Thứ Năm, 09/11/2017 21:00

Xóa hộ khẩu để tạo công bằng

Ở Việt Nam, từ “hộ khẩu” có thể được xếp vào nhóm các từ được nhiều người biết nhất. Trên thế giới, từ này cũng không xa lạ vì Trung Quốc, nơi bắt nguồn hệ thống quản lý bằng hộ khẩu hiện nay, vẫn đang duy trì nó và nước này hiện chiếm đến xấp xỉ một phần năm dân số toàn cầu (1,4 tỉ người Trung Quốc so với 7,6 tỉ người trên trái đất). Chẳng vì thế mà hộ khẩu có hẳn một từ tiếng Anh: “hokou”. Mấy năm trước tờ The Guardian, một trong những nhật báo hàng đầu của Anh, giật tít “China reforms hokou system to improve migrant workers’ right” (Trung Quốc cải cách hệ thống hộ khẩu để cải thiện quyền lợi công nhân nhập cư).

Bộ Công an: Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng công nghệ

Hộ khẩu có hẳn một từ tiếng Anh là "hokou".

Tra cứu nguồn gốc của từ “hộ khẩu” trên mạng mới thấy dù chính thức trở thành một “định chế” vào năm 1958 qua quy định đăng ký hộ khẩu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng hệ thống hộ khẩu đã xuất hiện trước đó rất lâu, có tài liệu nói tận từ thời nhà Hạ (khoảng 2100-1600 TCN). Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, hệ thống này cũng có hiệu lực tại một số nơi khác, như Đài Loan, Nhật Bản và hai miền thuộc bán đảo Triều Tiên.

Tác động kinh tế-xã hội của hệ thống hộ khẩu tại các quốc gia nêu trên như thế nào xin không bàn ở đây, nhưng ảnh hưởng tại Việt Nam trong tình hình mới đã cho thấy lợi bất cập hại. Cách đây chừng mười lăm, hai mươi năm trước, hộ khẩu vẫn còn là “giấy thông hành” cho người muốn sống chính thức tại một thành phố. Còn nhớ vào thời đó, nhiều phụ nữ ở các địa phương vô Sài Gòn lập nghiệp, gặp một nửa của mình là dân “bản địa”, không ít người đã phải chịu tiếng oan lấy chồng chỉ vì muốn có “hộ khẩu thành phố”.

Những tác động tiêu cực của hệ thống hộ khẩu sẽ bị khai tử khi Nghị quyết số 112/NQ-CP có hiệu lực hoàn toàn. Nghị quyết này không chỉ loại bỏ nhiều thủ tục hành chính ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của hơn 95 triệu dân Việt Nam, ý nghĩa thực sự còn lớn hơn nhiều vì nó mở đường cho việc thực thi quyền hiến định của công dân theo Hiến pháp mới 2013, chẳng hạn như quyền tự do đi lại và quyền cư trú. Bởi vì thế mà cuối tuần qua nhiều bài báo đã tường thuật niềm hứng khởi của người dân với nghị quyết “lịch sử” này của Chính phủ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá vui mừng với ý nghĩ hộ khẩu sẽ biến mất sau một đêm. Hộ khẩu đã là một hệ thống tồn tại ở Việt Nam chí ít cũng hơn nửa thế kỷ. Một định chế đã ăn rễ sâu rộng như thế nên không dễ cắt bỏ hoàn toàn ngay theo ý muốn của chúng ta. Nhà nước sẽ phải thực hiện các biện pháp thật đồng bộ nhằm tránh sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý hành chính, đồng thời rà soát lại quy định trong các luật sao cho phù hợp.

Nghị quyết của Chính phủ quy định Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú 2006 để trình Quốc hội thông qua, cũng như sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan. Như vậy, cuốn sổ hộ khẩu mà mọi gia đình Việt Nam phải gắn liền chỉ bị “khai tử” khi tất cả các công đoạn nêu trên hoàn thành.

Vậy thì bao lâu nữa chúng ta sẽ đạt được điều này? Bộ Công an đã có lộ trình cụ thể, đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 hay năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào vận hành, khi đó các giao dịch hành chính sẽ chẳng cần đến hộ khẩu.

Hộ khẩu sẽ được thay thế bằng “mã số định danh cá nhân”, về nguyên tắc, hình thức mới có nhiều ưu việt hơn. Tuy nhiên, hệ thống nào cũng do con người quy định nên việc “siết chặt” hay “nới lỏng” cũng đều từ ý muốn của con người. Vì thế, Chính phủ cần có cơ chế bảo đảm hệ thống mới thay hộ khẩu ngăn ngừa được tác động xấu và kẽ hở tạo ra nhũng nhiễu, phải làm sao hệ thống mới thực sự xóa được phân biệt đối xử, mang lại công bằng cho mọi công dân - đặc biệt là loại bỏ vĩnh viễn sự phân biệt hành chính giữa nông thôn và thành thị, giữa “người tại chỗ” và “dân nhập cư”.

Ngày 1-1-2008, Hàn Quốc chính thức bãi bỏ hệ thống hộ khẩu để phù hợp với hiến pháp mới 2005 của họ. Còn chúng ta, bốn năm sau khi sửa đổi Hiến pháp, cũng đang thực hiện điều tương tự. Đó là điều rất thuận lòng dân và cần được thực hiện càng sớm càng tốt. 

Quỳnh Thư

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Trong 24 giời tới áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (09/11/2017)

>   Show miễn phí không hề có giá rẻ (09/11/2017)

>   Vingroup sắp khánh thành trung tâm đào tạo bóng đá hàng đầu Đông Nam Á (09/11/2017)

>   Công dân thông minh, tại sao không? (09/11/2017)

>   Vị thủ tướng Canada điển trai và chiêu 'ngoại giao vớ' độc đáo (08/11/2017)

>   Vì sao xe hơi Mỹ không phổ biến ở Nhật Bản? (08/11/2017)

>   Vingroup sẽ xây dựng công viên giải trí kiểu Disneyland (08/11/2017)

>   Nỗi buồn nhân đôi của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô (08/11/2017)

>   Bộ Công an: Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng công nghệ (07/11/2017)

>   Vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 là tin đồn thất thiệt (06/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật