Show miễn phí không hề có giá rẻ
Đứng sau các liveshow “khủng”, liveshow tiền tỉ đều có hình bóng của nhiều nhà tài trợ, không dưới dạng “đại nhạc hội” thì cũng là “tình thân mến thân” với ca sĩ. Còn nếu không có nhà tài trợ, thời buổi này sẽ không ai dám làm liveshow, thế thì nói gì đến “dấu ấn” cá nhân trong các liveshow ca nhạc?
Đông Nhi làm show diễn miễn phí cho sinh viên. Ảnh: T.L
|
Chuyển sân vì bão hòa
Vào thời điểm này, tin Noo Phước Thịnh sẽ ra Hà Nội làm show miễn phí có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Thứ nhất, kỷ niệm 9 năm ca hát lẽ ra phải được tổ chức ở phía Nam - nơi anh được phát hiện và nổi tiếng; thứ hai, vì sao lại là show miễn phí, trong khi ca sĩ này từng làm mưa, làm gió ở SVĐ Quân khu 7, TPHCM cũng thời điểm này vào năm ngoái với con số người xem là hơn 30.000 người?
Nói là làm liveshow phát vé miễn phí, song phía sau Noo có những nhà tài trợ. Thế cũng có nghĩa là những chiếc vé đó không hề miễn phí, vì có sự tham gia của các nhãn hàng - mà đổi lại, họ được dịp tổ chức “sự kiện” cho khách hàng của mình. Cho dù Noo Phước Thịnh khẳng định sẽ không có dấu ấn nào từ phía các nhãn hàng, song khó có thể không chiều theo ý muốn của nhà tài trợ. Còn nếu là bỏ tiền túi thêm, thực ra, ca sĩ còn lời chán, ở chỗ, sau mỗi liveshow khủng, họ lại được nâng mức cát sê cũng như tầm ảnh hưởng của mình.
Có một điều khó hiểu là giám đốc âm nhạc của chương trình - nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, tỏ vẻ khá kiêu kỳ khi cho rằng mình nhận lời, dù trước đó rất ít nghe nhạc của Noo Phước Thịnh. Và rồi anh tự tin khẳng định: “Vì không nghe nhạc của Noo nên lúc nghe rồi tôi mới thấy bất ngờ”. Vậy là ngay cả giám đốc âm nhạc cũng mới “làm quen” với các thể loại nhạc Noo hát, để rồi hai bên cùng ráp vào là xong một show giải trí của một “ca sĩ giải trí” - như Hồ Hoài Anh nhìn nhận.
Trước đó, vào tháng 11.2016, sân khấu SVĐ Quân khu 7 đã từng “vỡ trận” vì lượng khán giả quá đông đến xem live concert của Noo Phước Thịnh và một số khách mời do một hãng điện thoại tài trợ. Không khó hiểu vì toàn bộ vé phát ra là để nhà tài trợ “tri ân khách hàng”. Như vậy, lượng fan đông đảo đã quen đi xem “thần tượng” của mình miễn phí qua vòng tay “thân ái” của các nhãn hàng. Và thực ra, thị trường ca nhạc lâu nay chỉ sống nhờ… các nhà hảo tâm.
Vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ đều đem liveshow ra Hà Nội, bởi lẽ thị trường trong Nam quá bão hòa. Khán giả phía Nam đã quen xem miễn phí, thậm chí được “thuê tới vỗ tay”, các chương trình dàn dựng không có gì mới. Còn các nhà tổ chức ở khu vực này từng ôm lỗ chạy không kịp, vì không lường trước nhu cầu thoái trào của khán giả.
Chất lượng giảm vì miễn phí
Thực ra, điểm lại những cái tên bán được vé cũng ít nhiều có nhà tài trợ “chống lưng”. Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Đan Trường, Mỹ Tâm hay Hồ Ngọc Hà cũng không dám mạo hiểm tự bỏ tiền ra làm show bạc tỉ. Năm ngoái, “Diamond Show” của Đàm Vĩnh Hưng được công bố chi phí lên đến 12 tỉ đồng, thực hư chỉ có 28 nhà tài trợ biết rõ.
Tương tự, “Sài Gòn, Bolero và Hưng” của anh năm nay cũng có giá 10 tỉ trong hai đêm, cũng có nhà tài trợ. “Show tiền tỉ” là một cách chơi ngông có tính toán. Đằng nào cũng lên tầm, bung nấc, đằng nào cũng được tiếng, cho dù đó là show có nhà tài trợ gián tiếp hay trực tiếp.
Thói quen làm show miễn phí có nhãn hàng đứng sau đã được các sao duy trì nhiều năm nay. Còn nhớ năm 2015, cả Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm đều chạy đua làm show cho sinh viên ở hai thành phố lớn, riêng Hồ Ngọc Hà còn làm tour xuyên Việt. Tuy nhiên, dư âm để lại không là bao vì là show không đầu tư nhiều, thậm chí có nơi sinh viên không mặn mà.
Hay Đức Tuấn từng kết hợp với Nhà hát Hòa Bình làm show nhạc đỏ miễn phí, song show này lại giống với show kỷ niệm thành lập nhà hát thì đúng hơn.
“Vòi bạch tuộc” nhãn hàng
Ca sĩ trẻ ăn khách, đông fan như Đông Nhi cũng phải có nhãn hàng đứng sau mới dám làm liveshow đầu tiên trong sự nghiệp của mình tại SVĐ Quân khu 7, TPHCM năm 2016.
Một đơn vị tài trợ từng chi 4 tỉ cho liveshow “Sa mạc tình yêu” năm 2016 của ca sĩ hải ngoại Ý Lan tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM từng bật mí, các nhà tài trợ trong các liveshow mà Cty tổ chức được hưởng rất nhiều quyền lợi: Cty đến tận nơi cảm ơn; thương hiệu được lan tỏa trên truyền thông, báo chí và còn nhiều quyền lợi khác nữa...
Nhưng tìm được nhà tài trợ không dễ. Ngoài chuyện chọn gương mặt thương hiệu đại diện cho mình, các nhà tài trợ còn đòi hỏi ca sĩ phải có tầm ảnh hưởng rộng trong giới trẻ, đặc biệt nhiều fan, để nhãn hàng của họ đến đúng đối tượng. Và khi cầm tiền, họ còn làm chủ cuộc chơi, khiến không ít show bị thương mại hóa mà không mang chất lượng nghệ thuật.
Tiếng là hỗ trợ các nghệ sĩ làm show, song các nhãn hàng đều có lợi. Họ vừa có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình vừa được tiếng tốt “cứu” liveshow trong thời điểm bùng phát hàng loạt chương trình thực tế trên truyền hình. Và có nhà tài trợ thì ca sĩ mới yên tâm đầu tư, chỉ trông chờ phần lãi ở việc bán vé.
|
Minh Thi
Lao Động
|