các doanh nghiệp trong ngành là khác nhau dựa vào đặc điểm về quy mô, vùng nguyên liệu, công nghệ, hệ thống phân phối… Ví dụ, CTCP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) có thể là doanh nghiệp hưởng lợi chính trong ngành do lợi thế về quy mô cũng như lợi thế do tạo được hệ thống phân phối bán lẻ, thông qua việc sát nhập với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS).
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
|